Nhiều ý kiến trái chiều
Sáng 7/2, các trường học ở tỉnh Thanh Hóa đồng loạt đón HS trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Để đảm bảo an toàn trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học đã yêu cầu HS phải thực hiện xét nghiệm nhanh (test Covid-19).
Tại Trường THPT Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa), nhiều phụ huynh phản ánh, con em họ đến trường sau Tết Nhâm Dần và phải thực hiện test nhanh Covid-19, trong khi phụ huynh không được báo trước.
Còn phụ huynh HS ở Trường Tiểu học Quảng Yên (huyện Quảng Xương) phản ánh, việc nhà trường yêu cầu tất cả HS phải tự xét nghiệm Covid-19 để nhập học sau kỳ nghỉ Tết, là tạo gánh nặng kinh tế cho phụ huynh HS.
Một phụ huynh (xin được giấu tên) ở xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương) cho biết: Ngày 7/2, anh nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm lớp 4, Trường Tiểu học Quảng Yên trong nhóm Zalo của lớp, yêu cầu mỗi HS nộp 30.000 đồng để xét nghiệm Covid-19 tại trường. Nếu em nào xét nghiệm ở nhà, thì quay video lại hoặc chụp kết quả xét nghiệm gửi cho cô giáo. Đây là yêu cầu bắt buộc, đề nghị các phụ huynh hợp tác.
Cũng theo phụ huynh này, anh đã cho con trai 30.000 đồng đến nộp cho cô giáo chủ nhiệm để xét nghiệm Covid-19 ở trường. Phụ huynh này cho rằng, việc bắt buộc xét nghiệm này đối với tất cả HS toàn trường là không cần thiết, gây lãng phí. Bởi lẽ, do dịch Covid-19, nên Tết năm nay gia đình anh không cho con đi chơi xa, không gặp gỡ nhiều người. Ngày đến trường sau kỳ nghỉ Tết, con trai anh vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng ho, sốt, đau họng kéo dài.
Trong khi đó, chị Hoàng Thị Huệ, có con gái học ở Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa, cho rằng: Nên thực hiện test Covid-19 cho con, trước khi các cháu trở lại trường học sau Tết. “Những ngày nghỉ Tết, dù gia đình rất hạn chế cho con đi chơi, nhưng khi quay lại trường học, tôi cũng lo cho sự an toàn của cháu. Do đó, tôi tự mua kit test ở hiệu thuốc về kiểm tra cho con, sau đó cháu đến trường, lại tiếp tục được nhà trường test Covid-19. Theo tôi, việc làm này để đảm bảo sự an toàn cho con và các bạn của cháu ở trường học”, chị Huệ chia sẻ thêm.
Ngày 9/2, trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Lê Đình Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Hưu - cho biết: Thực hiện công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngày 6/2 nhà trường đã thông báo, khuyến cáo đến các bậc phụ huynh, HS về việc xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với những em có nguy cơ cao, có triệu chứng ho, sốt… để phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo thầy Sinh, nhà trường chỉ khuyến cáo phụ huynh nên đưa con em có nguy cơ cao, có triệu chứng của dịch bệnh Covid-19 đi xét nghiệm nhanh, chứ không bắt buộc tất cả HS của trường phải đi xét nghiệm Covid-19.
Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến cáo cán bộ, giáo viên của trường chủ động xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi đến trường sau Tết. Bởi, những ngày nghỉ Tết, HS, giáo viên tiếp xúc, giao lưu với nhiều người.
“Chiều 7/2, sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh, nhà trường có 2 học sinh và 1 giáo viên dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, Ban giám hiệu đã báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện để thực hiện việc cách ly, điều trị đối với 2 HS và giáo viên nêu trên. Đồng thời, trường cũng cho 2 lớp có 2 HS mắc Covid-19 tạm thời học trực tuyến, để phòng tránh dịch bệnh”, thầy Sinh cho hay.
Sở GD&ĐT, Trung tâm Y tế nói gì?
Nhằm đảm bảo an toàn cho HS và giáo viên, ngày 27/1, Sở GD&ĐT Thanh Hóa có công văn gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc, với nội dung: “Tuyên truyền, vận động để ngay khi trở lại trường học sau Tết, các trường phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS. Trong đó, đảm bảo 100% các trường trên địa bàn thành phố, thị xã và các trường có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS”.
PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: HS chỉ xét nghiệm Covid-19 một lần trước khi đến trường sau kỳ nghỉ Tết. Vì dịp Tết, các em đi lại, giao lưu, thăm hỏi người thân trong vòng 10 ngày, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Do đó, Sở đã ban hành công văn chỉ đạo toàn ngành nên xét nghiệm Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết, để đảm bảo an toàn, đặc biệt là HS mầm non và tiểu học chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
“Không an toàn thì không cho HS trở lại trường được. Việc xét nghiệm Covid-19 trước mắt là an toàn cho HS, nhà trường, giáo viên, giúp phụ huynh yên tâm. Đối với những em thuộc diện khó khăn, nhà trường nên xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho số HS này”, ông Trần Văn Thức chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa - cho rằng: Trước, trong và sau Tết, số người nhiễm dịch sẽ tăng lên. Lý do, người từ vùng nhiễm dịch trở về quê ăn Tết, tụ tập đông người nhiều và tình trạng xuất hiện người nhiễm bệnh trong cộng đồng cũng nhiều. Do đó, khi HS trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, thì việc quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho các cháu, cũng như cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục. Vì vậy, việc test Covid-19 là điều cần thiết và hết sức quan trọng.
“Muốn phát hiện ai nhiễm bệnh, thì chỉ có xét nghiệm mới biết được. Vì vậy, việc test Covid-19, gần như là điều kiện cần thiết và bắt buộc để xác định được người đó ở tình trạng nào. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, HS, giáo viên và kể cả cán bộ công chức, viên chức cần phải được xét nghiệm. Tất cả cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, trường học cần bảo vệ sức khỏe cho mọi người, nên việc test Covid-19 là hết sức cần thiết”, ông Hùng khuyến cáo.