Ngay sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Thanh Hóa, nhiều giáo viên môn Ngữ văn tại các trường THCS, THPT đã có những nhận định tổng quát về đề thi năm nay.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Lê Thị Dung – GV môn Ngữ văn, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng, đề thi năm nay khá hay, mới và mở. Do đó, không có chuyện HS có thể học tủ.
“Với đề thi năm nay, nội dung chủ yếu cũng nằm trong chương trình sách giáo khoa. Học sinh (HS) nếu nắm vững kiến thức cơ bản, có thể tự tin dành từ 7 trở lên với đề thi này. Để đạt từ điểm 9 trở lên đòi hỏi thí sinh phải có mức độ tư duy cao hơn”, cô Dung chia sẻ.
Theo nữ GV Trường THCS Nhữ Bá Sỹ, câu hỏi có độ khó với đề thi này là câu nghị luận xã hội. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh về mức độ nhận thức lẫn sự hiểu biết các vấn đề xã hội. Nếu không nắm được các yếu tố này, thí sinh sẽ gặp khó trong phần giải thích và dẫn chứng.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thanh Huyền – GV Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) nhận định: Đề thi ra theo đúng với cấu trúc chương trình đã ban hành và cũng vừa sức với học sinh.
“Đề thi còn có điểm mới như ở câu đọc – hiểu phần nghị luận xã hội cũng đã hướng đến một trong những nội dung đổi mới giáo dục hiện hành, đó là chú trọng hoạt động trải nghiệm”, cô Huyền chia sẻ.
Theo cô Huyền, nếu học sinh học theo kiểu lối mòn và bám theo sách giáo khoa chỉ đạt từ 5-6 điểm. Nếu muốn đạt từ điểm 8 trở lên đòi hỏi thí sinh phải có tư duy, kỹ năng, trải nghiệm và vận dụng một cách linh hoạt.
“Chẳng hạn như câu 5 điểm phần 2, có thể dành 4 điểm cho sự cần cù, chịu khó của thí sinh và 1 điểm còn lại đòi hỏi các em phải có sự liên hệ mở rộng”, cô Huyền chia sẻ.