Thanh Hoá: Dân dở khóc dở cười vì trồng phải loại cây 10 năm không chịu lớn

GD&TĐ - Năm 2012, tỉnh Thanh Hóa thực hiện Dự án trồng rừng (xoan) với hàng chục nghìn ha. Thế nhưng, đến nay cây xoan gây nhiều hệ lụy, khiến người trồng rừng “dở khóc, dở cười”.

Ông Dừa bên rừng xoan của gia đình.
Ông Dừa bên rừng xoan của gia đình.

Chính phủ cấp gạo cho dân đi… trồng xoan? 

Từ năm 2012, để thực hiện Dự án trồng rừng 147, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KT - XH huyện Mường Lát.

Trong đó, Ban Chỉ đạo này có nhiệm vụ triển khai Dự án trồng rừng 147 (chủ yếu là trồng rừng xoan). Nhằm hỗ trợ người trồng xoan, Chính phủ đã cấp gạo cho đồng bào các dân tộc ở Mường Lát, với mức 10 kg/khẩu/tháng.

Thời điểm cuối năm 2011, theo chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa xác định cơ cấu cây trồng của Mường Lát là xoan và lát. Vì thế, ngay từ cuối năm 2011, Thanh Hóa đã có chủ trương thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân về kỹ thuật, chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất.

Trước cơ hội phát triển kinh tế rừng, các cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát đã vận động, tuyên truyền đồng bào tham gia trồng rừng. Lúc đó, phong trào trồng rừng ở huyện biên giới này chưa bao giờ rầm rộ như vậy.

Bởi thế, năm 2012, trong 9 xã, thị trấn của huyện Mường Lát, người ta đã trồng được hơn 2.450 ha rừng xoan và cây lát (chủ yếu là xoan). Đến năm 2013, diện tích trồng rừng của huyện Mường Lát đạt tới hơn 3.850 ha và năm 2014, địa phương này trồng được hơn 4.000 ha rừng.

Chỉ sau khoảng 3 năm thực hiện Dự án trồng rừng 147, Mường Lát đã trồng được trên 11.000 ha rừng xoan, lát. Lúc đó, người ta cho rằng, cây xoan rất thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Mường Lát và sẽ cho kết quả tốt. Và, với bài toán thoát nghèo nhờ xoan, lát thì chỉ cần sau 3 - 4 năm, sẽ cho thu hoạch, giúp không ít bà con Mường Lát thoát nghèo.

Không chỉ vậy, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu phủ xanh toàn bộ diện tích rừng trên huyện Mường Lát. Đây không những là việc làm có ý nghĩa về việc thoát nghèo, mà còn là công tác bảo vệ môi trường, chống xói mòn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ngoài ra, theo tính toán của các nhà hoạch định kinh tế, thì sau 6 - 7 năm trồng xoan, lát sẽ cho thu hoạch cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa nương rẫy. Việc trồng xoan còn có thể kết hợp với chăn nuôi gia súc dưới tán rừng và trồng cỏ nuôi bò.

Mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn huyện Mường Lát sẽ trồng mới trên 19.000 ha rừng xoan, lát có giá trị kinh tế cao. Cùng với phát triển rừng, trồng cỏ, chăn nuôi bò bán chăn thả, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện Mường Lát...

Và đến thời điểm này, theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Mường Lát, giai đoạn 2012 - 2019, tổng diện tích rừng sản xuất (phần lớn là cây xoan) đã trồng được, lên tới hơn 17.000 ha.

Ông Ngân Văn Dừa, bản Đông Ban, xã Pù Nhi (Mường Lát) đo một gốc xoan đã gần 10 năm tuổi, nhưng vanh của nó chỉ hơn 30 cm.
Ông  Ngân Văn Dừa, bản Đông Ban, xã Pù Nhi (Mường Lát) đo một gốc xoan đã gần 10 năm tuổi, nhưng vanh của nó chỉ hơn 30 cm.

Trồng 10 năm, có cây chỉ bằng… bắp tay

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, từ năm 2012 đến năm 2019, địa phương này đã trồng trên 17.000 ha xoan và cây lát, nâng độ che phủ rừng lên 74%. Nếu tính chu kỳ thu hoạch xoan theo năm tuổi, thì đợt trồng đầu tiên đến nay đã gần 10 năm, có thể thu hoạch. Thế nhưng, thực tế cây xoan ở Mường Lát đang trở thành “vật cản” nhiều vấn đề.

Ông Ngân Văn Dừa (61 tuổi), ở bản Đông Ban, xã Pù Nhi (Mường Lát), cho biết, gia đình ông trồng 1 ha xoan theo dự án 661. Đến năm 2013, ông trồng thêm 0,6 ha xoan, theo Dự án 147. Gia đình ông Dừa được Nhà nước hỗ trợ gạo trồng rừng trong vòng 5 năm, với mức mỗi khẩu được 10 kg/tháng.

“Nhà nước hỗ trợ gạo cho bà con ăn để đi trồng rừng. Thực tế, gạo của Nhà nước hỗ trợ với mức ấy là bà con đủ ăn, không lo đói. Vì thế, nhà nhà trồng xoan, người người đi trồng xoan. Đến bây giờ, cây xoan đã gần chục năm, nhưng gia đình tôi chưa bán được cây nào. Mặc dù gia đình rất muốn bán xoan đi để trồng cây khác có gia trị kinh tế cao hơn, nhưng không ai hỏi mua”, ông Dừa nói.

Ông Ngân Văn Yệm, ở bản Co Cài, xã Trung Lý (Mường Lát), chia sẻ: Cách đây 8 năm, gia đình ông trồng được 7 ha xoan. Thế nhưng, cây xoan phát triển rất chậm và ông đã phải phá bỏ 1 ha đi để trồng luồng thay thế. Trước khi phá xoan, ông phải báo cáo trưởng thôn và lực lượng Kiểm lâm.

“Cây xoan chậm phát triển lắm. Gia đình tôi trồng từ năm 2012 đến nay, mà cây nào lớn nhất cũng mới chỉ có đường kính khoảng 15 – 17 cm thôi. Còn lại đa số là cây nhỏ, đường kính chừng 10 cm, thậm chí có cây mới chỉ bằng bắp tay. Nếu bây giờ bán, thì người ta mua về làm củi chứ không thể làm được cột nhà, trong khi đó, giá cả rất rẻ mạt”, ông Yệm nói.

Cũng theo ông Yệm, cây xoan không phát triển được, có thể là do không hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất này. Vài năm đầu mới trồng, cây xoan phát triển rất đều, nhưng từ năm thứ 4 trở đi, đất cằn cỗi, chúng phát triển rất chậm.

“Nếu bây giờ khai thác toàn bộ 6 ha xoan đã trồng, tôi ước tính được khoảng hơn 20 m3. Với giá bán hiện nay chưa đầy 1 triệu đồng/1 m3, thì tôi thu được khoảng 20 triệu đồng, nhưng phải chặt hạ xoan, kéo xuống đường tập kết lên xe cho người mua. Tuy nhiên, để bán được ngần nấy xoan, không phải là chuyện dễ dàng”, ông Yệm cho biết thêm.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, cây xoan rất dễ trồng, dễ sống và vài năm đầu phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, khi xoan đã lớn lên chừng ba – bốn mét, thì ở dưới tán rừng, không thể trồng xen được cây gì. Bởi, lá, hoa, quả xoan rụng xuống, sẽ “giết” những loại cây trồng khác.

Giờ đây, người trồng xoan ở Mường Lát đang rất mong Nhà nước có chính sách tháo gỡ cho bà con khỏi bị hệ lụy từ cây xoan. Nếu không giải phóng được xoan, thì sẽ không thể cải tạo đất và chuyển đổi cây trồng khác được. Còn cứ để cây xoan như vậy, có lẽ cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề gì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ