Long đong tìm trường cho con
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh tại phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), nhiều năm nay, việc tuyển sinh đầu cấp vào lớp 1 tại phường đã gây bức xúc cho người dân khi nhiều học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 không được học tại trường tiểu học của phường do cơ sở vật chất nhà trường còn khó khăn không thể tuyển hết số học sinh tại phường.
Vì vậy, có tình trạng nhiều học sinh trong danh sách điều tra phổ cập giáo dục của phường nhưng không nộp được hồ sơ tuyển sinh vào Trường tiểu học Đông Thọ.
Cô Lê Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Thọ - cho biết: Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay tại phường Đông Thọ. Cơ sở vật chất Trường tiểu học Đông Thọ còn thiếu thốn, không đủ để đáp ứng nhu cầu học của con em trong phường.
Hiện tại, trường tiểu học Đông thọ chỉ có 14 phòng học cho 5 khối lớp. Theo danh sách điều tra phổ cập tại phường, số học sinh vào lớp 1 là 360 học sinh, UBND thành phố Thanh Hóa giao chỉ tiêu tuyển sinh cho nhà trường là 185 học sinh. Do vậy nên trong quá trình làm công tác tuyển sinh, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp nhà trường phải tư vấn để phụ huynh nộp hồ sơ đến các trường lân cận.
Cùng tình trạng trên, Trường THCS Đông Thọ cũng bị giao chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp do cơ sở vật chất nhà trường còn khó khăn. Theo danh sách điều tra phổ cập giáo dục của phường Đông Thọ, số học sinh trong độ tuổi vào lớp 6 có 334 học sinh, tuy nhiên UBND thành phố Thanh Hóa chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh là 156 học sinh. Số học sinh còn lại phải phân tuyến đi học tại các trường trái tuyến khác.
Tình trạng này khiến cho người dân nơi đây bức xúc bởi cùng trên địa bàn thành phố nhưng ở nhiều phường học sinh trong độ tuổi xét tuyển đầu cấp có tên trong danh sách phổ cập đều được tuyển sinh học tại các trường của phường. Trong khi đó, tại phường Đông Thọ mặc dù cùng sinh sống trên địa bàn, cùng có trách nhiệm nghĩa vụ công dân như nhau nhưng quyền lợi lại không bình đẳng.
Chị L.T.H cho biết: Gia đình tôi đã mua nhà sinh sống nhiều năm tại phường Đông Thọ. Trong quá trình sinh sống trên địa bàn, mọi khoản đóng góp tại phường chúng tôi đều thực hiện đầy đủ. Thế nhưng, khi đi con tôi vào lớp 1 lại không được hưởng quyền lợi khi phải xin học trái tuyến.
Trong khi đó, việc học trái tuyến liên quan đến nhiều vấn đề về khoảng cách địa lý, các khoản đóng góp trái tuyến khi vào đầu cấp, không phải gia đình nào cũng có điều kiện lo được và việc xin học tại các trường trái tuyến cũng vô cùng khó khăn.
Nguyên nhân từ không đồng bộ về cơ sở vật chất
Cùng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nhưng có những phường có 2 trường tiểu học có cơ sở vật chất tốt nhưng số học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 ít như: phường Đông Hải có Đông Hải 1 có 70 học sinh và Đông Hải 2 có 60 học sinh; phường Đông Lĩnh có 2 trường tiểu học là Đông Lĩnh A có 69 học sinh, Đông Lĩnh B chỉ có 30 học sinh… Những bất cập trong phân bổ cơ sở vật chất trường học không đồng đều dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Bà Nguyễn Thị Tâm - Bí thư kiêm chủ tịch UBND phường Đông Thọ - cho biết thêm: Trường tiểu học Đông Thọ có diện tích 2.000m2, được xây dựng từ năm 1990, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Đầu năm 2016, một dãy 12 phòng học của của nhà trường lại bị ảnh hưởng của Dự án công trình tường chắn bờ hữu sông Hạc (do Công ty bất động sản Đông Á làm chủ đầu tư) khiến cho các phòng học bị rạn nứt, xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay, các phòng học này đang được cải tạo nhưng cũng chỉ là gia cố tạm thời. Trong khi đó, Phường Đông Thọ có dân số đông nhất thành phố Thanh Hóa khoảng 27.000 dân, lại là dân số trẻ vì vậy số học sinh vào lớp 1 cũng đông nhất thành phố.
Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của Trường tiểu học Đông Thọ lại không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của nhân dân trong phường. Tuy dân số đông nhưng trên địa bàn phường chỉ có một trường tiểu học và một trường THCS vì vậy dẫn đến tình trạng quá tải học sinh nội tuyến.
Trong khi đó, một số phường cùng trên địa bàn thành phố có số dân thấp hơn nhưng lại được đầu tư xây dựng 2 trường tiểu học. Do bất cập về cơ sở vật chất nên học sinh tại phường buộc phải phân tuyến sang các trường khác để học. Điều này, gây thiệt thòi cho người dân trong phường. Hiện nay, chúng tôi cũng đang đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho công dân phường.
Đón xem kỳ 2: Làm gì với "ổ khóa hộ khẩu" và bài toán đầu tư trường lớp?