Công văn cũng nêu thực tế hiện nay, tại trường Tiểu học Đông thọ có số trẻ 6 tuổi thuộc địa bàn quá nhiều so với chỉ tiêu được giao (185/362), nhà trường không thể tuyển hết được số trẻ trong diện điều tra phổ cập.
Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường Tiểu học: Đông Bắc Ga, Minh Khai 1, Minh Khai 2, Hàm Rồng, Nguyễn Bá Ngọc, Nam Ngạn và các trường khác còn chỉ tiêu tuyển sinh, tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ của học sinh của phường Đông Thọ.
Tuy nhiên, văn bản chưa hướng dẫn cụ thể, số học sinh sinh sống ở khu vực nào được phân tuyến đến trường nào, và trường nào sẽ phải tiếp nhận mà phụ huynh học sinh không phải đóng góp tiền trái tuyến? Do không có sự hướng dẫn cụ thể này, nên các phụ huynh học sinh, công dân phường Đông Thọ đang phải phải chạy đôn chạy đáo, nhờ vả để xin vào các trường khác.
Chị L.T.H chia sẻ: Khi hồ sơ xin học cho con chị tại Trường tiểu học Đông Thọ không được tiếp nhận, chị đã đến Trường tiểu học Đ.B 1 (là trường có trong văn bản phân tuyến tiếp nhận học sinh phường Đông Thọ) để xin cho con học tại đây. Tuy nhiên, nhà trường cũng trả lời là trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Vì vậy, chị H đang rất hoang mang, lo lắng không biết xin cho con học ở đâu.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Tạ Hồng Lựu – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa - cho biết: Việc tuyển sinh vào lớp 1 tại phường Đông Thọ nhiều năm qua đều có khó khăn do số lượng học sinh đông mà cơ sở vật chất còn hạn chế, không thể đáp ứng.
Trong quá trình triển khai việc phân tuyến cho số học sinh còn lại của phường Đông Thọ sang trường khác có vướng mắc gì chúng tôi sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp.
Còn đối với học sinh đang sinh sống trên trên địa bàn thành phố, không có hộ khẩu thường trú và những trường hợp thiếu hồ sơ như thông báo trước đó, chúng tôi có chỉ đạo các trường lập danh sách báo cáo để có hướng giải quyết, tiếp nhận toàn bộ học sinh vào học ở các trường.
Mong chính quyền tháo gỡ khó khăn về hộ khẩu
Theo kế hoạch tuyển sinh của UBND thành phố Thanh Hóa ngày 26/5/2016, nguyên tắc tuyển sinh là phải tuyển 100% số trẻ 6 tuổi trên địa bàn phường, xã, thành phố Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đối tượng dự tuyển phải có sổ hộ khẩu trên địa bàn phường, xã. Cụ thể: có tên trong sổ hộ khẩu mà chủ hộ là bố, mẹ, ông bà nội, ngoại từ 15/9/2015 về trước và có tên trong sổ điều tra phổ cập giáo dục của trường tiểu học (thời điểm công nhận PCDG) và phải thực tế sinh sống trên địa bàn thì được xét tuyển vào lớp 1.
Như vậy, nếu căn cứ vào quy định này, thì những gia đình sinh sống nhiều năm trên địa bàn TP Thanh Hóa (có xác nhận tạm trú, sổ tạm trú của cơ quan công an) thì không thể cho con vào học tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Chị N.T.N cho biết: Vợ chồng tôi quê ở xa, chúng tôi mua đất, xây nhà ở thành phố gần 10 năm nay. Trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chúng tôi đều hoàn thành với nơi cư trú. Hàng năm, chúng tôi đăng ký tạm trú với cơ quan công an của phường. Do chưa có điều kiện để chuyển hộ khẩu về thành phố, tôi có đến cơ quan công an xin xác nhận tạm trú để con vào lớp 1.
Tuy nhiên, căn cứ theo thông báo của UBND TP Thanh Hóa thì con chúng tôi không được tiếp nhận vào học trường trên địa bàn thành phố. Chúng tôi mong các cấp chính quyền, ngành chức năng chia sẻ, quan tâm, có giải pháp cụ thể, lâu dài để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân sinh sống tại phường được hưởng quyền lợi khi đến trường.
Cô Lê Thị Thu Thủy cũng cho biết thêm: Trường tiểu học Đông Thọ có số học sinh đông với khoảng 1.000 học sinh. Có thời điểm phòng học bị hư hỏng phải dồn lớp lên đến 45 học sinh/1 lớp; phòng sinh hoạt chuyên môn của giáo viên phải nhường làm phòng học cho học sinh, giáo viên phải dùng nhà để xe làm phòng sinh hoạt.
Việc này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học của nhà trường và gây bức xúc cho phụ huynh. Nhiều năm nay, nhà trường cũng đã làm văn bản báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng xem xét nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.