Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, các đại biểu đại diện cho các Cục, Vụ, Viện của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông ở các địa phương, các phụ huynh và các em học sinh.
Hội thảo là cơ hội để tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, chỉ rõ kết quả và vấn đề cần giải quyết, qua đó đề xuất ý kiến, tiếp tục điều chỉnh để thực hiện tốt trong những năm học tới.
Chương trình nhà trường đạt được kết quả tốt
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo tham luận và thảo luận liên quan đến việc phát triển chương trình nhà trường ở trường phổ thông, thực tế triển khai tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, tăng cường tính tự chủ trong các tổ nhóm chuyên môn, xây dựng chương trình nhà trường qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo...
Các báo cáo của hiệu trưởng, của các giáo viên bộ môn và của học sinh của nhà trường, các ý kiến thảo luận đã khẳng định việc thực hiện phát triển chương trình nhà trường mà trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đang thực hiện đã đáp ứng tốt những yêu cầu của việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần của NQ 29 của Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Sau 3 năm, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc phát triển chương trình nhà trường. Nhiều đại biểu cũng như các thầy cô giáo trên cả nước đều có chung đánh giá: Hiện có nhiều trường thực hiện việc phát triển chương trình nhà trường nhưng Trường Nguyễn Tất Thành đã đạt được kết quả tốt nhất. Điều này cũng đã thể hiện tính đúng đắn của chủ trương phát triển chương trình nhà trường của Bộ GD&ĐT.
Việc phát triển chương trình nhà trường đã thực sự có hiệu quả trong việc hình thành và phát triển các phẩm chất cơ bản của con người công dân Việt Nam hiện đại, hình thành và phát triển năng lực chung năng lực chuyên biệt cho học sinh.
Phát triển chương trình nhà trường đã thực hiện trao quyền tự chủ cho nhà trường, cho giáo viên của nhà trường trong mọi khâu của hoạt động dạy và học. Nhờ phát triển chương trình nhà trường, giáo viên và các tổ nhóm chuyên môn đã chủ động trong việc thiết kế xây dựng chương trình, chủ động trong lựa chọn hình thức và phương pháp dạy học, có điều kiện tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, huy động được các nguồn lực xã hội trong dạy học.
Giáo viên cũng được chủ động trong đề xuất tổ chức các hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá. Sự chủ động của nhà trường của giáo viên đã tạo được môi trường dạy học hứng thú, học sinh được chủ động phát huy tối đa các khả năng của mình, qua đó học sinh vừa có được những chuẩn kiến thức kĩ năng theo yêu cầu chung của Bộ GD&ĐT, vừa có thêm những điều kiện để phát triển những kĩ năng kiến thức riêng của mình gắn với khả năng của cá nhân.
Các báo cáo tại hội thảo cũng khẳng định phát triển chương trình nhà trường tạo điều kiện cho nhà trường đa dạng hóa các hoạt động của học sinh như các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các mô hình CLB, dự án, các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, dạy học phân hóa.
Phát triển chương trình nhà trường cũng tạo điều kiện để nhà trường tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Phát triển chương trình nhà trường ở một trường thực hành của trường sư phạm là cơ hội để sinh viên các khoa được tiếp xúc làm quen sớm với tính chủ động trong xây dựng chương trình, chủ động trong lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, qua đó sinh viên sư phạm sớm có được những kĩ năng dạy học hiện đại đáp ứng trực tiếp cho sự nghiệp đổi mới GD phổ thông mà chúng ta đang thực hiện.
Hội thảo cũng chỉ ra rằng việc gắn kết giữa trường thực hành với các khoa đào tạo sư phạm đã đem lại hiệu quả cho cả học sinh phổ thông và sinh viên sư phạm. Đặc biệt hội thảo đã trực tiếp chứng kiến những hoạt động trải nghiệm của học sinh qua chương trình chào học sinh lớp 6 tại trường Nguyễn Tất Thành.
Thực tiễn các hoạt động của học sinh đã góp phần minh họa cho những thành công của trường Nguyễn Tất Thành. Việc coi trọng vai trò của chủ thể sự năng động sáng tạo của học sinh đã tạo sự gắn kết giữa học sinh các lớp thậm chí các trường để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và học sinh trường Nguyễn Tất Thành đã đoạt được nhiều giải thưởng cao cấp quốc gia và quốc tế.
Mô hình cần được chia sẻ và nhân rộng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm, những thành công của trường Nguyễn Tất Thành sẽ được chia sẻ, nhân rộng, hình thành mô hình sinh hoạt cụm trường với những tính toán chú ý đến những đặc điểm riêng của mỗi địa phương.
Thứ trưởng nhận định: Trong 3 năm qua, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã có nhiều sáng kiến, đổi mới để hiện thực hóa việc Phát triển chương trình giáo dục nhà trường, đã huy động được các nguồn lực trong và ngoài nhà trường, học hỏi chương trình giáo dục ở các nước tiên tiến, đổi mới cách tiếp cận nội dung chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Nhà trường đã triển khai hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và tổ chức được nhiều chủ đề tích hợp liên môn sinh động, hấp dẫn đối với học sinh. Tăng cường khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn qua đó phát triển tư duy, năng lực sáng tạo của học sinh.
Điều quan trọng nhất là nhà trường đã xây dựng được cộng đồng học tập, gắn kết các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh. Sự linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và chủ động đã giúp nhà trường vượt qua các khó khăn để thực hiện thành công chương trình thí điểm của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cũng đánh giá cao vai trò của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong thành công của mô hình trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Những nghiên cứu lý luận về phát triển chương trình nhà trường, những kết quả phân tích và đánh giá thực tiễn nhà trường phổ thông, sự hỗ trợ trực tiếp của đội ngũ giảng viên sư phạm là những tiền đề quan trọng đối với việc phát triển chương trình nhà trường theo định hướng năng lực của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.
Vượt qua mục tiêu xây dựng một trường phổ thông chuẩn mực, chất lượng cao để làm môi trường cho sinh viên thực hành sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo ra một mô hình trường học thực tiễn có thể áp dụng tốt nhất những kết quả nghiên cứu về giáo dục, về dạy học có chất lượng.
Những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai chương trình nhà trường của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy sức sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh là vô tận nếu tạo được cơ chế, hỗ trợ điều kiện và động viên, khuyến khích kịp thời.
Những việc nhà trường đã đang thực hiện là rất tích cực và hiệu quả, rất đáng được trân trọng và biểu dương, là điểm sáng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong toàn quốc, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông và đào tạo sư phạm.