Truyện ngắn:

Thành công trong tay ta

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tôi khóc sưng cả mắt khi không được vào lớp A – lớp chọn.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Bạn bè tôi học trường chuyên, còn tôi, ngay cả vào lớp chọn của trường huyện cũng không được!

Tôi xấu hổ, thất vọng và chán chường. Bố an ủi: “Thôi, cố gắng làm lớp trưởng, đứng đầu lớp bình thường cũng được!”. Bố chủ ý nói tránh “lớp đại trà” nhưng tôi thừa hiểu càng thấy buồn ghê gớm. Chủ nhiệm lớp tôi là một cô giáo vừa mới ra trường, vóc người nhỏ nhắn, tóc ngang vai. Cô sơ vin gọn gàng nhưng nếu không phải ở trong lớp thì sẽ rất dễ lẫn với học sinh lớp 10 như chúng tôi. Ngày đầu tiên, cô bước vào lớp, nhìn bao quát từ trên xuống dưới với ánh mắt thân thiện:

- Chào các em! Cô tên là Bùi Thị Nụ, từ nay cô sẽ chủ nhiệm và dạy môn Văn ở lớp chúng ta! - Cô giới thiệu ngắn gọn.

Cả lớp im lìm! Không phản ứng, không cảm xúc! Lòng tôi buồn rười rượi nhưng cũng cảm thấy bất ngờ trước cách làm quen ngắn gọn, đơn giản, gần gũi đến vậy. Cô thống nhất các nội quy của lớp rồi bảo:

- Chúng ta mới làm quen chưa biết rõ nhau nhưng qua tìm hiểu, cô giao cho bạn Lan, Trần Thị Lan, làm lớp trưởng, khi cô không có mặt, bạn sẽ thay cô quán xuyến lớp!

Tôi giật mình lúng túng:

- Dạ? Em… em… em nghĩ là... em không làm được!

- Em đã làm đâu mà bảo không được? Cả lớp ai đồng ý giơ tay?

Hầu như cả lớp giơ tay, một vài đứa cười cười. Chúng nó chẳng biết tôi, nhưng đồng ý như thách thức.

Tôi vẫn phải chăm mẹ ốm, làm tất cả mọi công việc nhà: Tắm rửa cho hai đứa em, nấu cơm nước, nấu cám cho lợn, nuôi gà và cùng bố làm ruộng. Khi bọn con gái chải chuốt với mái tóc dài, áo quần là lượt thì tôi chỉ có hai bộ quần áo cũ, đầu tóc có khi không kịp chải. Khi tới vụ cấy hay gặt, tôi chỉ đi học được chính khóa buổi sáng. Nhiều khi đạp xe hết sức nhưng đến lớp vẫn muộn giờ học, mệt mỏi rã rời, mắt díp lại.

Tôi nghĩ chỉ cố học cho hết cấp III rồi đi làm, không thi đại học. Nhưng cứ mỗi lần nghĩ như thế tôi lại ứa nước mắt, tiếc công phấn đấu là một học sinh giỏi Văn. Sự uể oải của tôi đương nhiên không qua được mắt cô. Cô quan tâm đặc biệt tới tôi, nhưng tôi lảng tránh. Khi được cô giao việc, tôi cố gắng hoàn thành thật nhanh và hết giờ lại vội vã phi xe về.

Tôi ngủ gật hầu hết các giờ nhưng những giờ Văn của cô tôi lại cảm thấy vô cùng lôi cuốn. Ngay tiết học đầu tiên tôi đã thích nét chữ của cô: Rắn rỏi, rõ ràng, không có nét thừa và tốc độ viết cực nhanh! Hồi ấy, chưa có máy chiếu như bây giờ, cô thường lên lớp giảng say sưa, không bao giờ nhìn giáo án. Trước khi học bài, cô đi một lượt và kiểm tra xác suất việc chuẩn bị ở nhà. Rất ít khi cô ngồi ở bàn giáo viên.

Cô thường đứng giữa bục giảng hoặc giữa lớp gieo vấn đề cho chúng tôi rồi gợi mở, liên hệ. Khuôn mặt cô bừng sáng, ánh mắt lấp lánh. Khi thấy có đứa chống cằm, lơ đãng là cô kể một câu chuyện nhỏ với một ẩn ý nào đó khiến cả lớp cười bò, thư giãn và chợt nhận ra cho mình một bài học ý nghĩa. Tôi không nghĩ cô vừa mới ra trường mà thấy cô thật thâm thúy, già dặn.

Đến tận bây giờ, khi đã học và gắn bó với môn Văn, tôi mới nhận ra những bài học của cô đều hấp dẫn, lôi cuốn là bởi cô không chỉ có vốn hiểu biết sâu rộng, mà cô “bắt” được cái hồn, cái thần thái của bài để có một giọng điệu và tâm thế phù hợp. Bao nhiêu năm học Văn nhưng chỉ đến khi học cô tôi mới biết rằng, môn Văn đâu phải là đọc – chép và học thuộc, mà cần tư duy và có chiều sâu.

Tôi lắng nghe cô giảng, khi cô nói chậm, tôi ghi vào vở những ý chính. Nhưng tôi thích ghi nhanh ra ngoài lề vở những phần cô mở rộng rồi áp dụng vào bài. Cô phát hiện ra những ý sáng tạo bao giờ cũng thưởng điểm. Tôi thích nhìn những dấu cộng mực đỏ ngoài lề bài kiểm tra, đó là những ý diễn đạt tốt.

Tôi còn nhớ như in khi cô dạy về thơ Hồ Xuân Hương. Khuôn mặt cô sáng bừng, miệng hơi nở một nụ cười hóm hỉnh, giọng cô mượt mà: “Mời trầu” là một tứ thơ tứ tuyệt mẫu mực hàm súc, nhưng ngữ liệu và ngôn từ lại hết sức thuần Việt và vô cùng độc đáo! Lần đầu tiên người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa bản lĩnh, tự tin và chủ động đến vậy! Ta còn thấy được nét duyên rất nữ tính, dịu dàng khi tác giả xưng tên: “Này của Xuân Hương đã quệt rồi…”.

Tay cô hướng vào mình rồi chìa ra như động tác mời trầu khiến cả lớp cười. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy nét duyên và tự tin đó là của cô chứ không còn của nữ sĩ Xuân Hương! Lớp học im phăng phắc và cuốn theo bài giảng. Một cách tự nhiên, cô khơi lại niềm say mê văn chương trong tôi. Nhưng tôi vẫn chưa hết cảm giác hụt hẫng, chán nản trong môi trường hoàn toàn khác lớp chuyên Văn của tôi hồi cấp II.

Trong giờ kiểm tra, khi cả lớp ngao ngán thở dài và chỉ vạch vẽ vài chữ cho hết hơn trang giấy để nộp thì việc cặm cụi viết ba, bốn trang như tôi hoàn toàn lạc điệu và là cái cớ cho chúng nó chỉ trỏ, bàn tán. Tôi quăng bút không viết, nộp bài. Cô chấm cẩn thận, ghi rõ ràng trên ô lời phê: “Cảm nhận tốt, chú ý phần cuối”. Dưới phần bài làm cô còn viết thêm: “Tại sao em lại bỏ dở bài?”. Tại sao ư? Tôi biết trả lời cô như thế nào đây?

Về nhà, tôi lấy vở trên lớp ra, liếc qua phần nội dung chính, chú ý những phần ghi chú ra ngoài lề và nêu dẫn vào mở bài. Tôi cố gắng hoàn thiện. Nhưng rồi… một nỗi chán nản và cảm giác bế tắc choáng ngợp lấy tôi, tôi lại bỏ dở có khi cả một đoạn, có khi là kết bài. Tôi cần phải học các môn khác, đâu cần học Văn. Tôi lại còn bao nhiêu việc nhà phải làm nữa! Nhưng... cô kiên trì chấm hầu hết các bài kiểm tra cả về nhà cũng như trên lớp. Cô chữa kĩ lỗi ở bài của tôi và yêu cầu “Em cần làm hết bài!”, “Không được bỏ dở bài!”…

Có lần, cô ghi vào phía cuối bài làm của tôi: “Em hãy hình dung trong cuộc sống, mọi việc sẽ như thế nào nếu cứ dang dở như một bài văn?”. Tôi bật khóc! Tôi hiểu cảm giác của cô khi chấm bài tôi và ẩn ý trong lời phê của cô. Chẳng phải sự cẩu thả trong văn chương không chỉ là vô trách nhiệm, mà còn là đê tiện sao? Tôi thật sự xấu hổ nhưng cũng thật khó chế ngự được sự chán nản, nhụt chí. Tôi đâm hoang mang, hụt hẫng và thất vọng với chính mình!

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Một hôm, khi tôi nộp bài, cô hỏi nhỏ:

- Lan có biết nhà cô không?

Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng đáp “Có ạ!”. Hằng ngày, tôi vẫn đạp xe đi học qua nhà cô. Cô cười và khẽ bảo:

Chiều học xong vào nhà cô chơi nhé!

Tôi chưa từng nghĩ đến việc này và cảm thấy vừa lo vừa hồi hộp, không biết cô muốn giáo huấn tôi điều gì? Cuối buổi chiều, tôi ngần ngại đứng trước cổng nhà cô, cô vui vẻ ra đón tôi như đã chờ từ lâu:

- Vào đây, vào nhà đi em…!

Khoảng sân nhà cô hẹp với cây hồng xiêm bao trùm mát rượi. Góc cuối sân là cầu thang lên trần nhà có cây hoa giấy rung rinh. Và hình như mẹ cô đang hái rau ở mảnh vườn phía sau xanh mướt. Tôi bị cuốn hút ngay với không gian trong lành, mát rượi và thanh tĩnh mặc dù ngay ngoài kia là xe cộ xuôi ngược. Tôi chào bà và chạy luôn ra vườn. Bà cười rất tươi và hiền hậu. Tôi nhận ra cô có nụ cười giống y như bà. Cô giới thiệu:

- Lớp trưởng lớp con đây mẹ ạ! Học sinh giỏi Văn đấy!

Bà đứng thẳng lên và phấn khởi như đón một đứa con út hay đứa cháu ngoại đi xa về:

- Ô thế à! Cháu là Lan phải không? Cô Nụ vẫn kể về cháu!

Cô dẫn tôi vào gian buồng. Tôi bị choáng ngợp trước giá sách. Cô cười:

- Hồi sinh viên, dù có thế nào mỗi tháng cô cũng dành tiền mua sách!

Tôi tiến gần nhìn sát gáy những quyển sách được cô xếp ngay ngắn. Bên trên kệ có một tấm ảnh chụp gia đình. Thấy tôi chăm chú, cô bảo:

- Đây là cả gia đình cô. Bố cô mất từ khi cô học lớp Chín. Chị gái cô đi làm rồi. Anh trai cô đang là bộ đội trong Nam. Còn đây là em trai út đang học đại học.

Tôi ngước mắt nhìn cô và trong lòng trào dâng một niềm cảm phục. Cô đột ngột chuyển chủ đề:

- Cô thấy em viết văn rất có chiều sâu. Cô thích cách viết của em, mạch lạc, rõ ý mà vẫn mượt mà! Cô chỉ lạ là sao em không có nhiệt huyết, không quyết tâm? - cô bất chợt hỏi.

- Em… em không muốn học Văn nữa cô ạ! - Tôi lí nhí.

Cô không giấu được sự ngạc nhiên:

- Sao lại không muốn học? Em có năng khiếu mà! Lại từng đoạt giải Ba môn Văn cấp tỉnh!

Sống mũi tôi bỗng cay xè, nước mắt chực trào ra. Tôi đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để có thể được chọn vào đội tuyển, lọt qua vòng I rồi tiến sâu vào vòng II, dự thi cấp tỉnh và được giải. Rồi mẹ bị ốm, bố kiệt sức vì lao động, các em còn nhỏ nên tôi không thể tập trung vào mỗi việc học. Vì sự kiên quyết của bố, tôi tiếp tục học cấp III nhưng việc không được vào lớp chọn cùng hoàn cảnh gia đình khiến tôi muốn buông xuôi!

Cô chăm chú nhìn tôi chờ đợi và dường như đọc được ý nghĩ ấy. Cô đặt tay lên vai, nhìn sâu vào mắt tôi:

- Trong cuộc sống, khó khăn là tất yếu, hãy coi đó là điều kiện để thử sức, như lửa thử vàng để mạnh mẽ và trưởng thành, không được đầu hàng và gục ngã. Hạnh phúc trong tay ta, em hiểu không!...

Tôi mím chặt môi để cố không khóc. Tôi chợt nhận ra mình hèn kém biết bao. Cô vẫn nhỏ nhẹ:

- Em có nhớ câu chuyện Thần Dớt và Ngôi sao không?

- Dạ?

- Đôi khi không quan trọng là đứng ở vị trí nào, mà là cách thể hiện và khẳng định được mình, em hiểu ý cô nói chứ?

Tôi khẽ gật đầu và không dám nhìn vào mắt cô. Giọng cô vẫn nhẹ nhàng mà rắn rỏi, chắc nịch:

Em biết đấy, cùng là carbon nhưng rõ ràng than đá không thể sánh với kim cương! Vì sao em biết không? Vì kim cương chịu được áp lực! Trở thành than đá hay kim cương là do chính ta!

Thấy tôi vẫn cúi đầu bần thần, cô đổi giọng hào hứng:

- Cô sẽ đăng kí cho em tham gia đội tuyển học sinh giỏi đi thi cấp tỉnh, em thấy thế nào?

Tôi ngẩng đầu nhìn cô bỡ ngỡ, điều này tôi không dám nghĩ đến:

- Được hả cô!

- Được, vì em đã tham gia bồi dưỡng và đạt giải tỉnh ở cấp II! Nhưng hứa với cô phải cố gắng. Em viết tốt nhưng thiếu kiến thức chuyên sâu, kĩ năng cũng chưa tốt. Và… có lẽ chưa đủ nhiệt huyết, nhỉ?

Tôi cúi đầu lí nhí:

- Vâng ạ!

- Chịu khó đọc nhiều vào nhé! Đây là toàn bộ tài sản của cô, em thích quyển nào thì mang về đọc, ghi chép, nghiền ngẫm rồi mang đặt lại giá sách nhé – Cô cười thật tươi – mỗi quyển sách gắn với một kỉ niệm thời sinh viên của cô!

Giống như con cá mắc cạn được thả vào nước, tôi lao vào học, đọc và luyện viết. Tôi chống chọi với những cơn buồn ngủ khi thức khuya tới nửa đêm. Tôi tranh thủ khi nấu cơm, quét sân để đọc và học bài. Có những bài văn thấm mồ hôi mặn chát, có khi quyện cả hơi thuốc bắc của mẹ, nén chặt những tiếng thở dài của bố…

Tôi cố gắng đặt đến dấu chấm cuối cùng hoàn thiện mỗi bài văn. Bố tôi gồng mình làm việc để tôi đi học các buổi chiều và các buổi bồi dưỡng đội tuyển. Tôi cũng cố gắng sớm khuya phụ bố công việc nhà và lo cơm nước. Nhưng cuối cùng tôi chỉ đoạt giải Khuyến khích. Tôi hơi buồn nhưng cô bảo: “Em đã cố gắng hết mình thì kết quả như thế nào cũng đáng ghi nhận, cố gắng và vững tin nhé”!

Đầu năm lớp 11 cô bảo tôi:

- Cô xin cho em sang lớp A học với các bạn nhé, để tiện việc bồi dưỡng đội tuyển, và môi trường học cũng tốt hơn!

Tôi vừa vui, vừa buồn:

- Nhưng… em không được học cô!

- Ô cái con bé này, cô có đi đâu đâu, cần gì cứ hỏi, muốn đọc sách gì thì cứ qua nhà cô! Nhất định phải đỗ đại học đấy!

Đỗ đại học! Phải học đại học! Câu nói của cô như ngọn đuốc thắp sáng trong lòng tôi. Tôi lại không ngừng nỗ lực và tràn đầy niềm hứng khởi. Hôm nào đến trường tôi cũng tìm hình bóng của cô. Tôi cắt tóc ngắn như cô và lao vào học, bởi tôi biết cô luôn dõi theo và kì vọng... Cuối năm lớp 12, tôi hỏi ý kiến cô về chọn trường đại học, cô bảo:

- Em hãy chọn trường và ngành em yêu thích. Vì chỉ có đam mê mới hết mình với nó được!

- Ngày xưa, cô học Toán không phải xoàng mà sao cô lại chọn Văn và đi thi Sư phạm ạ?

Cô cười to:

- Ai bảo với em thế?

Giọng cô chợt chùng xuống và nghiêm túc:

- Cô chọn môn Văn vì cô thích, nó khiến tâm hồn mình phong phú, biết yêu và trân trọng cuộc sống, biết sống nhân văn, nhân ái… Còn chọn Sư phạm vì đơn giản cô muốn truyền đạt những gì đã học, đã biết cho các thế hệ học trò, thế thôi! Và em thấy đấy, đâu có phải cứ giỏi Toán mới là thông minh?

Ánh mắt cô lấp lánh nhìn tôi đầy hi vọng và tin tưởng. Tôi mỉm cười, thực ra tôi đã có sự lựa chọn cho mình, từ khi được khai mở!

Bao năm qua đi, tôi biết cô vẫn luôn dõi theo tôi. Cô học trò nhỏ của cô ngày nào giờ đây đã trưởng thành, mạnh mẽ, tự tin hơn rất nhiều. Tôi lại cùng cô nối dài những ước mơ, thắp sáng những khát vọng ngay từ thuở thanh xuân của các thế hệ học trò!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.