Tượng Thành Cát Tư Hãn ở Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ. Ảnh: EPA. |
Tạp chí khoa học Nature cuối tháng trước cho biết các nhà khoa học ở đại học Leicester, Anh phát hiện gần 8% đàn ông thuộc 16 dân tộc ở châu Á mang các nhiễm sắc thể Y gần giống nhau. Con số tương ứng với 0,5% đàn ông trên thế giới (gần 16 triệu người).
Các biến thể di truyền của những người này cho thấy dòng gene khởi nguồn từ khoảng 1.000 năm trước ở Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn là một vị vua sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206. Mông Cổ sau đó mở rộng xâm chiếm khắp châu Á, sang đến vịnh Ba Tư. Những gì mà Thành Cát Tư Hãn thực hiện không chỉ là cai trị đế chế rộng lớn nhất thế giới, mà còn làm tăng dân số ở những nơi vó ngựa của ông đi qua.
Thành Cát Tư Hãn được cho là có hàng trăm người con. Mỗi con, cháu trai của ông cũng có hàng chục người con trai khác. Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết năm 1227, vài trăm năm sau đó, con cháu của ông vẫn tiếp tục sự nghiệp chinh phạt và "truyền bá nòi giống" của mình.
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích các nhiễm sắc thể Y của hơn 5.000 đàn ông thuộc 127 nhóm dân cư khác nhau trên khắp châu Á. Họ phát hiện 11 chuỗi nhiễm sắc thể Y phổ biến lặp đi lặp lại ở các bộ gene được nghiên cứu.
Bằng cách tìm kiếm các đột biến ngẫu nhiên tích lũy theo thời gian đối với những chuỗi nhiễm sắc thể Y này, nhóm nghiên cứu có thể phỏng đoán thời điểm khởi phát chúng. Họ khám phá ra rằng ngoài Thành Cát Tư Hãn, 10 người nữa cũng có nhiễm sắc thể Y di truyền khắp thế giới.
Một trong số đó là Giác Xương An, tổ phụ của Nổ Nhĩ Cáp Xích, người đã thống nhất các bộ tộc Nữ Chân và xây dựng một nhà nước mà sau này trở thành nhà Thanh. Giác Xương An được cho là có rất nhiều vợ và tỳ thiếp, và là ông tổ của hơn 1,5 triệu đàn ông.
Một dòng giống người châu Á khác cũng tạo thành các nhóm dân cư sống rải rác dọc theo tuyến giao thương Con Đường Tơ Lụa, ra đời từ khoảng năm 850 sau Công nguyên. Rất có thể, họ có nguồn gốc từ các nhà cầm quyền hùng mạnh, thống trị các thảo nguyên nơi Con đường tơ lụa đi qua như Khiết Đan, Tây Hạ, Juchin, Tây Liêu và đế quốc Mông Cổ.
Nhóm nghiên cứu nhận định, ông tổ của dòng giống người này có thể là Liêu Thái Tổ A Bảo Cơ - hoàng đế đầu tiên của Khiết Đan, một vương quốc Trung Á tồn tại từ 907 cho đến khi bị đế quốc Mông Cổ tiêu diệt năm 1218. A Bảo Cơ qua đời năm 926 sau Công nguyên.
Những ông tổ có nhiễm sắc thể Y di truyền mạnh mẽ ở châu Á được xác định xuất hiện khoảng năm 2100 trước Công nguyên tới năm 1100 sau Công nguyên. Họ sống ở các xã hội nông nghiệp ít di chuyển, cũng như các bộ lạc du mục ở khắp Trung Đông, Trung Á tới Đông Nam Á và đông bắc Trung Quốc, Mông Cổ.
Mark Jobling, nhà di truyền học, người dẫn đầu chương trình nghiên cứu gene của đại học Leicester, cho biết việc thiết lập được một dòng giống lớn đến vậy phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống xã hội, trong đó cho phép đàn ông lấy nhiều vợ và có con với họ.