Tháng Năm này, nhớ hẹn về thăm quê Bác

GD&TĐ - Mỗi dịp tháng 5 – Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân từ khắp mọi miền đất nước lại về với quê Bác như một cái hẹn với quê chung.

Học sinh và giáo viên về thăm cụm di tích Làng Sen – quê nội Bác Hồ.
Học sinh và giáo viên về thăm cụm di tích Làng Sen – quê nội Bác Hồ.

Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An nay đã nhộn nhịp hơn. Những câu chuyện về gia đình, cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ được nối lại, như chưa từng cũ, vẫn đầy xúc động…

Cuộc hẹn tháng Năm

Trước cổng vào Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Liên, ông Nguyễn Đình Thạch (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dừng lại, ngắm kỹ những hình ảnh Bác Hồ tại khu trưng bày “Hồ Chí Minh – đẹp nhất tên Người”. Đây là lần đầu tiên ông được về thăm quê Bác. Hồi lâu sau, ông nhấc đôi nạng gỗ, chậm rãi gõ bước vào trong. Ông là cựu chiến binh, từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 tại Lạng Sơn. Xuất ngũ trở về, ông mất đi chân phải, gửi lại một phần máu xương của mình nơi chiến trường ác liệt, trong những năm tháng sinh tử giữ bờ cõi, biên cương Tổ quốc.

“Tôi mong muốn được vào Nghệ An, thăm quê hương Bác Hồ kính yêu từ lâu rồi. Nhưng cuộc sống khó khăn, vất vả quá, lo nuôi con cái ăn học, sức khỏe lại hạn chế, không có điều kiện được đi đâu. Đến lúc kinh tế ổn hơn, thì 2 năm qua lại gặp dịch bệnh. Chờ mãi tới tận giờ mới được về quê Bác, cùng với anh em cựu chiến binh và cán bộ các đoàn, hội của khối xóm”, ông Thạch cho biết.

Người cựu chiến binh tâm sự, từng là bộ đội cụ Hồ, khoác trên mình áo lính, ai cũng mong muốn được một lần về với quê hương Kim Liên, Nam Đàn. Vừa để dâng hương cho Bác, vừa thăm nơi Người sinh ra, lớn lên thủa nhỏ. “Quê Bác hôm nay đã thay đổi nhiều, đẹp đẽ hơn, nhưng mái nhà tranh quê nội, quê ngoại cùng nhiều kỷ vật được giữ nguyên, khuôn viên xung quanh phục dựng lại như xưa, cho tôi cảm giác thân thuộc. Bây giờ xe cộ thuận lợi rồi, sau lần này, tôi sẽ còn quay lại…”, ông nói.

Cựu chiến binh từ Chương Mỹ (Hà Nội) lần đầu tiên về thăm quê Bác.
Cựu chiến binh từ Chương Mỹ (Hà Nội) lần đầu tiên về thăm quê Bác.

Từ khi về hưu tới nay, đã gần 15 năm ông Thái Sỹ mới quay lại thăm quê Bác. “Tôi cũng là người Nghệ An, nhưng đã rời xa quê hương lâu lắm rồi. Lần này, về với quê Bác, nhưng đối với tôi cũng là về với nguồn cội của mình, nghe giọng nói xứ Nghệ, nhìn đâu cũng thấy rưng rưng”, ông xúc động nói. Ông Thái Sỹ cho biết, mình làm nghề dạy học, sau đó công tác tại Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho đến lúc nghỉ hưu.

Những năm tháng thoát ly quê hương học hành, lập nghiệp, Bác Hồ là tấm gương lớn để ông soi mình vào học tập với tâm niệm – “mình không thể được như Bác, thì học Bác từ những điều nhỏ nhất, trong cuộc sống cũng như công việc”. Vị cựu giáo chức chia sẻ: “Khi còn đi dạy, tôi truyền lại cho thế hệ trẻ biết về lịch sử quê hương, đất nước, những hi sinh của lớp lớp cha ông đi trước để có được hòa bình, độc lập hôm nay. Bản thân tôi và các em học sinh phải biết trân trọng quá khứ, lịch sử và có trách nhiệm đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước”.

Lần trở về này, ông Thái Sỹ thấy quang cảnh quê Bác đã khác rất nhiều, các cụm di tích Làng Sen, làng Hoàng Trù, núi Chung, khu mộ bà Hoàng Thị Loan được mở rộng. Ông cũng được nghe và hiểu rõ hơn về quê nội, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà hàng xóm của Bác, cũng như tất cả truyền thống, đất và người mảnh đất Kim Liên đã sinh ra, nuôi lớn một người con chí lớn. Để từ “mái tranh nghèo”, Bác đã ra đi, tìm đường cứu nước, phấn đấu, dành cả cuộc đời, sự nghiệp cho cách mạng dân tộc.  “Tôi cảm ơn Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Liên đã giữ gìn, tôn tạo, phục dựng và mở rộng Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Liên, để những người dân ở khắp mọi miền đất nước như tôi, có một quê chung thân thương mà trở về”, cựu nhà giáo nói.

Dịp này, quê Bác cũng đón nhiều đoàn học sinh trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, báo công. Trường Phổ thông DTNT THCS Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức cho toàn bộ học sinh khối 7,8,9 về thăm làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Em Trần Thị Hiền Lương (dân tộc Mường) hào hứng chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 em được nhà trường cho về thăm quê Bác, nhưng cảm xúc vẫn chờ đợi, vui mừng.

Lần đầu tiên về đây là năm em học lớp 6, lúc đó bản thân còn nhỏ và chưa có nhiều hiểu biết liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên chỉ háo hức vì được đi xa. Nhưng năm nay em đã học lớp 9, kiến thức lịch sử nhiều hơn, nên nghe những câu chuyện về Bác em có cảm xúc khác, nhận thức sâu sắc hơn cả cuộc đời Bác luôn lo cho dân, cho nước. Bác cũng dành nhiều tình cảm cho trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số. Mỗi chuyển đi như thế này, đã cho em rất nhiều bài học và trải nghiệm”.

Lắng nghe giới thiệu về các kỷ vật tại nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lắng nghe giới thiệu về các kỷ vật tại nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đại diện cho gia đình Bác đón khách

Năm nay là kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2022). Tại quê hương của Người, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã mở cửa đón bà con, nhân dân cả nước về thăm sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tháng 5 này, du khách về với quê Bác đông và nhộn nhịp hơn cả, khiến các thuyết minh viên tại đây gần như phải làm việc liên tục từ sáng sớm tới chiều tối.

Nữ thuyết minh viên Lê Thị Hà có tuổi đời còn khá trẻ, nhưng rất tâm huyết với công việc của mình và không ngừng học hỏi thêm kiến thức, hiểu biết bản thân cũng như phong cách kể chuyện, diễn thuyết. Với Lê Thị Hà, thuyết minh viên tại quê Bác không chỉ dừng lại ở nghề nghiệp đơn thuần, mà còn gắn với nhiều ý nghĩa thiêng liêng: “Chúng tôi là những người thay gia đình Bác tiếp khách. Khách của gia đình Bác là nguyên thủ quốc gia, nhưng cũng là bất cứ người dân nào khắp mọi miền đất nước. Là các ông bà đến cháu nhỏ; là cựu chiến binh, chiến sĩ công an, quân đội và cả những người đã từng bên kia chiến tuyến...

Công việc yêu cầu bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, kiến thức cao, không được phép sai sót. Và quan trọng không kém là chuyển tải được trọn vẹn và chân thực nhất thời thơ ấu của Bác, những tình cảm thiêng liêng của Người đối với quê hương và của quê hương dành cho Người”, nữ thuyết minh viên Lê Thị Hà chia sẻ.

Các thuyết minh viên là người đại diện cho gia đình Bác để đón khách.
Các thuyết minh viên là người đại diện cho gia đình Bác để đón khách.

Chị Phùng Thị Hương Giang đã có kinh nghiệm 26 năm làm thuyết minh viên tại quê Bác. Chị chia sẻ, kiến thức về Bác mênh mông và nhiều lắm, không phải chỉ là một vài câu chuyện thuộc lòng kể đi kể lại. Thuyết minh viên phải luôn tìm hiểu, đọc thêm nhiều tài liệu mỗi ngày mỗi giờ. Bởi ngoài những câu chuyện, giới thiệu về quê nội, quê ngoại, các kỷ vật liên quan đến gia đình Bác, còn là kiến thức về lịch sử, văn hóa để trao đổi, chia sẻ với du khách.

Cũng theo nữ thuyết minh viên kỳ cựu, những năm tháng làm nhiệm vụ đặc biệt này, không ít du khách đặt những câu hỏi khó, nhưng chị đã giúp họ có thông tin, câu trả lời thỏa đáng, giới thiệu tài liệu để tìm hiểu thêm. Có lần, nhóm thuyết minh của chị đón đoàn du khách trong đó có cựu binh người Mỹ. Khi về quê Bác, được nghe những câu chuyện đời thường của Người, trước khi trở thành vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, họ đã rất xúc động và khâm phục.

Họ được biết đến Hồ Chí Minh cũng là một con người bằng da bằng thịt, được cha mẹ sinh ra trong khó nhọc, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, được nuôi dưỡng lòng yêu nước và quyết tâm, khát khao tìm đường giành lại độc lập, tự do cho dân tộc… Và họ chia sẻ lại đã hiểu được tại sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được người dân Việt Nam yêu quý, thân thương gọi “Bác”, coi là vị cha già dân tộc, mà còn được quốc tế công nhận.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quê Bác có nhiều thời điểm phải tạm dừng đón khách để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian đó, công việc của các thuyết minh viên vẫn không hề gián đoạn, mà liên tục với nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ tuyên truyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Liên, mà còn tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin khác như tạp chí, triển lãm, nói chuyện trực tiếp tại trường học, cơ quan, đơn vị… Bên cạnh đó còn thuyết minh online trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

“Nhưng sau đợt dịch, lần kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, được đón khách trở lại, được trực tiếp nhìn thấy dòng người trở về quê Bác khiến chính chúng tôi cũng thấy vui mừng, xúc động hơn. Những dịp đặc biệt, cường độ công việc cao tôi lại càng thấy yêu mến và tự hào vì công việc của mình, đã góp phần lan tỏa tâm hồn, cốt cách cao đẹp, lối sống giản dị, tình yêu thương của Bác dành cho đất nước, cho dân tộc, cho con người”, chị Phùng Thị Hương Giang chia sẻ.

Với học sinh xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, quê nội và quê ngoại Bác Hồ đã trở thành địa chỉ quen thuộc. Những kiến thức về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Người đã đi vào từng lời ru, câu chuyện kể thường ngày, trong mỗi bài học từ khi các em sinh ra, lớn lên, đến trường. Bởi vậy, “học sinh quê hương Bác Hồ” không chỉ là tên gọi, mà còn là niềm tự hào của cô và trò các trường học trên địa bàn. Những năm qua, Trường Tiểu học Làng Sen (xã Kim Liên) duy trì cuộc thi “Em làm hướng dẫn viên tháng 5 trên quê hương Bác” với nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn mỗi năm học. Nhà trường đưa ra định hướng cho học sinh, còn các em tự tìm hiểu qua việc hỏi ông bà, bố mẹ, các anh chị để tăng thêm hiểu biết cho mình. Ngoài tìm hiểu về quê nhà, gia đình Bác Hồ, cuộc đời sự nghiệp của Bác, còn có nội dung giới thiệu các danh nhân lịch sử, di tích, các làng nghề của Nam Đàn. Qua đó, nhà trường nuôi dưỡng cho các em lòng tự hào được sinh ra trên quê hương là cái nôi cách mạng. Ươm mầm “hướng dẫn viên nhí” để các em có thể giới thiệu, thuyết minh về quê Bác cho bất cứ người khách nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.