Thăng Long - Hà Nội trong sách giáo khoa Lịch sử

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu những chia sẻ của thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) về những dấu ấn của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử phổ thông.

Thăng Long - Hà Nội trong sách giáo khoa Lịch sử

Những trang sử oai hùng

Ngày 10/10/1954 trở thành mốc son lịch sử của Thủ đô và đất nước, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới đầy vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Lớp lớp thế hệ trẻ được tìm hiểu, yêu mến và tự hào về “trái tim của cả nước” qua những trang sách ghi dấu chặng đường phát triển của Thăng Long xưa và Hà Nội nay.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chính quyền và nền độc lập dân tộc, Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng và được phản ánh khá rõ nét trong các kiến thức của sách giáo khoa hiện hành theo tiến trình lịch sử.

Trong sách Lịch sử lớp 10, Hà Nội xưa được ghi dấu bằng nhiều mốc son lịch sử thời Bắc thuộc với kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc; Lý Nam Đế đặt quốc hiệu Vạn Xuân, dựng kinh đô ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội); Khúc Thừa Dụ đánh chiếm thành Tống Bình (Hà Nội), giành quyền tự chủ; Ngô Quyền đem quân vào thành Đại La (Hà Nội), bắt giết tên phản bội Kiều Công Tiễn.

Sang thời phong kiến độc lập, sự kiện mở đầu cho việc phát triển và hoàn chỉnh nhà nước phong kiến Việt Nam là ngay sau khi nhà Lý được thành lập, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội) và sau đó, Lý Thánh Tông đổi tên nước ta là Đại Việt, mở ra một giai đoạn phát triển mới.

Hoàng thành Thăng Long được xây dựng với nhiều kiến trúc cung điện, thành quách, chùa chiền, Văn Miếu ra đời (1070) và khoa thi quốc gia đầu tiên được tổ chức tại kinh thành Thăng Long (1075) góp phần quan trọng trở thành nguồn đào tạo quan chức và người tài cho đất nước bằng thi cử.

Đến thời nhà Trần, kinh thành Thăng Long ghi dấu với thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông bằng nghệ thuật quân sự “vườn không nhà trống”. Thăng Long thời Lý, Trần và sau đó là triều Lê sơ đã trở thành kinh đô buôn bán sầm uất. Khu dân Thăng Long cũng phát triển với tên gọi Kẻ Chợ gồm 36 phố phường và 8 chợ.

Đến thời Tây Sơn, Thăng Long lại gắn liền với cuộc hành quân thần tốc, chiến thắng vang dội làm nên Ngọc Hồi, Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh trên đất Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789. Theo dòng chảy của lịch sử, trong SGK Lịch sử lớp 11, khi trình bày về quá trình xâm lược của thực dân Pháp, cả 2 lần quân đội Pháp đánh chiếm thành Hà Nội (năm 1873 và năm 1882) cũng là 2 lần nhân dân Hà Nội đã chiến đấu ngoan cường với quân Pháp, gắn liền với vai trò chỉ huy của Khâm sai Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu.

Tiếp nối ở SGK Lịch sử lớp 12, Hà Nội tiếp tục là địa danh ghi nhiều dấu ấn trong cuộc cách mạng mùa thu tháng 8 năm 1945 và trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc suốt 30 năm chống đế quốc Pháp, Mỹ.

Ngày 19/8/1945, Hà Nội rợp trời cờ hoa, bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên vang lên giữa trời thu lộng gió. Quần chúng nhân dân với tinh thần, khí thế như “trào dâng, thác đổ” đã xuống đường tuần hành, đánh chiếm các công sở, cơ quan chính quyền tay sai thân Nhật. Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới bản “Tuyên ngôn độc lâp” khai tử chế độ thuộc địa, khai sinh nhà nước mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng tháng Tám thành công trên cả nước.

Giành chính quyền chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và cuộc chiến đấu ác liệt đã bắt đầu diễn ra ở Thủ đô Hà Nội với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính Trung đoàn Thủ đô. Ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch rời Hà Nội lên Việt Bắc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết buộc quân đội Pháp phải rút khỏi nước ta, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm trường kỳ, gian khổ. Ngày 10/10/1954, quân đội ta vượt qua 5 cửa ô tiến vào Thủ đô trong không khí tưng bừng của ngày hội giải phóng đúng như lời hẹn đêm 17/2/1947 bên bờ sông Hồng khi rút quân: “Hà Nội ơi! Ta sẽ trở về”. Ngày 1/1/1955, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt tại Thủ đô.

Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực thì đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Miền Bắc vừa là hậu phương lớn cho miền Nam, đồng thời vừa xây dựng CNXH, vừa chiến đấu chống 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ. Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước thêm một lần nữa phải gánh chịu thử thách khắc nghiệt bởi chiến tranh.

Quân và dân Thủ đô đã giáng cho không lực Mỹ những đòn trừng phạt nặng nề và đích đáng nhất, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 chấn động thế giới. Bạn bè 5 châu vui mừng đến kinh ngạc, ngợi ca Hà Nội là “Thủ đô của phẩm giá con người”, còn đế quốc Mỹ thì kinh hoàng đến tột độ buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 30/4/1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối.

Ngày 2/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất quyết định chọn Hà Nội là Thủ đô của nước CH XHCN Việt Nam.

Trải qua bao đạn bom và khói lửa, Hà Nội hôm nay đang cùng với cả nước vững bước trên con đường đổi mới. Hà Nội - Thủ đô anh hùng, Hà Nội - Thành phố hòa bình, Hà Nội - Trái tim của cả nước, thân thiết và tự hào đang từng giờ, từng phút đổi thay.

Giáo dục niềm tự hào dân tộc từ những kiến thức lịch sử về Hà Nội

Kinh đô - Thủ đô của một đất nước luôn là niềm tự hào của mỗi người dân và cũng là niềm tự hào dân tộc. Theo thầy Trần Trung Hiếu, dạy cho học sinh các thế hệ về lịch sử của Thủ đô cũng chính là cách hun đúc tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc. Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn nghìn năm lịch sử. Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là đầu mối bang giao với các nước trên thế giới và cũng là nơi có nhiều du khách đặt chân đến.

Xét về giá trị lịch sử - văn hóa, Thăng Long xưa - Hà Nội nay đã để lại nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đồ sộ, tạo nên một nền văn hiến Thăng Long đặc sắc có một không hai. Ở góc độ lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã viết lên những trang sử vẻ vang, hào hùng của các vương triều Lý, Trần, Lê trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Trên bình diện văn hóa, Hà Nội là nơi hội tụ và tỏa sáng những ánh hào quang văn hóa của nhiều triều đại, nơi sản sinh và hội tụ nhiều bậc trí giả, anh hùng, danh nhân, thi sĩ. Chỉ tính riêng lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam đóng trên đất Thăng Long, đã có trên 300 người sinh ra ở đất kinh thành đỗ Tiến sĩ.

Thủ đô Hà Nội còn có nhiều di sản văn hóa vô giá. Đó là Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới và nhiều công trình kiến trúc; Di tích lịch sử của hàng trăm đền, đình, chùa, miếu, phủ, tượng đài, bảo tàng... Mỗi công trình kiến trúc, mỗi di sản ấy tiềm ẩn kết tinh trong đó là những giá trị lịch sử, văn hóa đa tầng của nhiều thời đại. Đó là những bức tranh lịch sử trường thiên, sống động cần được tái hiện cho muôn đời các thế hệ mai sau soi mình suy ngẫm và hành xử.

Hãy học để biết, biết để tự hào, để nâng niu và gìn giữ. Hiểu để bổ sung kiến thức ngoài sách vở, để rèn luyện kỹ năng nhận thức lịch sử và biết tôn trọng quá khứ, tri ân với lịch sử và ghi ơn những người đã làm nên lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Thăng Long - Hà Nội không chỉ được ghi chép trong sách giáo khoa Lịch sử  và học sử không chỉ học trong sách giáo khoa Lịch sử. Hà Nội không chỉ là của người Hà Nội mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước bởi lịch sử phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Từ kinh đô Thăng Long thời Lý, Hà Nội nay đã hơn nghìn năm tuổi. Một thiên niên kỷ với bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, Hà Nội có rất nhiều đổi thay. Nhưng cái tên Thăng Long - Hà Nội vẫn mãi trường tồn với thời gian.
Từ năm 1010 đến năm 1945, Thăng Long - Hà Nội đã mang các tên gọi như sau:
- Thăng Long (Kinh đô): Từ 1010 - 1397 (thời Lý - Trần)
- Đông Đô (Thành): Từ 1397 - 1407 (triều Hồ)
- Đông Quan (Thành): Từ 1407 - 1427 (thuộc Minh)
- Đông Kinh (Kinh đô): Từ 1430 - 1789 (thời Lê Sơ - Mạc - Lê Trung hưng)
- Bắc Thành (Thủ phủ): Từ 1789 - 1831 (thời Tây Sơn - Nguyễn)
- Hà Nội (Tỉnh): Từ 1831 (thời Nguyễn)
-Thành phố Hà Nội: Từ 1888 (thời Nguyễn, Hà Nội thuộc Pháp)
- Hà Nội (Thủ đô): Năm 1945 (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam)
Tính đến nay, thời gian mang tên Thăng Long là lâu nhất gần (400 năm) sau đó là Đông Kinh (300 năm), rồi đến Hà Nội (tính đến 2019 gần 200 năm), Đông Đô chỉ có 10 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...