(GD&TĐ) - Tục ngữ Việt Nam có câu "Chim có tổ, người có tông", "Cây có cội, nước có nguồn". Người Việt Nam đặc biệt đề cao đạo lý "Ẩm hà tư nguyên" (uống nước nhớ nguồn). Phàm đã là người dân nước Việt, tự hào là con cháu Lạc Hồng, là con Rồng cháu Tiên, ai cũng muốn tìm hiểu về thuỷ Tổ của cả dân tộc là các vua Hùng, ai cũng muốn hành hương về Đất Tổ, nơi bắt đầu lịch sử hơn bốn nghìn năm của dân tộc và là nơi đóng đô của các vua Hùng.
Hành hương về đất Tổ (Ảnh: Internet) |
Vùng đất ngày nay mang tên thành phố Việt Trì chính là thuộc Phong Châu - Kinh đô xa xưa của nước Văn Lang. Nhưng không chỉ ở Việt Trì, những di tích về thời các vua Hùng nằm ở nhiều nơi trên địa bàn một số huyện thuộc tỉnh Phú Thọ. Tỉnh này được mệnh danh là vùng Đất Tổ mà trung tâm là khu vực Đền Hùng.
Khu vực đền Hùng
Thi sĩ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu đã có đôi câu đối vịnh Đền Hùng:
"Tiên tổ tổ tiên, tiên tổ cũ
Nước non non nước, nước non nhà"
Đền Hùng nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, cách thủ đô chưa đầy 90km. Từ Hà Nội có thể đến Đền Hùng bằng đường sắt (tuyến Hà Nội - Lào Cai, xuống ở ga Tiên Kiên) hoặc đi bằng đường bộ theo quốc lộ 2, qua Việt Trì lên Phong Châu đến nga ba Đền Hùng thì rẽ vào.
Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng. Núi này còn có tên là núi Nghĩa Lĩnh, núi Hy Cương hay núi Cổ Tích. Núi cao 175m so với mặt nước biển, được thành tạo cách đây 1027 triệu năm thuộc thôn Cổ Tích xã Hy Cương, huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ.
Từ mấy nghìn năm trước, Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang. Các vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh làm nơi tế trời đất, chủ thần và tiên tổ, sau này được chọn để xây dựng các ngôi đền và đặt mộ Tổ. Toàn bộ khu di tích đền Hùng gồm 4 đền, 1 chùa, 1 lăng, có địa thế cao, đẹp mắt và hài hoà với phong cảnh thiên nhiên.
Đền Hạ
Sau khi đi qua cổng chính của khu di tích, qua 225 bậc đá là lên đến đền Hạ. Theo truyền thuyết bãi bằng lưng chừng núi Nghĩa Lĩnh là nơi tổ mẫu Âu Cơ chuyển dạ, sinh ra bọc trứng nở thành trăm người con trai, nghĩa "Đồng bào" (cùng một bọc) được bắt nguồn từ sự tích này. Do sự tích này mà nhân dân lập ra đền Hạ để thờ các vua Hùng.
Bên phải của đền Hạ là chùa Sơn Cảnh Thừa Long tự (còn gọi là Thiên Quang Thiền Tự). Phía trước chùa là gác chuông. Ở khu vực đền Hạ có cây Thiên Tuế đã 700 năm tuổi.
Đền Hạ được khởi công xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18), do dân làng Vi Cương xã Chu Hoá (nay là thị trấn Hùng Sơn) huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ xây dựng.
Năm 2010, đền Hạ được đại trùng tu với số tiền gần 20 tỷ đồng do UBND thành phố Hà Nội cung tiến. Kiến trúc của đền cơ bản vẫn giữ nguyên kiểu dáng cũ. Đó là kiểu kiến trúc chữ nhị (=) gồm 2 toà: Tiền tế và Hậu cung. Mỗi toà có ba gian cách nhau một khoảng lộ thiên (còn gọi là ống muống).
Đền Ngọc và giếng Ngọc
Ở gần đền Hạ còn có đền Ngọc và giếng Ngọc. Tương truyền, giếng Ngọc là của hai nàng công chúa con gái vua Hùng vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) là công chúa Tiên Dung (lấy Chử Đồng Tử) và công chúa Ngọc Hoa (lấy Sơn Tinh). Giếng Ngọc là nơi hai nàng công chúa rửa mặt, chải tóc, chít khăn. Đền Ngọc thờ hai công chúa làm trùm lên giếng.
Đền Trung
Từ đền Hạ theo 168 bậc đá nữa là lên đến đền Trung. Đền Trung có tên chữ là "Hùng Vương tổ miếu". Tương truyền, đây là nơi dựng quán nghỉ ngơi của các vua Hùng. Đây cũng là các vua Hùng thường họp bàn việc nước với các Lạc hầu (quan văn) và Lạc tướng (quan võ). Cũng theo tương truyền, đây cũng là nơi vào thời vua Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương), hoàng tử Lang Liêu đã được vua cha lựa chọn để lên ngôi kế vị qua một cuộc thi tài làm các món ăn dâng vua cha. Lang Liêu đã thắng qua việc lựa chọn làm bánh chưng, bánh dầy làm món ăn dự thi. Tục gói bánh chưng vào dịp Tết nguyên đán và làm bánh dầy trong dân gian bắt nguồn từ sự tích này.
Căn cứ vào các nguồn tư liệu nghiên cứu, có thể đoán định niên đại xây dựng đền Trung và khoảng thế kỷ 14. Thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược nước ta đã phá huỷ đền Trung, tàn sát nhân dân làng Cả. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, đền Trung đã được nhân dân xây dựng lại.
Vào thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19) đền Trung được xây dựng lại, kiến trúc có ba gian kiểu chữ nhất ( - ).
Tháng 9/2009, được sự đầu tư của Nhà nước đền Trung được tu bổ, tôn tạo và mở rộng thêm phần Hậu cung. Kiến trúc đền hiện nay có hai lớp kiểu chữ nhị (=) gồm nhà tiền tế và hậu cung.
Đền Thượng
Từ đền Trung lên tiếp 102 bậc nữa thì đến đền Thượng. Đền có tên chữ là "Kính Thiên Lĩnh điện" (điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Xưa kia, đền còn có tên là "Cửu trùng thiên điện" (nghĩa là: Điện thờ trời trên chín tầng mây).
Tương truyền, thời Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là nơi Vua Hùng tế lễ trời đất, tiến hành các nghi lễ nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.
Đây cũng là nơi thờ ba ngọn núi thiêng là: Cao Sơn (núi Hùng), Áp Sơn (núi Ngọc), Viễn Sơn (núi Văn), thờ thần Lúa (Theo các cụ già kể lại trước kia trong đền còn có mảnh vỏ trấu to bằng chiếc thuyền thúng, nhưng đã bị mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Đây còn là nơi thờ Đức Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) là tướng nhà trời có công giúp vua Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương) đánh đuổi giặc Ân.
Khi Thục Phán được vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi cho đã lập miếu thờ họ Hùng và dựng hai cột đá thề tại đây.
Lăng Hùng Vương
Ở khu vực đền Thượng có làng vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ. Đây là mộ vua Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương). Tương truyền, sau khi đánh đuổi giặc Ân, nhà vua đã cởi áo vắt trên cành kim giao rồi hoá và được táng tại đó.
Căn cứ vào các di vật khảo cổ tìm thấy tại đền Thượng, các nhà nghiên cứu cho rằng: Những cột đá là dấu tích của một ngôi miếu cổ được dựng nên để thờ Thần (thần Núi hoặc Hùng Vương) cùng với các kiến trúc tôn giáo (kiến trúc Tháp thờ Phật) đã được xây dựng trên đỉnh núi Hùng khá sớm. Vào thời Trần (thế kỷ XIV), kiến trúc đền - miếu thờ Thần núi - Hùng Vương được xây dựng lại. Dưới triều Lê, triều Nguyễn, đền Thượng luôn luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo.
Qua thời gian, đền Thượng tiếp tục được nhiều lần trùng tu, tôn tạo song vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ. Năm 2008, đền Thượng được tu bổ, tôn tạo song vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ. Năm 2008, đền Thượng được tu bổ đồng bộ và khang trang về kiến trúc cũng như nội thất thờ tự. Đền Thượng được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Vương gồm 3 cấp: Phía trước là nghi môn, đến đại bái (cấp 1), tiền tế (cấp2) và hậu cung (cấp 3).
Lễ hội đền Hùng được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, là lễ hội cấp quốc gia lớn nhất trong cả nước.
Người Việt Nam chúng ta thường quan niệm:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Xóm làng truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"
(Ca dao)
Ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", trên đường về thủ đô Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308).
Khi thăm xong các đền trên núi Nghĩa Lĩnh, Bác xuống đền Giếng gặp gỡ và nói chuyện với các cán bộ và chiến sĩ. Bác căn dặn:
"Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
Ngày 19/8/1962, trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt, chủ tịch Hồ Chí Minh lại đến thăm đền Hùng lần thứ hai. Bác nói:
"Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không bỏ dở chừng. Đã đi phải tới đích".
Từ năm 2010, Đảng và Nhà nước ta đã lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày quốc lễ. Cán bộ, công nhân viên và người lao động được nghỉ làm việc.
Thi gói bánh Dày trong ngày giỗ Tổ (Ảnh: Internet) |
Đền thờ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền thờ cha Rồng Lạc Long Quân được xây dựng tại đồi Sim xã Chu Hoá thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Đền được khởi công xây dựng ngày 26 tháng 3 năm 2007 và khánh thành vào ngày 29 tháng 3 năm 2009 đúng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu.
Đền Lạc Long Quân được kiến trúc kiểu chữ đinh bao gồm: Đền chính, cổng, trụ biểu, cổng biểu tượng, phương đình, tả vu, hữu vu, lầu hoá vàng, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đất là 13,79ha.
Trong Hậu cung của đền là nơi thâm nghiêm, đặt tượng thờ của Đức Quốc Tổ. Tượng được đúc bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1m98, ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá, bệ được gia công bằng đá khối có chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hoá Đông Sơn. Hai bên là hai pho tượng Lạc hầu, lạc tướng, mỗi pho nặng 0,5tấn, cao 1m80 tạc ở tư thế đứng chầu.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ
Đền được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (tên là chữ Ốc Sơn) thuộc địa phận xã Hiền Lương huyện Hạ Hoà tỉnh Phú Thọ.
Tục truyền rằng: Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương về núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trứng nở thành một trăm người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển. Người con cả lên ngôi vua lấy hiệu là Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.
Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia. Người đến trang Hiền Lương quận Hạ Hoà trấn Sơn Tây. Thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, giàu thịnh. Người đã cho khai hoang lập ấp, dạy dân công việc nông tang, cầm cửi.
Khi trang ấp đã ổn định, Người lại cùng các con đi đến vùng đất mới. Khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về Hiền Lương chọn là nơi gắn bó cuộc đời mình. Tương truyền ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại gốc đa một dải yếm lụa. Ở nơi đó, nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói.
Vào niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1465) đời vua Lê Thánh Tông, vua sai quan giám quốc sư đến Hiền Lương phong thần, cấp tiền xây dựng đền Mẫu Âu Cơ. Thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lại phong sắc công nhận đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Ngày 3/8/1991, Bộ Văn hoá thông tin nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp bằng công nhận đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được khởi công Đại trùng tu và nâng cấp xây dựng ngày 18/9/2001 và khánh thành ngày 18/1/2005.
Đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh, quay theo hướng Đông Nam, bao gồm: Đền chính, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà bia, trụ biểu và tam quan. Đền chính có diện tích 137m2, gồm hai toà: Tiền tế và Hậu cung.
Tiền tế: có 5 gian, 2 dĩ, các cột cái và cột trốn làm bằng gỗ lim, tường xây gạch mộc, cửa bức bàn, hai bên tường trang trí hoạ tiết hoa văn trống đồng.
Hậu cung: Là nơi đặt khám thời được sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh xảo. Bên trong khám đặt tượng mẹ Âu Cơ được đúc bằng đồng. Đây là bức tượng đẹp thể hiện sự hội tụ, kết tinh những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: thông minh, hiền dịu, phúc hậu, đoan trang.
Hành hương về vùng Đất Tổ, đồng bào ta trên mọi miền đất nước và bà con người Việt sống ở nước ngoài, kính cẩn thắp nén hương thơm dâng lên Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ và các vua Hùng, tỏ lòng thành kính và biết ơn. Chúng ta càng hiểu sâu sức hơn và càng yêu quý về giang sơn cẩm tú, về các đấng tiên liệt, tài đức, anh hùng.
Càng tự hào về Tổ quốc, về dòng giống con Rồng cháu Tiên, chúng ta càng quyết tâm đoàn kết, đồng lòng xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đặng Trần Tụy (Hội Văn Nghệ Dân gian Hà Nội)
(Thôn Tiên Hội, xã Đông Hội huyện Đông Anh - Hà Nội)