Mảnh rác vũ trụ này là một trong số ít vật thể các nhà khoa học không chỉ theo dõi được hướng đi mà còn dự đoán chính xác nơi nó sẽ tác động.
Theo IFL Science, nó được quan sát lần đầu tiên vào ngày 18/2/2013 thông qua Catalina Sky Survey, một chương trình tìm kiếm những vật thể gần Trái Đất như các thiên thạch và sao chổi có khả năng gây nguy hiểm.
Mang tên WT1190F, mảnh rác vũ trụ có đường kính vài mét và tỷ trọng thấp với một phần mười là nước. Điều này chỉ ra nó nhiều khả năng có nguồn gốc nhân tạo, giống như một bình nhiên liệu bỏ đi hoặc phần thân trên của tên lửa.
Quỹ đạo của WT1190F có độ lệch tâm cao, nằm trong phạm vi từ 36.000 km đến hơn 600.000 km tính từ Trái Đất. Chuyển động của mảnh rác chịu tác động mạnh của áp suất bức xạ Mặt Trời. Những tia sáng từ Mặt Trời đẩy WT1190F tiến đến gần Trái Đất giống như gió đẩy thuyền buồm.
Kích thước của mảnh rác vũ trụ không đủ lớn để gây thiệt hại và nó chắc chắn sẽ bốc cháy khi đi qua bầu khí quyển. Theo các nhà thiên văn, nó sẽ cháy sáng trong vài giây.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác NEO của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (NEOCC) tin rằng sự kiện này sẽ cung cấp cơ hội độc đáo để kiểm tra các nhà thiên văn học phối hợp như thế nào nếu một vật thể nguy hiểm tiến đến gần Trái Đất.