Thận trọng khi 'nhảy việc'

GD&TĐ - Dù phổ biến trong giới trẻ nhưng các chuyên gia khuyên sinh viên mới tốt nghiệp nên thận trọng khi “nhảy việc”.

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2025 của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: NTCC
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2025 của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: NTCC

Tiềm ẩn rủi ro

Sau gần 2 năm làm nhân viên kế toán cho một công ty chứng khoán ở Hà Nội, Trần Thị Thảo (Sóc Sơn, Hà Nội) bất ngờ làm đơn xin nghỉ việc dù thu nhập không thấp. Công việc không vất nhưng cả ngày chỉ “làm bạn” với chứng từ, sổ sách rồi quyết toán… khiến Thảo “bí bách” và thấy không phù hợp với tính cách hướng ngoại của mình.

“Em tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính nên công việc kế toán chưa phải sở trường. Vì thế, em xin nghỉ việc ở công ty cũ để tìm việc làm mới phù hợp hơn”, Trần Thị Thảo bộc bạch và cho biết, đã vào làm việc ở công ty mới, thuộc nhân sự phòng Quản trị kinh doanh - Marketing.

“Trước mắt, công việc phù hợp với chuyên môn em được đào tạo và thu nhập cao hơn trước”, Trần Thị Thảo chia sẻ và nêu quan niệm, tuổi trẻ phải thử sức ở nhiều môi trường làm việc khác nhau. Trên hết phải dám vượt lên chính mình, vượt qua khỏi vùng an toàn bản thân. Quan trọng phải thấy hạnh phúc trong công việc.

Chưa đầy 1 năm, anh Nguyễn Văn Nam ở phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) chuyển đến hai công ty để làm việc. Anh chia sẻ, công ty chuyển về Hà Nam nên ngại đi lại vất vả; trong khi lương và phúc lợi không tăng. Vì thế, anh quyết định sang làm cho một công ty về xây dựng ở Hà Nội.

“Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nên muốn tích lũy kinh nghiệm một vài năm, trải nghiệm ở một số công ty để học hỏi, sau đó sẽ thành lập công ty riêng. Mục tiêu của tôi là, sau 5 năm tốt nghiệp đại học sẽ có được công ty do chính mình sáng lập”, anh Nam chia sẻ.

Hai trường hợp trên chỉ ví dụ về giới trẻ muốn “nhảy việc”, chuyển việc. Theo các chuyên gia, chuyển việc hay “nhảy việc” để tìm cơ hội tốt hơn cho mình không xấu và là tâm lý bình thường của người lao động.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc NovaEdu nhìn nhận, trên phương diện nào đó, điều này có yếu tố tích cực, giúp các bạn trẻ thêm cơ hội làm mới chính mình. Ngoài ra, các em có môi trường để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.

Tuy vậy, ông Đỗ Mạnh Hùng khuyến cáo, “nhảy việc” cũng là thách thức và tiềm ẩn không ít rủi ro đối với người lao động nếu không suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc kỹ càng. “Hãy thử tưởng tượng, hồ sơ cá nhân liệt kê quá nhiều nơi làm việc, thời gian gắn bó không dài thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá như thế nào về mức độ gắn bó, tâm huyết của bạn nhân sự với công ty”, ông Đỗ Mạnh Hùng nêu vấn đề.

than-trong-khi-nhay-viec-2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu thông tin tại Ngày hội việc làm năm 2024. Ảnh: TG

Cân nhắc kỹ

Thực tế cho thấy, hầu hết đơn vị sử dụng muốn có nhân sự giàu kinh nghiệm. Vì thế, trước khi quyết định “nhảy việc”, ông Đỗ Mạnh Hùng khuyên, các tân cử nhân, kỹ sư cần xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, nghiêm túc. Tuyệt đối không để cảm xúc chi phối. Không nên nghỉ việc một cách “bốc đồng” khi không hài lòng với vài hành động của cấp trên và đồng nghiệp. Trước khi chuyển sang công việc mới, các bạn nên xem xét mức lương, môi trường làm việc, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến và sự ổn định.

“Nhảy việc” là thực tế “đau đầu” với các doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Vân - phụ trách mảng phát triển công nghệ và tuyển dụng tập đoàn One Mount cho hay, nhiều doanh nghiệp mất 3 - 6 tháng để đào tạo lại với cử nhân vừa tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi vừa đào tạo xong, người sử dụng lao động lại ngán ngẩm vì nhân sự xin nghỉ việc. “Nhảy việc” không phải lỗi của thế hệ Gen Z. Nguyên nhân chính bởi nhân sự trẻ chưa biết cách làm việc theo nhóm hoặc xác định mục tiêu trong công việc.

Cần xem xét điểm được và mất khi chuyển sang công việc mới, tránh những chiêu trò lừa đảo, gian dối bằng nhiều hình thức, TS Đỗ Viết Tuân - Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý giáo dục) khuyến cáo và khuyên giới trẻ, trước khi quyết định thay đổi nghề nghiệp, hãy tự đặt một số câu hỏi như: Mình muốn phát triển kỹ năng hay năng khiếu gì? Mình muốn đối đầu với thách thức loại nào? Mức lương, thưởng tối thiểu là bao nhiêu?

Một trong những sai lầm mà người trẻ thường thất bại khi “nhảy việc” là đầu hàng quá nhanh trước khó khăn. Nên nhớ, không ai có thể thay đổi cuộc sống hay công việc mà không cần hao tổn công sức, thời gian. Theo một nghiên cứu mới đây tại Mỹ, hơn 80% người lao động muốn từ bỏ công việc đang có.

“Nhảy việc giống như thứ bệnh dịch lan tràn. Dù vậy, nếu bạn có ý định thay đổi sự nghiệp, hãy tìm hiểu thật thấu đáo để tránh mắc phải sai lầm. Quan trọng nhất, phải thật thực tế, nghiêm túc và tận tâm khi quyết định thay đổi”, TS Đỗ Viết Tuân khuyến nghị.

Theo thống kê trên thế giới, một lao động từ lúc bắt đầu đi làm đến lúc nghỉ hưu thường trải qua khoảng 4 - 6 lần chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu “nhảy việc” vì lương cao sinh viên cần phải cân nhắc thật kỹ. Công nghệ đang phát triển, kéo theo tỷ lệ người lao động chuyển việc cũng nhiều hơn trước. Trong các lần chuyển việc, lao động phải bổ sung kiến thức, kỹ năng để phù hợp công việc, điều kiện sống mới.

“Không một trường đại học nào, dù trường top 1 trên thế giới cũng không thể cung cấp kiến thức, kỹ năng trọn đời cho sinh viên”, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh; đồng thời khẳng định, trong quá trình đi làm, mọi người phải chủ động bổ sung kiến thức và kỹ năng suốt đời.

Học tập những thứ chưa biết để thích ứng với công việc, học cả những thứ đã học nhưng ở mức độ cao hơn. Khi đi làm, nếu tìm thấy công việc mới có thể phát triển bản thân lâu dài hơn công việc hiện tại thì có thể nghĩ đến chuyển việc. Nếu “nhảy việc” vì mục tiêu ngắn hạn, mức thu nhập cao thì nên cân nhắc thật kỹ.

Trong thời gian làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới dự định đầu tư tại Việt Nam, GS.TS Chử Đức Trình nhận thấy, họ sợ nhất lao động Việt Nam “nhảy việc”. Ông cho rằng, “nhảy việc” chỉ vì mức lương cao sẽ khó làm được việc lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa tiêm kích F-47.

Tiêm kích F-47 vượt xa F-35

GD&TĐ - Mỹ tiết lộ tiêm kích F-47 thế hệ 6 với tầm bay 1.850 km, tốc độ Mach 2+ (trên 2.450 km/h) và dự kiến ra mắt trước năm 2030.