Thận trọng đánh giá tác động từ khung giá khám bệnh theo yêu cầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thông tư 13 do Bộ Y tế ban hành thời gian qua được xem như bước đón đầu cho Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024.

Thông tư 13 quy định, khung giá khám bệnh theo yêu cầu từ 500.000 đồng/lượt đối với hạng đặc biệt và thấp nhất là trên 30.000 đồng.
Thông tư 13 quy định, khung giá khám bệnh theo yêu cầu từ 500.000 đồng/lượt đối với hạng đặc biệt và thấp nhất là trên 30.000 đồng.

Đây được xem là bước đi hiệu quả tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Khung giá khám theo yêu cầu

Nhiều năm nay, các bệnh viện trong cả nước đã triển khai dịch vụ khám, chữa theo yêu cầu. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung nên các bệnh viện đưa ra một giá khác nhau.

Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT. Thông tư này quy định, khung giá khám bệnh theo yêu cầu quy định từ 500.000 đồng/lượt đối với hạng đặc biệt và thấp nhất là trên 30.000 đồng.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay: “Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang tổ chức rà soát để xây dựng lại giá phù hợp và đảm bảo không vượt quá khung giá trên để có thể triển khai. Có thể khẳng định, Thông tư 13 đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bởi, thông tư này đã quy định những dịch vụ nào được thực hiện làm theo yêu cầu, còn có những loại kỹ thuật không được làm theo yêu cầu. Thứ hai, thông tư quy định điều kiện để làm theo yêu cầu, trình độ bác sĩ, điều dưỡng thế nào. Thứ ba là quy định về mức giá”.

Theo TS Thường, nói cách khác, Thông tư 13 đã quy định rất rõ các danh mục kỹ thuật nào được làm theo yêu cầu, giá thì theo khung nào. Từ đó, khiến các bệnh viện phải nghiêm túc thực hiện.

Bên cạnh đó, Thông tư 13 cũng sẽ giúp bệnh viện có thể có nguồn tiền để hỗ trợ tăng thu nhập, giữ chân các bác sĩ và hỗ trợ một phần để tính toán tái đầu tư.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội khoá XV, TS.BS Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết, Bộ Y tế xây dựng thông tư này là vô cùng kịp thời. Qua đó, giúp đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, thông tư cũng bao gồm những điều khoản rất hợp lý.

Ví dụ, quy định các bác sĩ tham gia khám chữa bệnh theo yêu cầu phải dành tối thiểu trên 80% thời gian chăm sóc bệnh nhân khám chữa bệnh không theo yêu cầu.

Ngoài ra, tất cả nguồn thu từ khám bệnh theo yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật, phải trích ra một phần lợi nhuận để đầu tư cơ sở vật chất cho khu khám bệnh không theo yêu cầu. Từ đó, để làm sao đảm bảo chất lượng của cả khu khám chữa bệnh thông thường và theo yêu cầu.

“Hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức tập huấn về thông tư này. Ban giám đốc đã chỉ đạo rà soát một số dịch vụ kỹ thuật mà lâu nay bệnh viện đang thực hiện khám bệnh theo yêu cầu. Từ đó, đưa ra điều chỉnh, từng bước tiến hành đưa ra giá cho các dịch vụ”, TS Lê Văn Cường cho biết.

Không ảnh hưởng lớn tới người dân

Trước một vài ý kiến quan ngại về việc tăng giá khám chữa bệnh dịch vụ tại Thông tư 13, TS.BS Nguyễn Văn Thường cho rằng, điều này không ảnh hưởng quá lớn tới đại đa số người dân.

“Tại bệnh viện, bao giờ cũng có 3 loại giá theo quy định. Thứ nhất là giá quy định theo bảo hiểm, thứ hai là giá viện phí, thứ 3 là giá dịch vụ. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một ngày, số người khám bệnh theo yêu cầu chiếm khoảng 12% tổng số bệnh nhân đến khám. Số bệnh nhân đến được bảo hiểm chi trả 100% chiếm khoảng gần 40%”, ông Thường cho biết.

Do đó, 80% bệnh nhân đến khám sẽ không chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, đối với những bệnh nhân khám theo yêu cầu sẽ được hưởng lợi nhờ Thông tư 13, chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ tại bệnh viện sẽ được nâng cao hơn.

Cũng trong lộ trình để đưa Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024, Bộ Y tế đang trong quá trình xin chủ trương, định hướng để xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh tính đúng, tính đủ, đồng bộ với yếu tố chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật cấu thành. Cơ quan này cũng đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Văn Thường cho rằng: “Giá khám bệnh dù chưa tính đúng, tính đủ thì cũng đã tính tới công, lương người làm trực tiếp. Do vậy, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu, đương nhiên là giá viện phí phải tăng thì các bệnh viện mới có thể trả lương cho nhân viên y tế.

Theo tôi ước tính, giá khám bệnh ước tính tăng khoảng 0,8%, giá giường tăng khoảng 1,2%, giá cận lâm sàng và kỹ thuật tăng 0,05%. Mặc dù vậy, với gần 1.000 nhân viên tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thì số lương tăng thêm cần để chi trả cho nhân viên y tế là 1,3 tỉ đồng sau khi tăng lương cơ sở, việc tăng giá viện phí chỉ bù đắp được một phần”.

Bày tỏ sự thấu cảm với lo lắng của không ít người dân về lộ trình tăng giá viện phí, đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường cho rằng: “Báo cáo của Bộ Y tế và các tổ chức, khám chữa bệnh cho thấy, mức chi trả tiền túi của người dân vẫn cao. Bảo hiểm y tế vẫn chưa đáp ứng được chi phí. Mặc dù vậy, theo Luật Khám chữa bệnh mới, giá dịch vụ y tế phải có lộ trình tính đúng, tính đủ. Khi đó, các cơ sở y tế mới có nguồn lực để tái đầu tư, đảm bảo cung ứng hoá chất, thuốc…”.

Hiện, nhiều cơ sở y tế mất cân đối thu - chi, ảnh hưởng, không đảm bảo thu nhập cơ bản cho nhân viên. Về lâu dài, tình trạng đó sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Do đó, theo ông Cường thì cần có giải pháp, lộ trình để điều chỉnh giá, song hành cùng việc tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, việc tăng giá cần thận trọng, có lộ trình để xem tác động tới người dân như thế nào, đặc biệt là trường hợp bệnh nhân khó khăn. Cần cân nhắc tăng cái nào trước, cái nào sau, tăng với biên độ phù hợp. Từ đó, giúp người dân thích ứng và đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ