Khung giá khám chữa bệnh mới không ảnh hưởng đến người có BHYT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Thông tư giúp hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật. Ảnh minh hoạ
Thông tư giúp hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật. Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp.

Thông tư chưa từng có

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trước đây, Việt Nam chưa từng có quy định này, dẫn tới tình trạng mỗi nơi một giá.

Cụ thể, theo thông tư mới, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm…) tại cơ sở khám bệnh - chữa bệnh hạng đặc biệt, hạng 1 có giá tối thiểu là 100.000 đồng và giá tối đa là 500.000 đồng. Giá khám bệnh ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có giá từ 30.500 đồng (tối thiểu) và giá tối đa là 300.000 đồng.

Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ, đơn vị được thu theo giá thoả thuận giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Về khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế khác…), loại 1 giường/phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, giá tối đa là 4 triệu đồng. Loại 2 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 3 triệu đồng. Loại 3 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 2,4 triệu đồng; loại 4 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 1 triệu đồng…

Thông tư nói trên cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: Quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.

Như vậy, mức giá tối thiểu của các dịch vụ kỹ thuật trong danh mục khám chữa bệnh theo yêu cầu tương đương hoặc nhỉnh hơn vài trăm nghìn so với với khung giá được quy định theo Thông tư 13 (sửa đổi Thông tư 39/2018) và 14 (sửa đổi Thông tư 37/2018) do Bộ Y tế ban hành năm 2019. Theo các chuyên gia, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 này sẽ khuyến khích các cơ sở y tế công nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Cải thiện thu nhập nhân viên y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, mục đích ban hành Thông tư Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật.

Việc này cũng đồng thời khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

Bên cạnh đó, thông tư góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các gói bảo hiểm bổ sung.

Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, về phạm vi điều chỉnh, thông tư quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp theo phương pháp xây dựng giá quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; quy định thẩm quyền phê duyệt giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu. Theo đó, mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho nhóm là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5 - 10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, tuyến huyện gần như không có).

Người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT. Người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.

Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế. Người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Hiện, người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có 3 hình thức, gồm: Khám theo bảo hiểm y tế (chi trả theo quy định tại Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế); Khám không theo bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chi trả theo Thông tư 14/2019 của Bộ Y tế); Khám theo yêu cầu.

Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn khám theo yêu cầu chỉ dưới 10%, tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Bộ Y tế khẳng định, bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu lần đầu được ban hành này chỉ áp dụng cho nhóm số 3, không tác động đến nhóm 1 và 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.