Nàng Kiều tài sắc vẹn toàn mà đa đoan “bảy nổi ba chìm”, lại bước ra từ thơ nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du với một sắc diện mới, sinh khí mới của ngôn ngữ rối cạn (rối - người) trên sân khấu Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Phận người chịu những … giật dây
“Ngôn ngữ hình ảnh giàu sức gợi cảm và gợi tả về số phận Thúy Kiều được đại thi hào Nguyễn Du khắc họa khi đưa sang sân khấu biểu tượng của rối đòi hỏi sự sáng tạo và biểu đạt mới. Đây là một thách thức vô cùng lớn nhưng cũng tạo niềm hứng khởi cho chúng tôi trong hoạt động thử nghiệm.
Suốt 10 năm ươm ủ ý tưởng đưa Kiều lên sân khấu rối, tôi nuôi khát vọng nàng Kiều của múa rối sẽ có nét riêng, tiếng nói riêng. Tôi đã “đặt hàng” kịch bản này với hai tác giả: NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu từ trước. Vở diễn được đăng ký dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 là tiếp diễn của một cơ duyên đã có” - đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Bỏ qua trình tự lớp lang, thời gian của Truyện Kiều, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã chuyển thể kịch bản và đạo diễn “Thân phận nàng Kiều” từ việc lựa chọn, dàn dựng một số biến cố tiêu biểu, gay cấn nhất của đời Thúy Kiều.
Vở diễn mở đầu từ phần đặc tả sâu đậm chân tướng thằng bán tơ, kẻ ganh ghét, đố kỵ trục lợi đã gây ra tai họa khủng khiếp cho gia đình Kiều, dẫn đến những thảm cảnh Kiều phải hứng chịu suốt 15 năm trời. Đó là các trường đoạn Kiều phải bán mình, hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ và diễn biến khi Kiều tìm sự giải thoát dưới sông Tiền Đường.
Dấu ấn thử nghiệm sáng tạo trong xây dựng cấu trúc chuyện kịch - rối còn thể hiện trong kịch bản với phần hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng - Nguyễn Du (nhân vật con rối bút lông) và Đạm Tiên (trong hình tượng chiếc đàn tỳ bà).
Nền tảng của vở rối cạn này là kỹ thuật rối sân khấu đen, người điều khiển mặc trang phục đen, đứng sau con rối, làm nền cho con rối nổi bật, điều khiển chuyển động con rối qua cử động chân tay bằng gỗ.
Không gian vở Kiều giăng mắc, biến hình, chồng lớp những dải lụa. Các dải lụa trắng bay lượn quằn quại như đớn đau trong hai đoạn đời Kiều ở lầu xanh, trong giai điệu âm nhạc day dứt vò xé đầy thiết tha thương cảm. Những dải lụa ấy lại nhuộm đỏ trong cảnh Kiều nuốt lệ chơi đàn hầu rượu Thúc Sinh và Hoạn Thư như diễn tả cái tâm trạng não nề, đau đớn “bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”.
Dựa vào truyện xưa nhưng đề cập đến thực trạng xã hội với những vấn đề nóng và không sáo mòn, những vấn đề đáng lên án trong xã hội hiện tại. Các con rối, do diễn viên điều khiển khéo léo, uyển chuyển đã hoàn thành xuất sắc phận sự nghệ thuật của chúng.
Nàng Kiều, người hùng Từ Hải, mệnh quan Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, chàng Thúc Sinh... đã vượt khỏi thân phận rối để thành thân phận người đối thoại cùng khán giả hôm nay.
Hội tụ được nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo nên ê-kíp thực hiện “Thân phận nàng Kiều” có được sự ăn ý, bổ trợ hiệu quả. Họa sĩ nắm bắt nhanh ý đồ của đạo diễn để thiết kế con rối. Mỗi con rối nhân vật lên hình, lên vóc rồi lại chuyển ngay cho nhạc sĩ và tác giả kịch bản để khớp lời thoại và phổ âm nhạc. Sự phù hợp và hòa quyện của từng khâu đã tạo ra được hiệu ứng chiều sâu và tính tương tác cao...
Các cảnh trí, tình tiết trong “Thân phận nàng Kiều” được xử lý linh hoạt bằng các mảng miếng, trò diễn hấp dẫn, bằng không gian, ánh sáng đặc sắc, mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại.
“Thân phận nàng Kiều” được thử nghiệm từ khâu biên kịch, đạo diễn cho tới nghệ thuật biểu diễn đã kết nối chặt chẽ được các “phân cảnh”, tạo nên nhiều kịch tính, cuốn hút khán giả và nhận được sự tán thưởng, khen ngợi.
Thành công của sự liên tài
Sự thành công của một vở diễn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ khâu kịch bản đến đạo diễn, dàn diễn viên, âm nhạc, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật…
Ở thể loại múa rối, việc tạo hình ra con rối phù hợp lột tả tính cách nhân vật, làm ra hồn cốt của vở diễn là quan trọng hàng đầu. Những con rối được họa sĩ Lê Đình Nguyên tạo hình bằng mặt nạ và cái mặt định hình tính cách của nhân vật. Hàng chục mặt nạ con rối ấn tượng, không cái nào giống cái nào nhưng hiện hình sắc nét từng nhân vật của Truyện Kiều.
Độc đáo nhất là mặt nạ Kiều, được tạo hình trái xoan, với đôi mắt một bên mở to kinh ngạc đau đớn, một bên nhắm lại, rơi xuống vài giọt lệ. Sự đối nghịch trong sắc thái biểu cảm đó đã như mặc định tính chất bi kịch của nhân vật chính.
Hoạn Thư cũng được họa sĩ Nguyên “chăm chút” trong trang phục vương giả, quyền quý nhưng chiếc mặt nạ - rối Hoạn Thư lại chứa đựng những gợi mở bất ngờ. Đó là chiếc quạt giấy đa màu, mở xòe như một lá bài đã lột tả được tính cách khôn ngoan nham hiểm của con người: “Miệng thì thơn thớt nói cười/Mà trong nham hiểm giết người không dao”.
“Tú bà” nhân tướng như loài heo lại có hai quả bầu treo lúc lỉu trước ngực, mang dáng vẻ điển hình của kẻ tham lam, ghê tởm, tàn nhẫn chốn lầu xanh. Sở Khanh với tạo hình rối hai mặt, Thúc Sinh mặt ngược mặt xuôi… rồi bản mặt lưỡi cày hiểm ác của thằng bán tơ kẻ đại diện cho cái ác, gian trá, lừa lọc, trục lợi trên bất hạnh của người khác.
Hồ Tôn Hiến gian hùng, nham hiểm hèn hạ với đôi mắt không có lòng đen, trên bọng mắt màu đỏ có những vệt lòng trắng trợn trừng… tất cả cho thấy dụng công của họa sĩ khi tìm cách lột tả tận cùng tính cách điển hình của nhân vật.
Tâm huyết của họa sĩ Lê Đình Nguyên đã góp phần tạo nên những sự khác biệt thú vị, gây hiệu ứng cảm xúc rất đậm đặc cho khán giả. Mụ mối thì được đặc tả bằng một cặp môi khổng lồ đỏ chót múa lượn trên nền tấm vải hình con bướm đen chính là hình ảnh cô đọng nhất tính cách và miệng lưỡi giảo hoạt của một kẻ cò mồi dâm đãng.
Đàn chim lợn luôn dẩu mỏ với một vòm họng ngoác rộng đỏ lòm hay vàng chóe cùng tiếng kêu gầm rú man rợ đã tạo được hiệu ứng cảm xúc ghê gớm về một đám đông “ném đá giấu tay”. Chim lợn thời nào cũng tồn tại như một phần tất yếu điển hình gieo rắc cái xấu xa, góc đen tối đầy ám khí của xã hội, với tính bầy đàn a dua, ngày càng tinh vi, đáng ghê tởm.
“Thân phận nàng Kiều” là cuộc liên tài của dàn nghệ sĩ lão luyện: Tác giả - NSND Lê Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng, họa sĩ tạo hình Lê Đình Nguyên, họa sĩ trang trí, thiết kế sân khấu Ngô Thắng.
Phần âm nhạc do nhạc sĩ Trần Đức Minh và Nguyễn Vĩnh Tiến đảm nhận. Nguyễn Vĩnh Tiến đã viết 6 ca khúc xuyên suốt vở diễn này. Nhạc sĩ Trần Đức Minh phối khí phần nhạc nền toàn vở, với âm giai chủ đạo là tiếng đàn tỳ bà và tiếng sáo. NSƯT Hồng Phong trong vai trò biên đạo múa.
Tính cách nhân vật rối phát triển theo dịch chuyển thân thể và con rối được thổi hồn sống động nhờ giọng nói biểu cảm của người diễn viên nấp sau con rối. Những gương mặt diễn viên sáng giá của nhà hát như Lan Hương, Thu Hương, Thanh Tùng Đỗ Kha, Kim Thoa, đã góp phần làm nên một vở diễn rối cạn “Thân phận nàng Kiều” ấn tượng, hấp dẫn.