Không chỉ dàn dựng kịch về Tả quân Lê Văn Duyệt và ra mắt khán giả trong tháng 4, tại Nhà hát Thanh Niên (TPHCM), Nhà hát Idecaf còn lên kế hoạch dựng các vở về Trần Thủ Độ, Nữ đại đế Động Đình… - đều là các nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Đây là chủ ý khi nhà hát muốn đưa kịch lịch sử đến với học đường để góp phần giúp học sinh thêm yêu sử nước nhà.
Có thể thấy, việc làm này của Idecaf không mới nhưng vẫn luôn cần thiết, nhất là giờ đây học sinh luôn bận rộn với nhiều môn học, bị thu hút bởi nhiều loại hình giải trí nên lơ đễnh, ít quan tâm đến những bài đọc lịch sử khô khan, tẻ nhạt.
Bởi vậy, rất cần các dự án sân khấu hóa những câu chuyện, nhân vật lịch sử để cuốn hút các em. Tất nhiên, hiệu quả đến đâu còn là cả quá trình, nhưng trước tiên vẫn cần dành lời cảm ơn đến nghệ sĩ khi họ dám bước vào con đường khó.
Thực ra, lâu nay nhiều đơn vị nghệ thuật ở phía Bắc cũng thường xuyên khai thác đề tài lịch sử. Có thể kể đến những vở: “Bất tử với Thăng Long” - về Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, “Vì nghĩa nước non” - về công chúa An Tư, “Huyền thoại gò Rồng Ấp” - về vua Lý Công Uẩn… (Nhà hát Cải lương Việt Nam); “Lửa cháy phiên ngung” về Hoan hảo sứ Khúc Thừa Mỹ, “Tam Khúc chúa” - về ba vị chúa họ Khúc, “Tình mẹ” – về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh… (Nhà hát Tuồng Việt Nam); “Linh từ Quốc mẫu” - về bà Trần Thị Dung, “Vương nữ Mê Linh” - về Hai Bà Trưng… (Nhà hát Chèo Hà Nội)…
Dù đều là những tác phẩm chất lượng nhưng thật tiếc khi ít vở đến được với học đường. Nguyên do có thể vì có nhà trường, phụ huynh còn thờ ơ với sân khấu dân tộc, xem nhẹ việc học sử qua hình thức biểu diễn.
Nhưng, không nên vì khó khăn mà nản. Rất cần sự chủ động của các đơn vị nghệ thuật trong việc chinh phục thách thức đó bằng cả tài năng, tâm huyết và trách nhiệm của mình với thế hệ trẻ.
Và, bằng khởi đầu từ những hăng hái, tích cực, họ cần có kịch bản chất lượng, thông điệp rõ ràng; cần cách kể chuyện, diễn xuất được đầu tư đủ sức đem lại đời sống mới cho câu chuyện lặng im trên trang giấy một cách gần gũi, xúc động.
Bổ trợ vào đó còn là sự bắt mắt từ trang phục, cảnh trí cùng các yếu tố hấp dẫn được tạo ra bởi âm thanh, ánh sáng sôi động, diệu ảo, hợp với sở thích của khán giả hôm nay.
Tất cả quyện hòa để cùng tái hiện trước mắt các em một câu chuyện, nhân vật lịch sử thực sự sống động, tươi mới chứ không phải chỉ để minh họa, kể lại một cách nhàm chán. Việc hư cấu thiếu logic, căn cứ làm người xem hiểu sai lệch về lịch sử là điều phải tránh không sẽ gây tác dụng ngược, nhất là với những khán giả còn đang ngồi trên ghế phổ thông.
Dẫu còn rất nhiều việc cần làm, song mong rằng từ Idecaf sẽ có nhiều đơn vị nghệ thuật cùng bắt tay vào việc khó này một cách nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp. Đó cũng là cách đầu tư dài hạn của tham vọng “quả ngọt”: Xây dựng một thế hệ khán giả tương lai vừa hiểu sử nước nhà vừa yêu sân khấu dân tộc!