Tham vọng hồi sinh động vật đã tuyệt chủng

GD&TĐ - Các nhà khoa học đang sử dụng kỹ thuật di truyền để hồi sinh các loài đã tuyệt chủng, trong đó có chim dodo.

Quá trình hồi sinh loài tạo ra một phiên bản gần giống với loài đã tuyệt chủng.
Quá trình hồi sinh loài tạo ra một phiên bản gần giống với loài đã tuyệt chủng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng nên dành thời gian, tiền bạc để bảo vệ những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Lai tạo giữa sinh vật sống và loài tuyệt chủng

Mới đây, Công ty Colossal Bioscatics, trụ sở tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ, thông báo kế hoạch hồi sinh loài chim dodo đã tuyệt chủng vào năm 1681 thông qua công nghệ hồi sinh loài (resurrection biology) hay còn gọi là tái sinh loài.

Chim dodo không biết bay, sống trên đảo Mauritius, phía Đông châu Phi. Vào cuối thế kỷ XVI, các thủy thủ người Bồ Đào Nha đã phát hiện ra loài chim này khi khám phá đảo Mauritius.

Chúng bị săn bắt làm thức ăn cho cả con người lẫn các loài vật nuôi khác. Do đó, chim dodo đã biến mất trong chưa đầy một thế kỷ và trở thành biểu tượng cho sự tuyệt chủng.

Hiện nay, giới nghiên cứu sử dụng ba phương pháp để hồi sinh một loài đã tuyệt chủng. Đầu tiên là nhân giống chọn lọc, không yêu cầu biến đổi gen.

Các nhà khoa học sẽ lai tạo họ hàng gần của các loài đã tuyệt chủng để tạo ra một loài mang nhiều nhất các đặc điểm, hành vi và sinh lý của loài đã tuyệt chủng.

Nhiều người chăn nuôi gia súc đã chọn phương pháp này để hồi sinh bò rừng châu Âu đã tuyệt chủng từ đầu thế kỷ XVII.

Tiếp đó là nhân bản. Phương pháp này tương đối khó thực hiện vì sử dụng các tế bào sống còn nguyên vẹn trong khi các tế bào của loài đã tuyệt chủng hiếm khi được bảo vệ đúng cách. Nó sẽ chính xác hơn khi áp dụng với những loài đang trên bờ vực tuyệt chủng chứ không phải những loài đã biến mất.

Colossal Bioscatics đang sử dụng phương pháp thứ ba là kỹ thuật di truyền. Họ sẽ hồi sinh chim dodo bằng cách tạo ra một phiên bản gần giống với chim dodo trong quá khứ thông qua việc kết hợp những tiến bộ trong giải trình tự ADN cổ đại, công nghệ chỉnh sửa gen và sinh học tổng hợp.

Bà Beth Shapiro, nhà cổ sinh vật học tham gia dự án, cho biết, bước đầu, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự từ mẫu vật chim dodo thật dựa trên vật liệu di truyền còn sót lại của loài vật này.

Đồng thời, nhóm cũng giải trình tự hệ gen từ những họ hàng gần của chim dodo như bồ cầu Nicobar và Ridrigues solitaire - một loài chim không biết bay đã tuyệt chủng sống trên đảo Rodrigues gần đó.

Sau đó, họ sẽ so sánh hệ gen của chim dodo và các loài bồ câu để xác định đột biến ở hệ gen có thể tác động tới kiểu hình khiến chim dodo trông khác biệt so với họ hàng của chúng. Tuy nhiên, việc tìm ra cấu tạo gen phù hợp mới chỉ là bước đầu trong hành trình dài hồi sinh loài vật này.

Các nhà khoa học cũng cần tìm hiểu phương pháp thành công đưa phôi thai chim dodo vào trứng để ấp nở thành công. Quá trình hồi sinh này đòi hỏi sự sáng tạo bởi sử dụng những công nghệ tân tiến như nhân bản, biến đổi gen ở động vật có vú.

Chim dodo là biểu tượng cho sự tuyệt chủng.

Chim dodo là biểu tượng cho sự tuyệt chủng.

Những ý kiến trái chiều

Theo thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), số lượng động vật hoang dã toàn cầu đã giảm gần 70% chỉ trong vòng 50 năm. Nạn phá rừng, hoạt động khai thác của con người, ô nhiễm và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng trên. Tại Hội nghị đa dạng sinh học COP15 diễn ra vào cuối năm 2022, các nước đã cùng bắt tay nhau chống lại những mối đe dọa nói trên.

Đáng chú ý, Colossal Bioscatics khẳng định ngay cả khi nghiên cứu thành công, công ty cũng không thể tạo ra loài chim dodo giống hoàn toàn với loài đã tuyệt chủng.

Cần phải hiểu việc sử dụng kỹ thuật di truyền để chỉnh sửa gen là quá trình mà các nhà khoa học thao túng vật liệu di truyền của một sinh vật sống bằng cách xóa, thay thế hoặc chèn một chuỗi ADN mới. Quá trình này có thể tạo ra giống loài lai giữa một loài đã tuyệt chủng và một sinh vật sống có họ hàng gần.

“Hồi sinh loài là một phương thức gây nhầm lẫn vì nó không thể biến một sinh vật đã tuyệt chủng sống lại như nó đã tồn tại trong quá khứ. Thay vào đó, quá trình này tạo ra một loài giống nhất có thể với loài đã tuyệt chủng. Các loài được hồi sinh không thể mang tất cả các đặc tính di truyền, hành vi và sinh lý của tổ tiên chúng”, đại diện Colossal Bioscatics giải thích.

Colossal Bioscatics cũng có kế hoạch kết hợp gen nhằm hồi sinh những loài đã tuyệt chủng như voi ma mút hay hổ Tasmania. Cùng với việc hồi sinh các loài động vật đã tuyệt chủng, Colossal Bioscatics dự kiến phát triển một thư viện để lưu trữ vật liệu di truyền và phôi của các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Quá trình này sẽ làm chậm tác động lâu dài của việc mất đa đạng sinh học do con người gây ra và chống lại sự tuyệt chủng.

Ủng hộ các dự án trên, các nhà khoa học cho rằng, việc hồi sinh là một biện pháp bảo tồn. GS di truyền học George Church, Trường Y Đại học Harvard, Mỹ, phân tích: Mục tiêu là điều chỉnh hệ sinh thái hiện nay để thích ứng với những thay đổi của môi trường và đảo ngược những thay đổi đó. Đơn cử, việc hồi sinh và đưa voi ma mút trở lại Bắc Cực có thể duy trì lớp băng vĩnh cửu đang tan nhanh ở khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc hồi sinh các loài sinh vật đã tuyệt chủng là “phung phí thời gian và tiền bạc” vì còn rất nhiều sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cần được nhân rộng và bảo tồn.

Số khác cho rằng, môi trường sống của những loài tuyệt chủng không còn tồn tại còn môi trường hiện nay không còn thích hợp cho chúng. Thậm chí, khi các loài đã tuyệt chủng trở lại, chúng có thể mang theo mầm bệnh và gây hại cho động vật hoang dã địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.