Tham vấn học đường: Làm thật để định hướng đúng

GD&TĐ - Tư vấn tâm lý học đường là hoạt động quan trọng nhằm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh là rất lớn. Ảnh minh họa: Internet
Nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh là rất lớn. Ảnh minh họa: Internet

Vì thế, việc tổ chức, triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường là cần thiết nhằm hỗ trợ kịp thời khi các em gặp những vấn đề liên quan. 

Quan tâm đúng mức?

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, vấn đề sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng rất lớn đến học tập và phát triển nhân cách của học sinh. Học sinh bị rối nhiễu về hành vi thường hay trốn học, nghỉ học và thường gặp các vấn đề trong quan hệ với giáo viên và bạn học.

Còn theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục, những tháng qua, có đến 5 vụ học sinh lứa tuổi THCS và THPT tự tử với nhiều nguyên nhân; trong đó liên quan đến tâm lý. Đây là minh chứng cho thấy, trầm cảm hay các rối loạn về tâm thần xảy ra tương đối phổ biến; song, có một sự thật đáng buồn là nhiều người chưa có quan điểm đúng về trầm cảm.

“Ở các nước phát triển, hoạt động tư vấn tâm lý trường học rất được quan tâm. Tại Singapore, các phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả đã giúp nhà trường phát hiện những biểu hiện tâm lý không bình thường ở học sinh, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp cho nhà giáo dục có phương pháp để hình thành và  phát triển nhân cách đúng đắn cho trẻ” - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng trao đổi và cho hay: Những năm gần đây, Chính phủ, Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện tâm lý học đường. Các nhà trường cũng nhận thức được vấn đề này nên đã triển khai nhưng hiệu quả chưa cao.

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục và các cộng sự đã tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình tư vấn học đường để tham mưu cho Bộ GD&ĐT. Các mô hình tiên tiến trên thế giới được đánh giá tốt nhưng khó áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam do yếu tố văn hóa, điều kiện sống và tâm lý. Trở ngại căn bản trong vận hành mô hình tâm lý ở Việt Nam là nhận thức của học sinh và phụ huynh còn nhiều hạn chế. Nhiều học sinh e ngại không tìm đến tư vấn tâm lý do có thói quen chịu đựng, chấp nhận những vấn đề thuộc đời sống tinh thần của mình.

Ngoài ra, đội ngũ làm công tác tư vấn đang quá tải về công việc vì hầu hết làm kiêm nhiệm. Điều này đồng nghĩa với thêm việc cho thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, giáo viên làm công việc tư vấn chưa được đào tạo bài bản, ít thực hành nên hiệu quả không cao. Các nhà trường đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn học đường, do quan niệm kết quả giáo dục chủ yếu được đánh giá bằng điểm số và thành tích học tập của học sinh.

Ảnh minh họa: Sỹ Điền
    Ảnh minh họa: Sỹ Điền

Hỗ trợ kịp thời

Xã hội phát triển càng làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý hơn. Trong nhà trường, những vấn đề căng thẳng, lo âu, suy giảm động cơ học tập, trầm cảm, hành vi lệch chuẩn, nghiện game… đang trở nên phổ biến. Vì vậy, theo TS Hoàng Trung Học, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh ngày càng cấp bách.

Từ thực tiễn, ThS Mai Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho rằng: Việc thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường trong các trường học phổ thông rất cần thiết. Bởi xã hội càng phát triển thì nhu cầu chia sẻ của học sinh cũng nhiều lên và tuổi học trò là lứa tuổi còn non nớt kỹ năng khi phải xử lý tình huống. Các em có hàng nghìn câu hỏi liên quan đến gia đình, bạn bè, xã hội, học tập, các mối quan hệ và cả tâm sinh lý của bản thân.

Theo đó, phòng tư vấn học đường sẽ góp phần “gỡ rối” nhiều khúc mắc cho học sinh; từ đó phát hiện ra những trường hợp đặc biệt có tính chất đặc thù, để can thiệp kịp thời, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Khẳng định, cần thiết thành lập phòng tư vấn học đường, TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhấn mạnh: Xuất phát từ nhu cầu và tính cấp thiết này, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Đây được xem như cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho trẻ em tại Việt Nam. Trong đó, vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, chuyên gia tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục, đào tạo từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.

Từng phụ trách Phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), thầy Đỗ Văn Giảng chia sẻ: Để tổ chức phòng tư vấn tâm lý học đường, trước tiên cần có con người. Vì vậy, ban giám hiệu đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Nếu chỉ giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thì không đúng vì hầu hết học sinh rất ngại và sợ trò chuyện với thầy, cô đứng lớp dạy mình.

“Tư vấn tâm lý học đường phải làm việc độc lập, không thể tiếp cận theo kiểu “người thầy”” - ông Giảng trao đổi, đồng thời khuyến nghị, người tư vấn không nên tiếp xúc với học sinh theo kiểu đánh giá hành vi mà phải tìm hiểu căn nguyên. Ngoài ra, làm công tác tư vấn không thể nguyên tắc hoặc quá lý trí mà cần nhẹ nhàng, thấu hiểu và thấu cảm.

Theo TS Hoàng Trung Học, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình tham vấn tâm lý khá cụ thể trong các trường phổ thông; bước đầu cho thấy những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng. Mô hình tham vấn học đường có thể chưa phải là tối ưu theo các chuẩn mực quốc tế, nhưng phù hợp trong điều kiện cụ thể của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Theo đó, thầy cô có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho học trò khi gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ