Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhấn mạnh: Hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 16 (ngày 12/7/2017), hướng dẫn về việc các danh mục khung, vị trí việc làm và định mức, số lượng người làm việc trong hệ thống các trường công lập, trong đó có vấn đề tham vấn học đường.
Đây chính là điều kiện để cho chúng ta thành lập phòng tham vấn học đường và bố trí người làm việc. Việc bố trí ngườì làm có định mức, giờ làm, công làm việc trong phòng tham vấn học đường là yếu tố quan trọng cho việc hình thành của phòng tham vấn học đường tại các nhà trường phổ thông.
Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển và các quan hệ trong xã hội càng trở nên phức tạp. Vậy vì các em rất cần được tư vấn tâm lý về các mối quan hệ đó. Hơn nữa đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, nên việc ứng xử của các em với những tình huống trong các mối quan hệ gia đình, ngoài xã hội còn nhiều bỡ ngỡ. Cho nên, vấn đề thành lập phòng tham vấn học đường tại các nhà trường là hết sức cần thiết.
Bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập như sự năng động, tích cực, hiểu biết rộng, quan hệ giao tiếp đa dạng… trong cuộc sống, thì cũng không ít những ảnh hưởng tiêu cực cũng đang xâm nhập vào tư tưởng đạo đức, lối sống cũng như trong học tập của một bộ phận HSSV. Các hành vi bạo lực, tính vị kỉ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác có chiều hướng gia tăng. Nhận thức các vấn đề xã hội chưa sâu, kỹ năng sống chưa hoàn thiện, HSSV chưa có ý thức rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức và xây dựng cuộc sống lành mạnh…
Các cuộc khảo sát trong xã hội cho thấy, đa phần HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường, để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống.
Tại hội thảo, đại diện các phòng GD&ĐT cũng đã chia sẻ những khó khăn, cũng như cách thức triển khai việc thực hiện trong quá trình tiền hành thành lập phòng tham vấn tại các nhà trường.