Một thời điêu đứng
Theo một số nghệ nhân cao tuổi cho biết, vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước, trong một chuyến đi thăm họ hàng ở một làng dệt chiếu nổi tiếng tại Cà Mau, những người phụ nữ ở Cà Hom đã học được cách dệt chiếu do người thân truyền dạy. Trở về quê, những người phụ nữ này đã nhờ chồng làm khung căng sợi, rồi ra đồng cắt lát chẻ nhỏ phơi khô làm nguyên liệu dệt thử.
Ban đầu do tay nghề còn vụng về, những chiếc chiếu dệt ra còn thô, nhưng với họ cốt là để giải quyết nhu cầu sử dụng trong gia đình. Trải qua một thời gian vừa dệt vừa rút kinh nghiệm, cũng như nghề dạy nghề, những chiếc chiếu ngày càng đẹp hơn, mịn hơn, mẫu mã cũng bắt mắt hơn, được khách hàng trong vùng ưa thích và bắt đầu tiêu thụ mạnh.
Không lâu sau, nghề dệt chiếu lan rộng ra cả vùng Cà Hom và Bến Hạ. Nhiều thế hệ phụ nữ truyền nghề đã tạo nên một thương hiệu chiếu uy tín trên thị trường các tỉnh Nam bộ với nhiều chủng loại như chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ…
Từ chỗ tự sản, tự tiêu khi mới ra đời vào thập niên 1920, làng dệt chiếu Cà Hom - Bến Hạ đã sản xuất hàng hóa quy mô lớn và có chỗ đứng vững vàng trên thị trường không chỉ vùng Nam bộ mà cả Campuchia vào những năm 1940, phát triển mạnh vào những năm 1960 của thế kỷ 20. Một vài nghệ nhân cao tuổi còn nhớ, thời ấy ghe thương hồ tấp nập theo dòng sông Hậu vào Bến Hạ neo đậu chờ lấy hàng, nhiều khi phải nằm chờ cả tuần làng nghề mới giao đủ dù đã đặt hàng trước.
Trên thị trường, ở một số địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long thời ấy, sản phẩm chiếu Cà Hom - Bến Hạ có giá cao hơn từ 50% đến 70% so với chiếu Cà Mau cùng chủng loại, mà vẫn không đủ cung cấp hàng. Những năm ấy, ở Cà Hom - Bến Hạ nhà nào cũng có vài khung dệt hoạt động nhộn nhịp hết công suất cả ngày lẫn đêm. Nhưng rồi bước vào thập niên 1970, trên thị trường Nam Bộ xuất hiện tràn ngập sản phẩm chiếu được sản xuất bằng nguyên liệu nylon giá rẻ, đã làm cho sản phẩm chiếu truyền thống Cà Hom - Bến Hạ thực sự điêu đứng.
Sản phẩm chiếu Cà Hom - Bến Hạ |
Hồi sinh ngoạn mục
Tuy nhiên khuyết điểm lớn nhất của chiếu nilon là có độ nóng cao, không rút được mồ hôi gây khó chịu khi nằm, nên chỉ một thời gian ngắn, người tiêu dùng đã quay lại dùng chiếu truyền thống. Nhờ đó mà sản phẩm thương hiệu chiếu Cà Hom - Bến Hạ lại hồi sinh.
Bà Ngô Thị Pho (dân tộc Khmer), một trong những nghệ nhân cao tuổi có công đưa làng nghề dệt chiếu truyền thống Cà Hom - Bến Hạ từ chỗ sắp bị mai một trở thành thương hiệu nổi tiếng như ngày nay cho biết, những năm 1990, trong lúc nhiều người thợ trong làng bỏ nghề, thì bà vẫn nhẫn nại ngồi bên khung dệt.
Chính bà là người đã tìm ra nguyên nhân chiếu Cà Hom - Bến Hạ thiếu sức cạnh tranh với các thương hiệu chiếu khác, đó là do thiếu chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và nghèo nàn về mẫu mã. Bà nhận ra rằng, loại chiếu thô, chiếu trắng đã bắt đầu thiếu sự hấp dẫn đối với khách hàng, từ đó, bà tự mày mò sáng tạo thiết kế hoa văn, phối màu, dệt thử loại chiếu hoa hai mặt, sau bao lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng thì bà cũng đã thành công.
Bước sang thế kỷ 21, đầu những năm 2000, sản phẩm chiếu hoa hai mặt, chiếu hoa có chữ Hán, chữ Khmer khi được chào bán ở chợ đã lập tức được người tiêu dùng ưa chuộng, khách hàng nhiều nơi tìm đến ký hợp đồng tiêu thụ, đã tạo cơ hội cho làng chiếu Cà Hom - Bến Hạ hồi sinh một cách ngoạn mục.
Tiếp tục cải tiến mẫu mã, bà và nhiều nghệ nhân khác trong làng chiếu Cà Hom - Bến Hạ đã thiết kế với sắc màu tinh tế, dệt thành công loại chiếu hoa hai mặt với hình ảnh rất sinh động về những ngôi chùa tháp nổi tiếng của đất nước Campuchia, của cộng đồng Khmer Nam Bộ, được khách hàng là đồng bào Khmer Nam Bộ và Campuchia rất ưa chuộng, tiêu thụ rất mạnh trên thị trường.
Những năm gần đây được sự quan tâm của các ngành chức năng trong tỉnh, làng chiếu Cà Hom - Bến Hạ được phát triển theo mô hình khép kín, với vùng nguyên liệu được quy hoạch trồng trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Hiện toàn xã Hàm Tân có khoảng 30ha đất trồng lác đủ cung cấp nhu cầu về nguyên liệu cho làng dệt chiếu Cà Hom - Bến Hạ.