Mai một nghề cha ông
Dẫn chúng tôi đi, ông Thân Văn Toàn ở thôn Lâm Xuân buồn kể: “Nghĩ đến nghề nghiệp thì cũng có lúc hưng vong nhưng cũng tiếc lắm chú à.
Ngày trước, cả làng có hơn 100 khung dệt, 2/3 số hộ dân trong làng đều theo nghề dệt chiếu, mỗi ngày có hơn 300 sản phẩm được dệt ra đưa đi tiêu khắp vùng Quảng Trị rồi vươn xa hơn vào Huế, ra Quảng Bình…
Thế mà nay, trong làng có 352 hộ dân thì chỉ còn có…2 hộ sống chết với nghề. Sản phẩm làm ra không còn mang bán nữa mà phục vụ nhu cầu trong gia đình mà thôi”.
Đến nhà cụ Trần Thị Nậy (78 tuổi) một trong những “nghệ nhân” cuối cùng của làng Lâm Xuân còn “mặn mòi” với nghề chiếu. Căn nhà lụp xụp nhưng vẫn để một khoảng không gian vừa đủ để bỏ vừa một khung dệt.
Cụ cho biết: “Ngày trước trong làng này từ người già đến lớp thanh niên đều biết đến nghề dệt chiếu, nó đã mang lại bát cơm no ấm cho bao nhiêu người dân trong làng.
Nay làng không còn mấy người làm nghề này nên họ chuyển qua mua chiếu từ các đại lý trong làng, bỏ trên xe đạp bán dạo hay mang ra chợ Cầu bán cho những người có nhu cầu mà thôi”.
Theo cụ Nậy, công đoạn làm chiếu dù thô sơ nhưng lắm công phu. Xưa kia, hai bên triền sông Khánh Hòm là “thủ phủ” của cây lác, cói -Nguyên liệu chính để làm nên tấm chiếu.
Cứ tranh thủ lúc nông nhàn (tầm tháng 2 - 4), người dân đi bứt lác, cói về phơi tầm 3 - 4 nắng to sau đó đem dệt thành chiếu. Từ đôi bàn tay khéo léo lấm bùn đất quanh năm, sản phẩm chiếu Lâm Xuân đã đến với mọi nhà.
Những năm trước, cứ mỗi nhân công trong gia đình có thể làm đươc từ 3 - 4 chiếc chiếu/ngày. Mỗi chiếc bán được 25 nghìn đồng. Chiếu Lâm Xuân có ưu điểm là nằm mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, không nóng như chiếu nhựa, nilon của Trung Quốc hay Thái Lan.
Từ ngày ngăn đập Khánh Hòm đến nay, vùng nguyên liệu không còn nữa, chiếu Lâm Xuân không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng chiếu ngoại nên vì thế mà làng chiếu cũng đã “biến mất”.
Trưởng thôn Thành cho biết thêm, hiện nay tuy không còn giữ được làng nghề truyền thống, nhưng những hộ dân trong làng vẫn tìm kế mưu sinh khác là mua chiếu đi…bán thuê.
Trong làng có 352 hộ thì có đến hơn 50% hộ dân làm nghề này. Nghề bán chiếu kiếm lãi như một sự hoài niệm của thôn dân Lâm Xuân về một làng nghề đan chiếu một thời vàng son nay đã quá vãng!
Làng quạt thoi thóp "thở"
Phương Ngạn (xã Triệu Long) là một làng cổ của đồng bằng vựa lúa huyện Triệu Phong. Trong làng, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp lại là vùng trũng nên quanh năm người dân phải hứng chịu sự giày xéo của thuỷ thần! Từ xa xưa, thôn dân Phương Ngạn đã kiếm cho mình một kế sinh nhai từ các loại hình nghề nghiệp.
Quạt Phương Ngạn xuất hiện từ thuở mới thành lập làng (khoảng thế kỷ 15 - 16). Xưa kia, hầu hết người dân trong làng đều kiếm sống nhờ nghề làm quạt giấy. Sản phẩm của họ làm ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn đến cả kinh thành Huế.
Hỏi về nghề làm quạt giấy hiện nay, ông Nguyễn Thanh Duệ - Trưởng thôn Phương Ngạn - lặng lẽ nhìn ra khóm tre còi cọc trước làng, nói: “Làng quạt nay chỉ còn cái… tên thôi. Chưa bao giờ làng quạt Phương Ngạn đón một cái tết buồn như năm nay.
Trong làng có 169 hộ dân, đến nay không một gia đình nào còn biết đến nghề làm quạt giấy. Khoảng những năm 2008 - 2009, trong làng còn khoảng 20 hộ dân làm, đến nay thì đều bỏ cả. Từ lúc quạt máy thịnh hành đến nay, quạt tay Phương Ngạn cứ “chết yểu” dần dần chú à”.
Dẫu đã hết làm nghề, may mắn sao, hôm chúng tôi đến, tìm khắp làng, duy chỉ có một gia đình còn giữ lại “bó quạt” (nan tre đã đóng thành quạt nhưng chưa gián giấy bổi) được cất giữ trên giàn bếp. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Mãng (67 tuổi).
Bà Mãng cho biết, gia đình bà không làm quạt đã gần chục năm nay, nhưng nghĩ đến làng nghề đang mai một mà tiếc quá nên giữ lại bó quạt làm kỷ niệm.
Gia đình bà Mãng có trên 5 đời làm quạt giấy, đến đời con cụ thì làng quạt Phương Ngạn chết yếu, cả làng không ai còn làm nên nhà bà cũng xếp dụng cụ vào kho.
Loay hoay trên giàn bếp, bà mang xuống cho chúng tôi một “bó quạt” nhuốm màu tro bếp. Làng quạt Phương Ngạn xưa nổi tiếng bởi sản phẩm làm ra rất bền và đạt tính thẩm mỹ cao.
Bà Mãng kể: “Bắt đầu tầm tháng 11 đến tháng Chạp (ÂL) thôn dân Phương Ngạn thường đi mua tre của những hộ dân trong làng mang về cưa ra, hui trên lửa cho khô rồi chẻ thành từng hom (nan tre).
Ra tết xong, những “nghệ nhân” làm quạt tìm đến các vùng bán sơn địa để đào lấy rễ sim mang về sửa sạch, cạo vỏ giã nhỏ rồi ngâm vào hũ sành cũng với nước. Khi nước ngâm từ rễ sim đã đến độ “chín” là có thể mang quệt lên giấy được.
Xưa, giấy được dùng làm quạt là giấy bổi được mua từ ngã tư soòng hay được mang về từ những chiếc thuyền từ Huế ra buôn bán.
Cứ mỗi nhân công trong gia đình có thể làm được 20 chiếc quạt/ngày, mỗi chiếc bán được từ 500 - 1.000 đồng. Như vậy với nghề làm quạt giấy, trước đây thôn dân Phương Ngạn dù không giàu có thì những cũng đủ ăn đủ mặc! Một chút tiếc rẻ cho làng nghề truyền thống, trưởng thôn Duệ buồn buồn: “Trước đây, nghề nghiệp không phụ lòng người chú à.
Những chiếc quạt làm ra đã đổi lấy bát cơm, tấm áo cho thôn dân Phương Ngạn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của sự nghiệp điện khí hoá nông thôn, những chiếc quạt giấy cầm tay không còn thích hợp nữa nên nghề làm quạt Phương Ngạn cũng vì thế mà “chết” theo!”
Hiệu quả cho làng nghề?
Đứng trước thực trạng các làng nghề truyền thống ở Quảng Trị đang mai một đi theo năm tháng, lãnh đạo Sở Công thương Quảng Trị đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và XTTM triển khai đồng bộ các hoạt động khuyến công như triển khai hỗ trợ cho 22 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ 560 triệu đồng, tập trung chủ yếu vào các nội dung đào tạo, truyền nghề và phát triển truyền nghề, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Tuy nhiên, các dự án phát triển làng nghề truyền thống đến nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi nhìn chung làng nghề truyền thống ở Quảng Trị phát triển theo kiểu phong trào, chưa có quy hoạch…
Bên cạnh đó, người lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh tuy dồi dào, nhưng còn thiếu nhân lực quản lý và lao động kỹ thuật.
Theo khảo sát chưa đầy đủ của Trung tâm khuyến công tỉnh, hiện chỉ có 24,2% trong tổng số lao động tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề được đào tạo chính thức. Cho đến nay, giải pháp khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống ở Quảng Trị nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn.