Người phương xa tìm đến vùng đất này tuy không biết rõ địa danh, nhưng chỉ cần rời thị trấn Lấp Vò chừng vài cây số dọc theo sông Hậu, thấy hai bên đường phơi đầy cây lác (cói), là biết đã đến địa bàn làng nghề. Cũng bắt đầu từ đây, đã nghe tiếng khung dệt kêu lách cách đều đều từ đầu thôn đến cuối xóm…
Nghề dệt chiếu và phiên chợ kỳ lạ bên sông
Nghề trồng lác và dệt chiếu đã có ở Định Yên cả trên trăm năm nay, với những khung dệt thô sơ truyền từ bao đời, nhiều gia đình nay vẫn còn lưu giữ, dù công cụ sử dụng bây giờ là những hệ thống máy dệt hiện đại. Nghề truyền thống này hiện tập trung ở 4 ấp của làng: Anh Bình, An Khương, An Lợi A và An Lợi B. Các ấp này có tới 70% hộ dân theo nghề làm chiếu.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Định Yên - cho biết: “Gia đình tôi đã bao đời sinh sống ở vùng đất này. Nghe ông bà kể lại làng chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm, tập trung chủ yếu ở xã Định Yên và Định An. Chiếu Định Yên có hai loại chính: Loại chiếu trơn không nhuộm màu và loại chiếu bông có nhuộm màu. Riêng chiếu con cò và chiếu cưới thì được in hoa trang trí lộng lẫy và cầu kỳ hơn”.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng cũng tự hào cho biết, hàng năm các hộ dân nơi đây cho ra đời hàng triệu sản phẩm chiếu hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc. Tuy vậy, anh Tùng bật mí, nếu đến Định Yên mà chỉ biết về mỗi nghề dệt chiếu thì quá đáng tiếc. Định Yên còn nổi tiếng bởi một thứ nữa: “Chợ… ma”!
Nghe tên gọi là thế, nhưng thực tế đây chỉ là phiên chợ bên bến sông, bởi chỉ họp vào ban đêm nên người dân nơi đây gọi là “chợ ma”. Mỗi phiên chợ, có cả trăm ghe thuyền thương hồ buôn chiếu từ nhiều nơi đổ về lấy hàng (chủ yếu là chiếu). Trong ánh sáng lung linh, mờ ảo của những ngọn đèn chong leo lét, thuyền ghe thương hồ cắm sào đậu san sát dưới bến sông.
Theo giải thích của các bậc cao niên, sở dĩ chợ chiếu thường nhóm họp vào ban đêm là để trốn đóng tiền góp (một hình thức thu thuế cách nay đã lâu). Ban đêm tranh tối tranh sáng, chủ chợ không thể nào kiểm soát nổi mức độ mua bán của những người đến với chợ chiếu để ấn định mức thu. Lâu dần thành tập tục, chợ vẫn chỉ họp đêm và dù đèn điện khắp nơi, nhưng chợ “ma” vẫn nhóm ở chỗ bến sông tối mờ mờ.
Cũng có người cho rằng, vì ban ngày người sản xuất bận làm chiếu, thương lái bận đi mua bán do đó việc họp chợ chỉ diễn ra vào ban đêm và “chợ ma” đã ra đời. Dù cách giải thích có khắc nhau như thế nào nhưng phải khẳng định một điều, “chợ ma” là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Định Yên mà không phải nơi nào cũng có được.
Lưu giữ nghề truyền thống
Chị Ngô Thị Kim Mười - chủ cơ sở sản xuất Thanh Hùng - chia sẻ, công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và tỉ mẩn. Nếu không yêu nghề thì khó bám trụ lâu dài. Mỗi động tác dệt được kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa 2 người thợ. Có được chiếu thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn cực nhọc và kỹ lưỡng như chọn lác, nhuộm màu, phơi, thiết kế hoa văn, dệt, bẻ vành, viền… Trong các loại chiếu thì chiếu bông và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo.
“Sản phẩm chiếu Định Yên có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã đa dạng và phong phú, gồm chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vảy ốc, chiếu cổ. Mỗi loại chiếu có chiều dài thống nhất 2m, chiều ngang từ 1,4m - 1,6m, giá bán tùy theo chủng loại, kích cỡ”, chị Kim Mười nói.
Dù vất vả và đối mặt với bao thách thức, người dân Định Yên vẫn chung thủy với nghề truyền thống. Bộ mặt nông thôn Định Yên càng thêm tươi trẻ bởi sắc màu rực rỡ của những đôi chiếu hoa mang lại, không chỉ ở giá trị vật chất, mà còn ở giá trị tinh thần cha ông trao truyền lại. Đó cũng là lý do mà vào năm 2013, Bộ VH - TT&DL đã qua quyết định công nhận làng nghề dệt chiếu Định Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Định Yên có vựa chiếu to/ Lấy chồng xứ ấy khỏi lo chiếu nằm” - Thầy Nguyễn Thanh Tùng ngâm nga câu ca dao cổ của làng; đồng thời cho biết từ xưa đến giờ, không ít cô gái từ vùng đất khác lấy chồng về Định Yên làm dâu đã trở thành những cô thợ đan chiếu giỏi giang. Màu chiếu Định Yên, màu của nét đẹp văn hóa nơi đây qua bao thăng trầm vẫn thắm đượm son sắt: “Sông sâu bên lở bên bồi/ Tình anh bán chiếu trọn đời không phai”.