Ngày thường ở đảo Tiên Nữ
Ở giữa biển khơi mênh mông, bất ngờ có những rạn san hô nhô lên. Khi thuỷ triều xuống, các rạn san hô này có thể được nhìn thấy một phần trên mặt nước. Nhưng khi thuỷ triều dâng lên, tất cả đều chìm trong biển nước. Giữa các bãi rạn san hô, quân và dân đã xây nên những đảo chìm. Hầu hết các đảo chìm ở Trường Sa đều được xây theo mẫu là 2 toà nhà hình bát giác cách nhau chừng 200 mét, nối bằng một cây cầu để phục vụ mục đích phòng thủ quân sự. Do nằm ở vị trí xa xôi, việc xây dựng khó khăn nên các căn nhà này có diện tích không lớn, chỉ khoảng vài trăm mét vuông, trên nền bê tông khoảng hơn ngàn mét vuông.
Tủ sách trên đảo Tiên Nữ
So với đảo nổi, cuộc sống đảo chìm khó khăn và gian khổ hơn. Thế nhưng, khi lên đảo Tiên Nữ, tôi rất bất ngờ vì những trang thiết bị trên đây. Nhờ sự quan tâm chia sẻ của đồng bào cả nước, hiện nay trên các đảo chìm cũng có tivi vệ tinh (xem được đài K+) và cả sách, báo để cán bộ chiến sĩ đọc. Do diện tích đảo chìm quá nhỏ hẹp, lại phải phục vụ công tác phòng thủ, nên bất kể mưa nắng, gió bão luôn có các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác 24/24 giờ.
Pha vội ấm trà tiếp khách, chiến sĩ Nguyễn Đình Phong (19 tuổi) quê ở Vạn Giã (tỉnh Khánh Hoà), chia sẻ, ban đầu mới ra đảo ai cũng rất buồn. Trên đảo nổi thì còn có thể liên lạc qua điện thoại với bè bạn, người thân, chứ ở đảo chìm, mọi thông tin liên lạc đều phải qua thiết bị vệ tinh và dành cho công việc. Thế nhưng khó khăn nhất mà cán bộ chiến sĩ đảo chìm đối mặt là những tháng mùa mưa, kéo dài từ tháng sáu, tháng bảy cho tới hết năm.
Mưa bão nhiều, việc tiếp tế khó khăn do các tàu lớn khó tiếp cận bãi rạn san hô, trong khi tàu nhỏ thì không chịu được sóng to gió lớn. Thế nên, cũng như các đảo chìm khác, cán bộ chiến sĩ ở đảo Tiên Nữ cũng phải canh tác thêm rau xanh. Chủ yếu là các loại rau cơ bản, dễ sống, được các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao nhân giống, gửi ra. Ngoài ra, các chiến sĩ trên đảo còn nuôi thêm heo, gà vịt, để có dịp đặc biệt thì bổ sung nguồn thực phẩm. Mặc dù giống rau hay gia súc gia cầm được đưa ra ở đảo chìm không khó nhưng duy trì sự sống của chúng lại không hề dễ. Với vườn rau, cán bộ chiến sĩ phải tiết kiệm nước ngọt tối đa, sử dụng nước tắm xong để tưới rau.
Với gia súc, việc cho chúng ăn cũng nan giải, khi bốn bề đều là nước mặn. Nước ngọt, nếu không phải mùa mưa thì vô cùng hiếm hoi. Trái lại, cá biển ở các đảo của Trường Sa đều rất phong phú. Thậm chí có đợt đánh bắt được nhiều, cán bộ trên đảo còn làm lồng nhốt cá ở dưới biển để ăn dần.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tại các đảo chìm đều có gắn thêm các tấm pin năng lượng mặt trời để tạo ra điện, phục vụ đời sống cán bộ chiến sĩ trên đảo. Ban ngày, điện được tích lại trong hệ thống bình ắc-quy để dành thắp sáng phục vụ công việc và sinh hoạt. Nhờ ánh sáng điện năng mà đời sống cán bộ chiến sĩ cũng bớt đi phần nào gian khổ, vất vả.
Hệ thống điện Mặt trời ở đảo chìm Đá Lát |
Những thợ lặn đảo Đá Lát
Như đã nói ở trên, do diện tích quá nhỏ bé nên đảo chìm không có người dân, chỉ có cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, gìn giữ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trong chuyến hải trình dài hơn 1.150 hải lý tới thăm nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tôi đã gặp rất nhiều ngư dân ven đảo chìm Đá Lát. Đây là một trong những hòn đảo có vị trí quan trọng nằm cách đảo Trường Sa lớn khoảng 10 hải lý.
Theo các cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Lát, thời gian từ sau Tết tới tháng 7, tháng 8 là mùa khai thác hải sản chính của ngư dân trong vùng. Nơi đây vừa là ngư trường, vừa là nơi neo đậu tàu thuyền, đồng thời cũng có cả những ghe “tải” từ bờ ra chuyên mua bán hải sản và tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt. Đó là lý do khu vực quanh đảo luôn nhộn nhịp ghe tàu, không khác gì những cảng cá lớn.
Đặc biệt, tại bãi rạn san hô quanh đảo Đá Lát, chúng tôi gặp rất nhiều ngư dân làm nghề lặn biển đang hối hả với công việc của mình. Họ ở Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận chuyên săn tìm những sản vật như hải sâm, ốc biển, trai ngọc. Theo những ngư dân này, ngư trường ở vùng biển Trường Sa nói chung và khu đảo Đá Lát nói riêng rất phong phú. Ngoài các loại cá tôm thì sản vật khác cũng rất nhiều và chất lượng tốt. Anh Nguyễn Văn Thắng, ngư dân ở huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) cho biết, năm nào cũng vậy, sau Tết anh cùng bạn thuyền thường ra khu vực các đảo ở Trường Sa lặn bắt ốc và hải sâm, tôm biển.
“Ở đây hải sản phong phú, chất lượng tốt nên mỗi chuyến biển, kéo dài khoảng 5-7 ngày mang đến cho ngư dân hàng chục triệu đồng. Nghề lặn có đặc điểm là sau khi đi ghe lớn tới ngư trường, ngư dân tách ra theo nhóm trên những ghe, thúng nhỏ để săn bắt. Thế nên, dù mang lại thu nhập nhưng giữa đại dương mênh mông, rất nhiều nguy hiểm chực chờ ngư dân. Đó là lý do họ cần tới những cánh tay của những người lính hải quân trên đảo. Bởi mọi chuyện làm ăn kể trên của họ không thể nào duy trì được, nếu không có các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh gác, bảo vệ vùng biển trời xa xôi này.
Thực tế, việc các ngư dân đánh bắt xung quanh đây lên đảo gặp gỡ, hay trao đổi nhu yếu phẩm và các loại hải sản với chiến sĩ trên đảo là chuyện khá bình thường, nhất là những tháng bắt đầu mùa mưa bão, sóng gió. Và, chỉ những ai trải qua cảm giác giữa đại dương mênh mông cách đất liền mấy trăm cây số mới hiểu, sự gắn bó, nương tựa vào nhau của quân và dân trên những hòn đảo chìm nhỏ nhoi mà vững chắc giữa trùng khơi cần thiết, quý báu đến mức nào.
Tàu thuyền của ngư dân đánh bắt quanh đảo Đá Lát dưới sự hỗ trợ của các chiến sĩ hải quân |