Thăm thẳm Ánh Hoa

GD&TĐ - Gương mặt hiền lành đến khắc khổ cùng đôi mắt vời vợi buồn của nghệ sĩ Ánh Hoa trong các vai diễn đã để lại trong lòng công chúng những thăm thẳm chẳng thể nào quên.

Cuộc đời đầy đau khổ của nghệ sĩ Ánh Hoa như “vận” vào nghiệp diễn.
Cuộc đời đầy đau khổ của nghệ sĩ Ánh Hoa như “vận” vào nghiệp diễn.

Gia đình nghệ sĩ Ánh Hoa thông tin, gương mặt quen thuộc trong nhiều tác phẩm sân khấu và truyền hình, điện ảnh - qua đời lúc ngày 1/11 tại nhà riêng ở Quận 7, TPHCM.

Sóng gió tình duyên

Nghệ sĩ Ánh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1941. Là con nhà nòi với ba mẹ là cặp nghệ sĩ cải lương Văn Danh - Ánh Nguyệt. Diễn viên Ánh Hoa từng chia sẻ với đông đảo công chúng về sự nghiệp của mình khi biết hát trước biết nói. Bởi vậy 7 tuổi bà đóng vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, lên 12 đóng Na Tra tuồng Na Tra lóc thịt.

Nhờ năng khiếu diễn xuất và ca hát nên Ánh Hoa mang danh thần đồng Nam Bộ. Càng lớn, bà ca càng hay và đi vào lòng người nên các nghệ sĩ Nam Bộ đặt cho Ánh Hoa biệt danh “Út Trà Ôn 2” vì cách hò vọng cổ êm và buồn giống hệt vua vọng cổ.

Hát hay, xinh đẹp lại cũng thuộc gia đình có tăm tiếng nên Ánh Hoa lọt vào mắt nhiều tài tử thời bấy giờ. Bà phải lòng nghệ sĩ Minh Chí với tất cả xuân xanh và tình yêu trọn vẹn.

Bà quen cố danh ca thời đóng “Đầu xanh vương khổ hận”. Từ khi quen biết, Ánh Hoa đã coi nghệ sĩ Minh Chí như một người anh cả trong gia đình và “ông bầu” trong các đoàn nghệ thuật. Thế rồi Ánh Hoa nảy sinh tình cảm với Minh Chí sau những lần ca diễn chung đôi.

Chuyện tình cảm của cặp đôi nghệ sĩ Nam Bộ từng một thời là chủ đề bàn tán bởi những sóng gió lạ lùng. Nghệ sĩ Minh Chí từng phải hầu tòa vì bị bố Ánh Hoa tố cáo. Bà bầu 6 tháng cũng là lúc chồng đi tù, lúc Minh Chí ra tù thì bà đã sinh con gái đầu lòng.

Chuyện tình rầm rộ hủy hoại sự nghiệp của Minh Chí. Ông nỗ lực quay lại nghề, lập gánh hát 2 lần vẫn sớm tan rã. Khi cay đắng nhận ra mình không còn đường quay lại, Minh Chí buông bỏ nhưng chưa từng oán thán hay trách Ánh Hoa.

Sau những tháng ngày vật lộn với nghệ thuật, vợ chồng Ánh Hoa - Minh Chí mua trả góp căn nhà nhỏ gần cầu chữ Y (Quận 8, TPHCM). Bà nghỉ hát, bán cơm tấm, vợ chồng đỡ đần nhau sống qua ngày. Quán cơm tấm nổi tiếng đến mức trong khu vực cứ hỏi người dân là biết.

Một hôm nọ, đang lúi húi nấu cơm Ánh Hoa được lời mời từ đoàn phim “Người tình” (đạo diễn Jean Jacques Annaud). Sau đó, bà tiếp tục đóng một vai nhỏ trong “Mùi đu đủ xanh” (đạo diễn Trần Anh Hùng) ở Pháp. Ánh Hoa lòng đầy hân hoan, nghĩ sẽ kiếm được tiền trả hết tiền mua nhà.

Nghệ sĩ Ánh Hoa trong vai bà Ty hiền lành trong phim “Mùi đu đủ xanh”.
Nghệ sĩ Ánh Hoa trong vai bà Ty hiền lành trong phim “Mùi đu đủ xanh”.

Thăm thẳm nỗi buồn

Hai tháng sau, Ánh Hoa về, vui vầy chưa bao lâu thì chồng đổ bệnh. Đúng 10 ngày sau ông mất, đó là vào năm 1995. Khi ấy mọi thứ ập đến quá nhanh bà thấy tiền bạc, danh vọng, và mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa.

Bà từng tâm sự về những lần hụt hẫng khi chứng kiến chồng con lần lượt ra đi: “Cái chết ập đến gia đình tôi bao giờ cũng choáng váng, đột ngột và thảng thốt. Tôi nhớ gương mặt non nớt, xanh xao của đứa con gái lên 10 với ánh nhìn trân trối ám ảnh. Nó đau 5 ngày rồi đi lặng lẽ”.

Đó là cái chết của con gái đầu lòng mất ngay hôm 30 Tết. Thế rồi, 3 người con còn lại của bà cũng lần lượt qua đời. Con thứ 2 mất năm 2016, con thứ 3 mất năm 50 tuổi. Khi trong nhà chỉ còn hai mẹ con thui thủi, con trai út của bà qua đời năm 24 tuổi do tai nạn.

Bà Nguyễn Thị Nở - em gái nghệ sĩ Ánh Hoa nói rằng, sau những ra đi rất bất ngờ của người thân khiến căn nhà trống hoác. “Chị tôi Ánh Hoa đã bán đi ngôi nhà, lấy tiền lãi hàng tháng thuê 1 căn nhà ở đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TPHCM). Chị tôi sống đơn độc, thỉnh thoảng tôi và các cháu qua ăn cơm chung. Suốt 20 năm qua, cuộc sống của chị tôi cứ thăm thẳm buồn”.

“Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng/ Được, mất, bại, thành bỗng chốc hoá hư không” là hai câu thơ mà nghệ sĩ Ánh Hoa không chỉ thích, mà còn như vận vào đời. Cuộc đời bà, vinh hoa cũng nhiều mà cay đắng cũng lắm. Đó là một cuộc đời với những bi kịch không dễ tỏ lộ.

Sống xen kẽ với những khổ đau, nên trong sự nghiệp diễn xuất của nghệ sĩ Ánh Hoa với hơn 60 bộ phim, bà luôn thủ những vai đau buồn như: Bà mẹ khắc khổ, lão bà cô độc.

Công chúng còn dễ thấy những bộ phim đã đi vào “từ điển” điện ảnh Nam Bộ: Người đẹp Tây Đô, Xóm nước đen, Đất phương Nam, Đồng tiền xương máu, Mùa len trâu... với gương mặt một Ánh Hoa phúc hậu đấy nhưng cứ thăm thẳm buồn.

Giới điện ảnh tổng kết, trong suốt sự nghiệp diễn xuất Ánh Hoa đã đóng hơn 200 vai lão. Bà diễn bi nhiều, khóc nhiều, về già thì nước mắt “như sương đêm hè”, chẳng khóc mà nước mắt tự chảy ra, chưa buồn mà mắt đã nhoè lệ. Ánh Hoa đóng những vai này dẫu lay động lòng người nhưng không cần diễn nhiều. Vì lẽ, đời bà vốn buồn hơn bất cứ cuốn phim nào trong sự nghiệp của mình rồi.

“Đợt mùa dịch thì chị tôi còn lai rai đi đóng phim này phim kia. Rồi mới đây chị bị tai biến nằm bệnh viện 20 ngày. Về nhà cũng đang tập vật lý trị liệu. Mọi chuyện tưởng ổn nhưng khi chị ho ra tí máu thì dấu hiệu ra đi rất nhanh mà không ai ngờ. Chị tôi ra đi như ngủ, một mình đơn độc”, em gái diễn viên Ánh Hoa, bà Nguyễn Thị Nở cho biết.

“Chị Ánh Hoa là một nghệ sĩ cải lương đặc biệt, tài hoa. Đối với vai bà mẹ Lão Bà trong vở “Kiều Nguyệt Nga”, không ai có thể làm tốt hơn chị ấy” - Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ