Cũng bởi từ truyện khoa học viễn tưởng này, độc giả có thể lĩnh hội những thông điệp giá trị, nhất là: thất bại sẽ luôn song hành với tham lam!
Tác phẩm “Bột mì vĩnh cửu” của tác giả Alexander Romanovich Belyaev được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ 2 và ra mắt độc giả với lời dịch của Lê Khánh Trường và Phạm Đăng Quế.
Cuốn sách gồm 12 chương, kể lại câu chuyện về “bột mì vĩnh cửu” - một sáng chế viễn tưởng, với mong muốn giải quyết nạn đói cho toàn nhân loại của Giáo sư Breuer, nhưng đã bị lợi dụng và gây ra thảm họa toàn cầu.
Lòng tham không đáy
Mở đầu cuốn sách là hình ảnh bìa được trình bày bởi Tạ Huy Long và Vũ Xuân Hoàn. Bức tranh đã dành tới gần nửa diện tích chỉ để tô màu trắng - tượng trưng cho “bột mì vĩnh cửu”.
Và màu trắng ấy tràn lan, che lấp tất cả, có chăng chỉ còn một phần nóc của nhà thờ cố gắng nhô lên, phải chăng tượng trưng cho sức tàn phá khủng khiếp của phát minh của Giáo sư Breuer?. Đó cũng chính là hình ảnh của thế giới, sau khi con người chỉ biết ghen tị, tham lam vì những cục bột mì vĩnh cửu?
Ludwig ghen tị khám xét nhà lão Hans được minh họa trong truyện dài 'Bột mì vĩnh cửu'. Ảnh: Tấn Quyết. |
Lòng tham, sự ghen tị là một thuộc tính của con người. Những người biết kiềm chế điểm yếu của chính mình sẽ tạo nên một cộng đồng sống hòa hợp, luôn biết yêu thương, chia sẻ. Bằng không, sẽ là những nghi ngờ, đố kỵ, xoi mói khiến cho mọi người trở nên mất đoàn kết, đó cũng chính là cộng đồng mà tác giả Belyaev đã xây dựng nên.
Trước hết, có thể kể đến tình tiết đoàn người đánh cá, dẫn đầu bởi Frid và Ludwig đến lục soát ngôi nhà của lão Hans chỉ vì lão trở nên béo tốt hơn so với bình thường.
Khi tìm thấy “bột mì vĩnh cửu” trong nhà lão ta, mọi người đòi phải lấy đó làm của chung. Đây chính là biểu hiện đầu tiên của một tập thể mất đoàn kết: Khi thấy người khác trở nên khỏe mạnh hơn hay giàu có hơn liền ghen tị và chèn ép bằng được để có được bí mật dẫn đến hành công.
Tiếp theo, độc giả có thể để ý tới Rodenshtok cùng Krigman với thương vụ làm giàu từ phát minh đặc biệt kia để cùng lật mở biểu hiện thứ hai của những con người mất đoàn kết: Một khi đã có được bí kíp của thành công, họ sẽ tìm cách đánh sập người khác và độc chiếm sự thành công đó.
Cứ nhìn cách Rodenshtok và Krigman tìm cách thu vét đến gam “bột mì vĩnh cửu” cuối cùng: Từ dụ dỗ bằng tiền cho tới dựng lên những nơi vui chơi trá hình, tất cả chỉ vì mục đích duy nhất: Độc quyền kinh doanh loại bột mì thần kì này. Thậm chí, những cảnh báo Breuer đưa ra đều trở nên vô ích khi con người đã bị mờ mắt bởi tiền và lợi nhuận của thứ bột này.
Cùng nhau vượt qua thử thách
Cuốn truyện khoa học viễn tưởng 'Bột mì vĩnh cửu' đem đến lời cảnh tỉnh về việc kiềm chế lòng tham... Ảnh: Tấn Quyết. |
Alexander Romanovich Belyaev (16/3/1884 - 6/1/1942) là nhà văn Xô viết (cũ), chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng, và được coi là “Jules Verne của nước Nga”. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: “Đầu giáo sư Dowell”, “Người cá”, “Người bay Ariel”, “Người bán không khí”, “Bột mì vĩnh cửu”…
Rồi như câu tục ngữ: “Gieo gió ắt gặt bão”, những người gây ra và không tuân theo sự cảnh báo của nhà phát minh cũng sẽ có ngày tự phải hứng chịu lấy hậu quả. Vì phát minh mới trong giai đoạn thử nghiệm, nên bột đã nở nhanh một cách bất thường và gần như phủ kín khắp bề mặt Trái đất, kể cả đại dương bao la.
Những người đánh cá năm xưa từng khám phá ra bí mật của lão Hans cũng trở nên điêu đứng khi bột đuổi họ ra khỏi ngôi nhà của chính mình. Các đất nước xảy ra xung đột chỉ vì dám đổ trộm sang đất nước của nhau thứ bột mì khủng khiếp ấy. Thế giới phải đứng trước tình huống “có một không hai”: Một thứ tưởng chừng hiền lành, vô hại như bột mì bỗng chốc “xâm chiếm thế giới”.
Thật may mắn, trên thế giới không chỉ tồn tại toàn những con người tham lam. Tác giả đã lấy hình tượng nhân vật Giáo sư Breuer tượng trưng cho những nhà khoa học đã cùng nhau nghiên cứu để vượt qua thảm họa này. Những dấu chân xuất hiện trên hình ảnh bìa như muốn nói rằng chắc chắn con người sẽ vượt qua được thảm họa này và cùng nhau làm lại từ đầu.
Chỉ trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, tình cảm của con người mới được bộc lộ. Giáo sư Schmith tuy là người đầu tiên có thể chế ngự được “bột mì vĩnh cửu”, nhưng ông đã chủ động nhường lại niềm vinh dự đó cho Giáo sư Breuer – cha đẻ của phát minh ban đầu.
Rồi khi Giáo sư Breuer có ý định tự sát, ông liền động viên người bạn mình với những lời lẽ tích cực về một tương lai tươi sáng. Chương cuối của cuốn sách được tác giả sử dụng như muốn nói về lòng hoàn lương của con người qua hình ảnh đoàn người đánh cá ra khơi, và quên đi những gì họ đã làm với bột mì vĩnh cửu. Tác giả vẫn luôn tin rằng mọi người trên thế giới này sẽ có lúc nhận ra sai lầm của mình và hối cải.
Tác phẩm “Bột mì vĩnh cửu” đã trở thành lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về tác hại của lòng tham lam. Tác phẩm càng trở nên quý giá hơn trong cuộc sống hiện nay, khi nhiều người tìm cách trục lợi để có được điều mình mong muốn.
Một câu chuyện nhỏ về một phát minh viễn tưởng nhưng chắc chắn sẽ đủ để răn đe những con người mờ mắt vì lợi ích cá nhân vì khi làm như vậy, họ cũng sẽ chỉ nhận lại được những kết cục như trong câu chuyện mà thôi.
Với tác phẩm “Bột mì vĩnh cửu”, tác giả Belyaev vừa giúp độc giả thư giãn qua những câu văn sinh động, dí dỏm, vừa để lại bài học về lòng tham lam rất đáng suy ngẫm. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cần kiềm chế lòng tham trong mỗi người, từ đó giúp cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.