Năm 2024, nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam được đánh giá bởi sự đột phá với hàng loạt chương trình có doanh thu trăm tỷ đồng, góp phần đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Một năm đột phá
Mới đây, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc về các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa và hoạt động của các nhà hát năm 2025. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, quốc tế hóa văn hóa Việt Nam đi đôi với bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua các chương trình nghệ thuật chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2024 nghệ thuật biểu diễn có nhiều khởi sắc, là điểm sáng của văn hóa nghệ thuật nước nhà với nhiều hoạt động “bùng nổ”, góp phần khơi dậy, đưa lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trở thành ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.
Theo Cục Bản quyền tác giả, công nghiệp văn hóa đã mang lại giá trị gia tăng, đóng góp cho nền kinh tế, thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Trong đó, sự đóng góp của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có sự đột phá bất ngờ với hàng loạt chương trình được xây dựng bài bản, chuyên nghiệp, đem về doanh thu trăm tỷ đồng.
Trong năm 2024, Nhà hát Tuổi trẻ thu về khoảng 8,5 tỷ đồng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có doanh thu 14 tỷ đồng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đạt 16 tỷ đồng, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thu 25 tỷ đồng, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thu về tới 30 tỷ đồng…
Các chương trình âm nhạc với quy mô lớn, được đầu tư, tổ chức thường xuyên: Những thành phố mơ màng, Genfest, HAY Glamping Music Festival, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô; các show của nghệ sĩ nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Vũ... đã và đang mang những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn chất lượng, thu hút hàng chục vạn khán giả.
Đáng chú ý là các chương trình truyền hình thực tế, như: Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng; Anh trai vượt ngàn chông gai; Anh trai say hi… đã làm thay đổi xu hướng giải trí của khán giả Việt Nam. Các chương trình được xây dựng chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, tạo ra được trào lưu tích cực, nhất là giúp khán giả trẻ đổi hướng đến thần tượng các “ngôi sao nội địa”.
Từ bài học BlackPink (Hàn Quốc) đầu tư 2 đêm trình diễn tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) thu hút gần 70.000 khán giả, đem về doanh thu 13.660.064 USD (hơn 333,4 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp Việt, do người Việt đầu tư đã mạnh dạn “đổ tiền” vào các concert quy mô lớn, thu hút được đông đảo khán giả, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như concert “Anh trai say hi” lần lượt diễn ra tại Hà Nội và TPHCM vào cuối năm 2024 với giá vé từ 500.000 đồng tới 10 triệu đồng vẫn thu hút hàng trăm nghìn khán giả. Tuy chưa có một công bố chính thức nào về doanh thu, song concert đã đem lại những hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Phát huy và tiếp nối những “bùng nổ” mà lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã đạt được trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục là một trong những ngành chủ lực, giúp công nghiệp văn hóa tăng trưởng; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội.
Để tạo bệ phóng thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, phải sớm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hóa, bởi hiện nay nghệ thuật biểu diễn chưa có luật điều chỉnh mà chỉ có các nghị định. Việc hoàn thiện thể chế sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng yêu cầu phải có kế hoạch hành động. Hành động phải quyết liệt, chỉ bàn làm - không bàn lùi, đổi mới tư duy và cách tiếp cận. Bên cạnh đó, phải huy động nguồn lực, hỗ trợ tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật, đơn vị tổ chức sự kiện tư nhân tham gia vào quá trình sáng tạo sản phẩm văn hóa, xuất khẩu văn hóa, nhất là nghệ thuật xiếc, múa rối, âm nhạc trẻ, đương đại.
Trước nhu cầu quốc tế hóa văn hóa Việt Nam đi đôi với bảo tồn các giá trị truyền thống, những chương trình nghệ thuật được xây dựng để biểu diễn ở nước ngoài phải mang đậm bản sắc dân tộc, tập trung vào những thị trường có nhiều người Việt Nam sinh sống, tổ chức ở các quốc gia Việt Nam đã ký kết văn kiện hợp tác về văn hóa.
Đồng thời, giữa hai lĩnh vực du lịch và biểu diễn nghệ thuật cũng có mối quan hệ tương hỗ. Mỗi nhà hát phải lựa chọn sản phẩm tinh túy nhất, chủ động hợp tác với các đơn vị để đưa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Các loại hình mới như biểu diễn thực cảnh, tái hiện lại nét văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử đã góp phần đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới; phát huy tối đa giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc, tạo thêm sản phẩm độc đáo cho du lịch văn hóa của các địa phương.
“Chúng ta phải có được các chương trình nghệ thuật, vở diễn đặc sắc để biểu diễn tại các điểm đến du lịch được du khách ưa thích; phối hợp với các doanh nghiệp có điểm du lịch để đưa sản phẩm văn hóa đến những địa chỉ này, nâng cao trải nghiệm cho du khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ VH,TT&DL, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP; đến năm 2045 doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động để trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á. Đồng thời, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ thuật biểu diễn không bao giờ được tách rời khỏi những chất liệu truyền thống và ý thức sáng tạo, mà cần kết hợp để duy trì dòng chảy văn hóa đất nước. Thành công của show “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” đã cho thấy cách làm hay, mô hình đẹp… để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.