Theo chuyên gia, điều đơn giản nhất, có lẽ là hãy để trẻ được đọc và viết những gì mà mình yêu thích.
Yêu văn học trong thời công nghệ số
Những trẻ gặp khó khăn khi học Văn thường là trẻ không có nhiều vốn từ, cũng như chưa biết cách diễn đạt ý tưởng của mình. Để giúp trẻ bồi đắp thêm vốn từ hàng ngày thì việc trò chuyện với trẻ, hoặc đưa trẻ ra ngoài quan sát sẽ giúp chúng hình thành kho từ vựng một cách tự nhiên.
Hiện nay, cuộc sống hiện đại nên có nhiều phương tiện giải trí vui chơi và học tập hấp dẫn khiến các bậc phụ huynh thường lệ thuộc vào đó. Khi con đi học về nhiều bố mẹ mở băng đĩa siêu nhân hay trò chơi cho con xem mà không hiểu rằng, văn học là một phương tiện giáo dục hết sức tinh tế, có khả năng tác động sâu sắc vào tâm hồn, tư tưởng, nhận thức của con người.
TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: “Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống bạn cần dùng ngôn ngữ khéo léo để dạy con. Rủ rỉ kể cho con những câu chuyện hay góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách và dạy con thành người trung thực. Tìm hiểu cách dạy con qua các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn sẽ là những bổ sung hữu ích cho các bậc phụ huynh trong suốt quá trình nuôi dạy con cái từ nhỏ đến khi trưởng thành”.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, điều quan trọng là hiện nay, cha mẹ phải biết gây hứng thú với trẻ trong việc đọc tác phẩm văn học giữa bao nhiêu trò chơi trên Internet và những thú vui khác đang lôi kéo chúng xa rời việc đọc sách. Bởi, tình yêu văn chương phải được hun đúc từ trong gia đình, trong đó vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng.
Một người mẹ biết đọc cho con nghe các câu ca dao, những câu chuyện cổ tích và giải thích cho con nhỏ hiểu nội dung những câu chuyện, câu ca dao ấy... giúp trẻ khám phá ra những điều kì diệu của cuộc sống.
Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng nhất để giáo dục trẻ em trở thành những con người có sự phát triển toàn diện về nhân cách.
TS Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng: “Không phải trẻ em bây giờ không thích nghe kể chuyện, những câu chuyện dân gian bao giờ cũng làm các em thích thú. Các em nghe rất chăm chú. Những câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, “Thầy bói xem voi”, “Rùa và Thỏ”... đã thân quen, thế nhưng các cô kể đi kể lại các em vẫn thích. Trong gia đình các em vẫn ít được nghe bởi bố mẹ quá bận rộn với công việc mà không biết rằng những câu chuyện ấy có tác dụng rất tốt cho sự hình thành nhân cách của con”.
Theo TS Thanh, khi bạn muốn dạy con đức tính kiên nhẫn và không chủ quan - bạn có thể dạy con qua câu chuyện “Cuộc đua giữa rùa và thỏ”; khi bạn muốn dạy con tránh tham lam, bạn có thể kể cho con câu chuyện “Con chó và cục xương”; hoặc bạn muốn dạy con bài học về sự đoàn kết, câu chuyện ngụ ngôn “Bó đũa” sẽ rất phù hợp, hay để dạy cho trẻ đức tính linh hoạt, không cứng nhắc cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện “Cây Sồi và cây Sậy”....
Có rất nhiều những câu chuyện như vậy được ông bà đúc kết lại theo suốt chiều dài lịch sử. Ở lứa tuổi mầm non với tâm hồn ngây thơ, trong sáng, chưa có nhiều những trải nghiệm cá nhân, nhận thức về thế giới xung quanh còn ở mức cảm tính... thì việc tiếp xúc với cái đẹp lấp lánh của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong tác phẩm văn học sẽ là cơ sở để các em rung động, cảm nhận được vẻ đẹp của một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc, sự huyền bí.
Trong truyện cổ tích, trẻ sẽ gặp bà tiên, ông Bụt tốt bụng, những nàng công chúa, hoàng tử xinh đẹp với tâm hồn trong sáng. Trong thần thoại bắt gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật, ở đó, hoa quả, cây lá hiện lên một cách sinh động thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Khi trẻ tiếp xúc với tác phẩm, ngôn từ của trẻ cũng trở nên phong phú và sống động hơn. Các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm.

Được viết những gì mình thích
Cô Phan Hồ Điệp (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) từng chia sẻ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm để dạy con trên trang cá nhân, trong đó có bí quyết giúp trẻ yêu thích học môn Văn cũng như nuôi dưỡng tình yêu với văn chương, cảm xúc.
Theo cô Phan Hồ Điệp, hãy lôi kéo sự hứng thú với môn Văn của con thông qua việc cho trẻ được viết về những gì trẻ thích: Ví dụ con mê siêu nhân, vũ trụ, mê động vật, thực vật... bạn hãy ra những chủ đề đó. Hãy viết về siêu nhân trong trí tưởng tượng của con/ Nếu được làm một cái cây, con chọn làm cây gì, hãy miêu tả về “con - cái cây” đó cho mọi người cùng biết.
Trẻ con rất thích tưởng tượng nên hãy tận dụng tối đa điều này để khích lệ trẻ viết: Tưởng tượng và kể chuyện về một con mèo biết nói tiếng người/Tưởng tượng một buổi sáng tỉnh dậy và thấy các con cá đang đi bộ trên đường rồi kể lại...
Trẻ con cũng rất thích “thay đổi thế giới”, hãy cho chúng được thực hiện điều này nhờ việc viết ra: Nếu con làm bộ trưởng/làm phi hành gia/làm người máy... con sẽ làm những gì.
Trẻ cũng cực kì thích những điều kì lạ, thú vị, hấp dẫn: Hãy tìm hiểu và viết lại về cái cây ăn thịt người/ động vật sống lâu nhất/ loài cây phát sáng.
Ngay từ khi con bắt đầu học viết văn, hoàn toàn có thể hỗ trợ con viết bằng những bước sau:
Bước 1: Cho con lựa chọn chủ đề (bất cứ điều gì con thích, đừng can thiệp hay định hướng).
Bước 2: Dùng các tờ giấy note để ghi lại những thông tin mà con thu thập được về chủ đề đó. Ví dụ, viết về loài hoa ăn thịt thì các thông tin có thể là: tên/nơi sống/ điểm đặc biệt/hình dáng của hoa/tại sao gọi là hoa ăn thịt...
Bước 3: Hướng dẫn con viết đoạn mở đầu: Cái này dường như rất khó đối với các bạn ngại viết hoặc kĩ năng viết chưa tốt. Bạn hãy hỗ trợ bằng hệ thống câu hỏi: Con muốn biết mọi người biết gì về bài viết của con? Tại sao con nghĩ là mọi người lại thích bài viết này của con.

Chỉ cần trả lời những câu hỏi đó thôi là đã thành một đoạn mở bài rồi, không cần quá phức tạp như các bài văn trong nhà trường đâu. Ví dụ, khi con viết bài về con gấu, chỉ cần con nói: Bài văn này sẽ viết về một con vật rất to béo là con gấu. Khi đọc xong bạn sẽ biết con gấu sống ở đâu, ăn gì và có gì đặc biệt.
Bước 4: Viết các phần còn lại: Hãy sử dụng thông tin trong tờ note. Mỗi một thông tin, hãy đặt cho chúng một câu mở đầu và các câu tiếp theo sẽ mở rộng ý cho câu mở đầu đó.
Bên cạnh đó, hãy kết hợp môn Văn với các môn học khác. Bạn có thể kết hợp Văn với Mỹ thuật khi khuyến khích con vẽ rồi nói lại, viết lại. Có thể kết hợp Văn với Tự nhiên xã hội, ví dụ khi con tìm hiểu về sự tuyệt chủng của khủng long rồi tưởng tượng lại những ngày cuối cùng của khủng long và viết lại.
Có thể kết hợp Văn với Toán, ví dụ khi ra đề bài toán về phân số (qua chia phần quả táo) rồi hướng dẫn con viết đoạn văn về sự lòng biết ơn, sự nhường nhịn... Trong học văn, hãy chú ý đến việc dạy cái đẹp hơn là dạy đúng, sai.
Văn học không phải là món ăn rồi tất cả mọi người cùng ăn và tất cả đều phải thấy ngon, “khẩu vị” luôn khác nhau. Con có những câu văn ngô nghê một chút, bật cười một chút nhưng là của riêng con thì đừng cố ép con phải viết giống như cô hướng dẫn.
Cô Phan Hồ Điệp cũng cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày, hãy dạy con quan sát. Hãy hỏi con về lá, về các loại hoa, về đàn kiến rong chơi, về chú chim đậu bên hiên nhà, về bụi hoa hồng mới mọc bông đầu tiên, về ánh nắng, về giọt mưa đậu trên cửa sổ... những câu chuyện đó có ý nghĩa hơn cả việc ngồi làm một bài văn “theo mẫu”.
Có hai điều nên tạo thành thói quen hàng ngày là đọc sách và viết. Điều này sẽ rất có ích cho bé. Việc giúp con tăng cường vốn từ và học tốt môn Văn có thể thực hiện ngay khi con còn nhỏ, thông qua ngay cách trò chuyện của bạn với con.
Những cách đó có thể là hỏi con chứ đừng chỉ cho con. Ví dụ như tại sao mình cần đi ngủ sớm con nhỉ? Tại sao mình cần rửa tay trước khi ăn?
Đồng thời, hãy giải thích thay vì đưa ra mệnh lệnh, nếu con để đồ chơi ở ngoài này, nước mưa rơi vào có thể sẽ làm nó bị hỏng hoặc bị phai màu.
Bên cạnh đó, khuyến khích sự tự nhìn nhận về một công việc/ cảm xúc. Ví dụ như con nghĩ con nên làm gì để khỏi giận dữ/ Con nghĩ thế nào về bức tranh con vừa vẽ...
Ngoài ra, hãy nói chuyện với con như với một người lớn. Bạn không cần né tránh những từ mà bạn cho là khó hiểu hay hoa mĩ một chút. Trẻ thích được như thế vì đó là quá trình trẻ tìm hiểu và khám phá.