Tham lãi cao, nhiều nạn nhân ‘sập bẫy’ lừa đảo

GD&TĐ - Nghe quảng cáo nhận lãi cao từ việc đầu tư tài chính vào dự án điện gió trên một website, nhiều nạn nhân trên địa bàn Thanh Hoá đã "sập bẫy".

Đầu tư tài chính cho một dự án trên mạng, nhiều nạn nhân bị "sập bẫy". (Ảnh: NT)
Đầu tư tài chính cho một dự án trên mạng, nhiều nạn nhân bị "sập bẫy". (Ảnh: NT)

Dính bẫy do mồi câu hấp dẫn

Với lời quảng cáo hấp dẫn như lãi suất cao, ngồi nhà vẫn kiếm tiền triệu mỗi ngày... từ việc đầu tư vào dự án điện gió ORSTED, các đối tượng đã thu hút được hàng nghìn người tham gia.

Một số “con mồi” sau khi được hưởng một chút lợi nhuận đã tiếp tục chi thêm tiền, lập nhiều gói hợp đồng với hy vọng thu về nhiều hoa hồng hơn. Tuy nhiên, nạn nhân “ngã ngửa” khi trang web bất ngờ bị đánh sập.

Tại Thanh Hoá, rất nhiều nạn nhân tham gia và mất trắng tiền, có người vài chục triệu, có người lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông T.D.T (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) - một nạn nhân chia sẻ: “Sau khi được rủ dự hội thảo, tôi bị thu hút bởi những khoản lợi nhuận mà phía công ty đưa ra nên đã đồng ý tham gia. Tiền sẽ được chuyển cho một người được cho là đầu mối tại Thanh Hoá.

Tôi chọn gói đóng 20 triệu đồng, sau 1 tháng được rút 39 triệu đồng. Tuy nhiên, đóng tiền được hơn nửa tháng thì trang web bị sập, người mà chúng tôi chuyển tiền vào cũng không liên lạc được”.

Người đàn ông được cho là đầu mối tại Thanh Hoá quay video quảng cáo được Công ty tặng thưởng hàng trăm triệu đồng để lôi kéo "con mồi". (Ảnh: Cắt từ clip)
Người đàn ông được cho là đầu mối tại Thanh Hoá quay video quảng cáo được Công ty tặng thưởng hàng trăm triệu đồng để lôi kéo "con mồi". (Ảnh: Cắt từ clip)

Nạn nhân này cho biết, ông được hướng dẫn làm hợp đồng bằng cách sử dụng căn cước công dân, hình ảnh rồi đăng nhập vào tài khoản.

Tương tự ông T., bà L.T.N. (huyện Nông Cống) cũng “sập bẫy” sau khi tham dự hội thảo và được một số người xưng đại diện của Dự án tại Thanh Hoá cho biết được tặng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng do làm đầu mối, kêu gọi được nhiều người tham gia.

“Tôi và một số người tham gia gói 20 triệu đồng, nhưng được khuyến mãi 1 triệu thì còn đóng 19 triệu đồng, hứa hẹn 1 tháng sau sẽ có 39 triệu đồng”, bà N. kể lại.

Bà N., ông T. và rất nhiều người khác chuyển tiền vào tài khoản của một người đàn ông được cho là đầu mối tại Thanh Hoá tên L.B.S (cư trú tại Thanh Hoá)

Các nạn nhân cũng cung cấp video, người đàn ông tên S. quay video ngồi bên cạnh rất nhiều tiền. Ông S. cho biết, số tiền 276 triệu đồng ông nhận được là do công ty tặng thưởng.

Càng chơi càng “cuốn”

Để lôi kéo “con mồi” vào những gói dự án, các đối tượng đưa ra nhiều hình thức đầu tư, nhiều gói hợp đồng và có thể hưởng lãi suất theo ngày, theo tháng. Đặc biệt, có hình thức quay thưởng khiến nạn nhân càng chơi càng tham.

Anh L.X.H (huyện Cẩm Thuỷ)- một nạn nhân bị mất lên đến gần 500 triệu đồng trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Nạn nhân (bìa trái) bị lừa số tiền gần 500 triệu đồng. (Ảnh: NT)
Nạn nhân (bìa trái) bị lừa số tiền gần 500 triệu đồng. (Ảnh: NT)

“Gói đầu tiên tôi chơi là 20 triệu đồng nhưng chỉ đóng 10 triệu đồng, số còn lại công ty nói cho tôi vay, cứ 15 ngày sẽ rút lãi một lần. Đúng 15 ngày sau tôi được rút lãi 4 triệu đồng.

Thấy dễ kiếm tiền, tôi tiếp tục đầu tư rất nhiều gói, mượn thêm chứng minh nhân dân của người quen để tham gia. Hiện số tiền tôi đóng lên đến gần 500 triệu đồng”, anh H. cho biết.

Cũng theo người đàn ông này, trong tổng các gói hợp đồng, anh mới rút lãi được khoảng gần 30 triệu đồng.

“Có rất nhiều gói để khách hàng tham gia như gói 200 triệu, 100 triệu, 80 triệu hay 20 triệu… có nạn nhân tôi biết đóng lên đến vài tỷ đồng. Hình thức chơi mà các đối tượng đưa ra rất "cuốn", như thôi miên vậy, càng chơi càng tham.

Đặc biệt là hình thức quay thưởng, có phần mềm cài cho quay thưởng, không mất gì nhưng vẫn có 13.000 đồng. Sau đó, nếu chơi thì từ hạng thấp lên hạng cao, lên cấp thì có tới 67.000 đồng/ngày, thậm chí quay VIP có thể lên 600.000 - 800.000 đồng/ngày và được rút tiền tươi luôn”, anh H. kể lại.

Các nạn nhân cũng cho biết đã gửi đơn tố cáo đến Công an TP Thanh Hoá, Công an tỉnh Thanh Hoá đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các cá nhân liên quan.

Theo Công an tỉnh Thanh Hoá, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Mặc dù Công an Thanh Hóa đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên, sự chủ quan, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân vẫn là điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an Thanh Hóa đã phát hiện hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình của các hành vi lừa đảo trên không gian mạng là các đối tượng hoạt động thông qua các website, sàn giao dịch tiền ảo ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook, đầu tư tài chính... Phạm vi hoạt động rất rộng, nơi cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài nhưng lừa đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.