Thảm kịch chưa có hồi kết

Thảm kịch chưa có hồi kết

Điều tồi tệ hơn là cơn ác mộng này chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt vì nước này đang bước sang giai đoạn hai của dịch khi các bang mở cửa lại nền kinh tế.

Hồi cuối tháng 2, khi Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng nhưng mới có 15 ca dương tính được ghi nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin nhận định rằng, chỉ sau vài ngày con số này sẽ xuống bằng 0. Ngoài ra, ông còn không ít lần viết trên mạng xã hội thể hiện việc xem nhẹ bệnh dịch này, hoặc so sánh nó với “cúm mùa thông thường”.

Chính cách đối phó với dịch vào giai đoạn đầu của chính quyền Mỹ đã dẫn đến làn sóng chỉ trích hướng về ông chủ Nhà Trắng khi con số người chết cán mốc 100.000 người, tương đương dân số một thành phố tầm trung. Giới truyền thông và chuyên gia y tế công kích Tổng thống Trump vì cho rằng, sai lầm đã khiến nước Mỹ bỏ lỡ thời điểm vàng trong phòng chống dịch, dẫn đến hậu quả là hàng chục nghìn người đáng lẽ đã không phải chết nếu chính quyền phản ứng quyết liệt hơn.

Với cột mốc trên, Covid-19 đã chính thức đi vào lịch sử nước Mỹ như một trong những bệnh dịch khủng khiếp nhất kể từ khi lập quốc đến nay. Số người chết vì Covid-19 mỗi tuần hiện đã nhiều hơn số người chết vì hai căn bệnh phổ biến là ung thư và bệnh tim. Trong khi đó, số người chết vì dịch tại Mỹ trên thực tế được cho là còn cao hơn nhiều do các bang áp dụng cách tính khác nhau và nhiều người nhiễm bệnh qua đời tại nhà nhưng không được thống kê.

Bất chấp những mũi dùi chỉ trích đang hướng về mình, Tổng thống Trump chưa từng thừa nhận sai lầm trong phòng chống dịch và vẫn luôn giữ quan điểm cần phải sớm mở cửa nền kinh tế đất nước. Giới phân tích nhận định lựa chọn này của ông không nằm ngoài mục tiêu hướng đến nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc tái tranh cử vào Nhà Trắng sắp tới.

Trong khi đó, việc các bang bỏ dần lệnh phong tỏa để mở cửa lại hoạt động kinh tế khiến các chuyên gia cảnh báo số người chết tại Mỹ sẽ còn phá vỡ các cột mốc bi thảm hơn khi dịch bước vào giai đoạn hai. Theo phân tích của Đại học Hoàng gia London (Anh), nếu tất cả các bang cùng mở cửa hoàn toàn thì tới tháng 8, số người chết vì dịch tại Mỹ sẽ tăng lên 200.000. Dự đoán của Đại học Washington (Mỹ) thấp hơn một chút khi nhận định số người chết sẽ vào khoảng 150.000 người vào thời điểm này.

Cơn ác mộng nối tiếp về số tử vong gần như khó tránh khỏi do các bang tại Mỹ bỏ giãn cách xã hội khi dịch vẫn đang lây lan mạnh trong cộng đồng. Do đó, hậu quả về người trong làn sóng thứ hai của đại dịch tại Mỹ được dự đoán còn khủng khiếp hơn so với đợt đầu. Thậm chí, các chuyên gia y tế Mỹ dự báo nước này còn hứng chịu làn sóng thứ ba của đại dịch sẽ xảy ra vào đầu năm 2021.

Trong khi đó, phải sớm nhất đến đầu năm sau vắcxin cho Covid-19 mới được sản xuất thành công và đưa vào sử dụng. Điều này khiến thảm kịch do đại dịch tại Mỹ chắc chắn chưa thể dừng lại trong ngày một ngày hai và nước này sẽ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,7 triệu người nhiễm và hơn 100.000 người chết, vượt xa nhiều lần so với nước đứng thứ hai là Brazil.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.