Khảo sát ảo, mất tiền thật
Từ thông tin trên mạng xã hội, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đăng ký cho con tham gia cuộc thi “Cùng Eras và Câu lạc bộ chữ đẹp Việt tôn vinh nghệ thuật viết chữ đẹp qua cuộc thi Chữ đẹp Việt Nam năm 2024 với chủ đề Tuổi thơ cho em”. Phụ huynh này chuyển tổng cộng 55 triệu đồng cho “nhân viên hướng dẫn” cuộc thi. Tuy nhiên sau đó, trẻ vẫn không thể tham gia thi viết chữ đẹp, phụ huynh mất liên lạc với nhân viên hướng dẫn.
Thời điểm tháng 4 - 5 vừa qua, khi năm học 2023 - 2024 chưa kết thúc, cơ quan công an ở các thành phố lớn đã phát đi cảnh báo về tình trạng phụ huynh bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng khi tìm kiếm và đăng ký tham gia các lớp “Trại hè Kỹ năng - Học kỳ CAND, “Trại hè học kỳ quân đội”… trên mạng xã hội.
Điển hình, chị M. (trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mất hơn 1 tỷ đồng khi thực hiện các “khảo sát” theo hướng dẫn sau khi đăng ký tham gia “Học kỳ trong quân đội 2024” trên mạng xã hội. Theo đó, chị M. được hướng dẫn nhắn tin Zalo, Telegram và yêu cầu thực hiện các khảo sát để đạt điểm tín nhiệm cao. 2 lần khảo sát đầu, chị M. đều được hoàn lại tiền kèm theo phí khảo sát.
Nhưng đến khảo sát 3, khi chuyển đi số tiền 35 triệu đồng, chị M. không nhận được tiền hoàn lại với nhiều lý do khác nhau. Chị M. được yêu cầu tiếp tục chuyển khoản để lấy lại số tiền chưa được hoàn lại. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, chị M. đã thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Một trường hợp khác, chị N.N.T (TP Hà Nội) khi tìm kiếm thông tin các khóa học rèn luyện kỹ năng trong đợt hè 2024 thì được dẫn đến một tài khoản Facebook có tên “Trải nghiệm làm chiến sĩ biên phòng”. Chị T. phải thực hiện nhiệm vụ thanh toán tiền hàng cho hãng tài trợ chương trình và sẽ hưởng hoa hồng 10%. Khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản lên đến 600 triệu đồng thì chị bị chặn liên lạc.
Đăng ký cho con tham gia giải chạy marathon trên một fanpage, chị N.T.X, trú tại TP Hồ Chí Minh được yêu cầu gửi thông tin của trẻ và tải ứng dụng Telegram để liên lạc. Chị X. phải thực hiện một số giao dịch mua hàng ảo, chuyển tiền thật theo yêu cầu. Khi hoàn thành các điều kiện thì con chị mới được tham gia giải chạy.
Khi số tiền được chuyển khoản lên tới 200 triệu đồng, chị X. được thông báo số tài khoản bị treo và yêu cầu chuyển thêm 50 triệu nữa để được hoàn lại các giao dịch trước đó. Lúc này chị X. không có tiền để chuyển nữa thì bị chặn Facebook và mất liên lạc với những người hướng dẫn.
Cũng với các thủ đoạn tương tự, chị N.T.H.H (Quy Nhơn, Bình Định) cũng bị lừa gần 500 triệu đồng khi đăng ký cho cháu của mình tham gia chạy marathon vào tháng 5 vừa qua.
Cẩn trọng với yêu cầu chuyển tiền trên mạng
Gần kỳ nghỉ hè của năm học 2023 - 2024, nhiều trường học ở TP Đà Nẵng có thông báo khẩn gửi đến phụ huynh cảnh giác với hình thức lừa đảo mới dưới dạng đăng ký trại hè kỹ năng.
Theo đó, ban giám hiệu các trường thông tin đến phụ huynh có một số trang Facebook mang tên “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND” giới thiệu sẽ tổ chức chương trình trại hè cho học sinh trên địa bàn Đà Nẵng tại địa chỉ 183A Phan Đăng Lưu và 80 Lê Lợi (quận Hải Châu).
Các trường lưu ý với phụ huynh rằng hoạt động chỉ có Đoàn thanh niên công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc được phép đứng ra chủ trì tổ chức. Tại Đà Nẵng, Ban thanh niên Công an thành phố chưa tổ chức hoạt động này. Tuy nhiên, phụ huynh trên địa bàn thành phố không biết nên vào đăng ký rất nhiều.
Ngay sau đó, trên fanpage chính thức của Công an TP Đà Nẵng cũng đăng nội dung cảnh báo để người dân tránh bị lừa đảo. Một số phụ huynh cho biết, đăng ký cho con tham gia vì vào fanpage Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND thấy nhiều hình ảnh hoạt động uy tín ở các miền. Tuy nhiên, khi được tư vấn truy cập nhóm kín sau khi nhân viên trực gửi mã QR thì nhiều người đã cảnh giác và không tiếp tục tham gia.
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, phòng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường học trên địa bàn tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh và học sinh đề phòng, nâng cao cảnh giác với tội phạm trên Internet.
Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý hình thức lừa đảo qua các cuộc thi trực tuyến, yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân hoặc liên kết đến các trang web không rõ nguồn gốc. Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ cũng lưu ý, các trường cần hướng dẫn phụ huynh và học sinh kiểm tra kỹ tính xác thực của những chương trình trên.
Theo bà Trần Thị Thúy Hà, phòng GD&ĐT và các trường học chỉ quản lý các cuộc thi trực tuyến được phát động từ Bộ GD&ĐT hoặc sở GD&ĐT giới thiệu. Có một số cuộc thi trực tuyến đến thời điểm này không còn nằm trong phong trào chung của ngành, nhưng các trường vẫn giới thiệu đến phụ huynh nếu muốn cho con tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Thậm chí, một số cuộc thi, nhà trường sẽ hỗ trợ khâu tổ chức và kỹ thuật như mở phòng tin học để học sinh đồng loạt tham gia vào khung giờ theo yêu cầu của ban tổ chức. Những cuộc thi này đều giúp học sinh rèn luyện, củng cố kiến thức và một số kỹ năng mềm khác.
Tại Trường THCS Trưng Vương (Hải Châu, Đà Nẵng), những cuộc thi do ngành GD-ĐT hoặc Đoàn, Đội… tổ chức có liên quan đến học sinh, nhà trường tổ chức phát động. Giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi thông tin cuộc thi cùng đường link tham gia đến phụ huynh thông qua các nhóm lớp.
Theo thầy Hiệu trưởng Hồ Ngọc Hưng, ngoài những cuộc thi này, phụ huynh nên cẩn trọng với những cuộc thi trực tuyến không rõ ràng đơn vị tổ chức hoặc có giải thưởng “khủng”, hoặc yêu cầu chuyển tiền đến các tải khoản cá nhân với số tiền lớn…
Trưởng phòng GD&ĐT Cẩm Lệ cũng khuyến cáo phụ huynh nên chọn lọc kỹ trước khi đăng ký cho con em tham gia các cuộc thi trực tuyến. “Nếu cảm thấy có gì đó còn nghi ngờ, cần liên lạc với giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu để kiểm tra thêm thông tin; chỉ tham gia các cuộc thi do cơ quan, tổ chức uy tín tổ chức”, bà Trần Thị Thúy Hà gợi ý.