Một cuộc khảo sát mới đã phát hiện ra rằng, chính sách di cư, những người có ảnh hưởng cánh hữu và phương tiện truyền thông xã hội đều được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo loạn trên toàn quốc.
Theo một cuộc thăm dò được công bố vào ngày 18/8, hai phần ba người Anh tin rằng, chính sách nhập cư của đất nước này là nguyên nhân gây ra làn sóng bạo loạn cánh hữu gần đây. Các cuộc bạo loạn đã gây ra một cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với tình trạng trên.
Hàng chục thị trấn và thành phố của Anh đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình và bạo loạn của phe cánh hữu vào đầu tháng này sau khi một thiếu niên người Anh gốc Rwanda đâm chết ba trẻ em và làm bị thương mười trẻ khác tại thị trấn Southport, gần Liverpool.
Ban đầu, vụ việc xuất phát từ tin đồn sai sự thật rằng, kẻ đâm dao là một người nhập cư Hồi giáo, các cuộc biểu tình đã leo thang thành phản ứng dữ dội hơn đối với đạo Hồi và tình trạng nhập cư ồ ạt, lên đến đỉnh điểm là một vụ tấn công đốt phá một khách sạn nơi những người xin tị nạn trú ngụ tại thị trấn Rotherham.
Theo một cuộc khảo sát 2.237 người do công ty thăm dò ý kiến Savanta thực hiện và được The Telegraph công bố, 82% người Anh tin rằng, chính những kẻ bạo loạn phải chịu trách nhiệm về tình trạng bất ổn, tiếp theo là 75% đổ lỗi cho các nhóm cực hữu và những người có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, 64% tin rằng, chính sách nhập cư của Anh phải chịu trách nhiệm cuối cùng, trong khi 59% cho rằng, vụ đâm dao ở Southport là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng.
Chính quyền Anh đã phản ứng với các cuộc bạo loạn theo cách cứng rắn, với hơn 1.000 người bị bắt, 480 người bị buộc tội và 99 người bị kết án vì vai trò của họ trong vụ bạo loạn, theo số liệu do BBC công bố hôm 16/8.
Khoảng 30 người đã bị buộc tội vì các hành vi phạm tội trực tuyến, với một người đàn ông 34 tuổi bị kết án ba tháng tù vì chia sẻ những gì BBC gọi là "xúc phạm về người di cư" và một người phụ nữ 55 tuổi bị bắt vì chia sẻ thông tin "không chính xác" về danh tính của kẻ giết người ở Southport.
Thủ tướng Anh Keir Starmer được cho là đang cân nhắc thắt chặt luật về ngôn từ kích động thù địch, trong khi cảnh sát trưởng London, Mark Rowley, đã cảnh báo vào tuần trước rằng, các "chiến binh bàn phím" nước ngoài, bao gồm cả chủ sở hữu nền tảng X Elon Musk, có thể bị điều tra và buộc tội vì bị cáo buộc kích động bạo loạn.
Những người tham gia cuộc thăm dò của Savanta đã chia rẽ về phản ứng cứng rắn này, với 49% nói rằng, chính phủ đã xử lý tình hình tốt, và 43% nói rằng, nó đã được xử lý tệ. Trong khi đó, 44% đổ lỗi cho Thủ tướng Starmer về các cuộc bạo loạn.
Trong một bài phát biểu công khai vào thời điểm đỉnh điểm của tình trạng bất ổn, ông Starmer đã từ chối đề cập đến các vụ đâm dao, thay vào đó cáo buộc tất cả những người gây bạo loạn là có động cơ "hận thù cực hữu".
Nhập cư vào Vương quốc Anh tăng vọt trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Tony Blair. Một cố vấn của cựu thủ tướng, Andrew Neather, đã thừa nhận vào năm 2009 rằng, ông Blair muốn "mở cửa Vương quốc Anh cho làn sóng di cư hàng loạt”, và "làm mất lòng phe cánh hữu trong vấn đề đa dạng".
Với cả nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp, khoảng 1,2 triệu người đã chuyển đến Vương quốc Anh vào năm ngoái, 85% trong số họ đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).