Thẩm định sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 10/11, tại Vĩnh Phúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khai mạc Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc
Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh, ngay từ khi triển khai biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị và được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, lựa chọn các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học có uy tín tham gia biên soạn các bộ sách.

Cùng với đó, 2 Bộ đã cử rất nhiều các đồng chí tướng lĩnh, các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị cùng các nhà khoa học có uy tín tham gia Hội đồng Quốc gia thẩm định bộ sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11; đồng thời chỉ đạo Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh tham mưu xây dựng các kế hoạch, quyết định thành lập Hội đồng, chỉ đạo các nhà xuất bản phối hợp với Tổng Chủ biên, Chủ biên chuẩn bị bản mẫu sách giáo khoa.

Đến nay, các điều kiện bảo đảm để tổ chức thẩm định Vòng 1 sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 đã cơ bản hoàn thành.

Để công tác thẩm định đạt kết quả cao, Vụ trưởng Trần Ngọc Thanh đề nghị Hội đồng quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản pháp lý, trong đó có Thông tư 33 Ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT ngày 6/8/2020 và Thông tư số 5/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.

Với tinh thần mở trong xây dựng chương trình, Hội đồng khi thẩm định cần trân trọng những đổi mới, sáng tạo của tác giả sách giáo khoa để đảm bảo tính mở của sách, giúp giáo viên được sáng tạo trong dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh.

Các thành viên Hội đồng có quyền nhận định, đánh giá, nhưng tác giả cũng có quan điểm, triết lý riêng trong biên soạn sách giáo khoa và đồng bộ trong các cấp học, bậc học. Do đó, các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ từng câu chữ, hình ảnh của từng bản mẫu để hiểu ý tưởng, triết lý của cuốn sách; tìm ra cái hay, cái mới, điểm sáng tạo của tác phẩm và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu tốt hơn.

Trong quy trình thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã quy định có hoạt động tác giả trình bày, trao đổi ý tưởng của bản mẫu sách giáo khoa để Hội đồng hiểu rõ về tác phẩm của mình.

Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 sẽ làm việc trong 7 ngày

Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 sẽ làm việc trong 7 ngày

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Thanh nhấn mạnh: Thẩm định sách giáo khoa là công việc khó khăn, đòi hỏi cao không chỉ về chuyên môn mà còn là trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Vì vậy, công tác thẩm định phải bảo đảm tuân thủ tính nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng, có chất lượng và không chịu bất cứ sức ép nào từ bên ngoài.

Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, đơn vị tổ chức thẩm định sẽ phối hợp tốt với các đơn vị liên quan làm tốt công tác bảo đảm mọi mặt để Hội đồng làm việc, thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình theo kế hoạch đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Chương trình họp thẩm định vòng 1 sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 10 đến ngày 16/11/2022 với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo cùng đại diện các nhà xuất bản. Có 2 bộ sách được thẩm định là Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trào lưu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm (FIRE) đang “nở rộ” không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trào lưu nghỉ hưu 'non'

GD&TĐ - Trào lưu mới FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) đang khiến giới trẻ “phát sốt”.
Mỹ ẩn ý về một kịch bản Triều Tiên

Mỹ ẩn ý về một kịch bản Triều Tiên

GD&TĐ - New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Nga và Ukraine có thể bước vào các cuộc đàm phán hòa bình theo “kịch bản Triều Tiên” vào cuối năm nay.