Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng thẩm định; GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; Đại diện một số Bộ, ngành thành viên Hội đồng thẩm định và lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Hà Giang.
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên dự kiến đặt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang theo đề án giai đoạn 2022 - 2025. Quy mô tuyển sinh của phân hiệu trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm từ 150 - 240 sinh viên chính quy hệ đại học; liên thông chính quy, văn bằng hai mỗi năm 60 - 80 sinh viên và khoảng 100-150 sinh viên hệ vừa làm vừa học; tuyển sinh và đào tạo trình độ sau đại học (thạc sĩ, chuyên khoa I, II) từ 80 - 120 học viên/năm; đào tạo, bồi dưỡng cho trên 1.000 lượt công chức, viên chức và các thành phần kinh tế tư nhân, dân cư trong và ngoài tỉnh…
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên được thành lập tại Hà Giang nhằm thiết lập cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao tại tỉnh Hà Giang; Đây sẽ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực; có vai trò “dẫn dắt”, tham gia nghiên cứu, tư vấn, phản biện, kiến nghị chính sách phát triền bền vững KT-XH cho địa phương và vùng dân tộc thiểu số...
Tại hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đã yêu cầu làm rõ về chỉ tiêu biên chế của phân hiệu, việc chuyển giao, tiếp nhận đội ngũ giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang sang Phân hiệu Đại học Thái Nguyên; công tác quy hoạch thành lập phân hiệu, cơ sở pháp lý về đất đai và chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của phân hiệu; các căn cứ pháp lý, nguồn lực đầu tư, đào tạo; việc tự chủ tài chính và sự hỗ trợ của Bộ GDĐT và tỉnh Hà Giang trong giai đoạn đầu thành lập phân hiệu…
Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Hà Giang cũng thông tin thêm chủ trương của tỉnh và giải đáp một số ý kiến của Hội đồng thẩm định đưa ra.
GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng: Với vị trí địa chính trị quan trọng của Hà Giang, việc thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại đây là cần thiết, đáp ứng nhu cầu đào tạo cho con em của tỉnh và các tỉnh lân cận. Đại học Thái Nguyên mong muốn các thành viên Hội đồng thẩm định hỗ trợ các bước thành lập phân hiệu tại Hà Giang.
Đại học Thái Nguyên sẽ ưu tiên tiếp nhận giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang đáp ứng nhu cầu tuyển sinh và đào tạo tại phân hiệu; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Giang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GDĐT để sớm thành lập phân hiệu trên tinh thần sau khi thành lập sẽ duy trì hoạt động hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định: Đến nay tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các kiến nghị trong công tác quy hoạch, rà soát, bố trí đất đai, bố trí đội ngũ cán bộ giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm. Đồng thời chủ động bố trí kinh phí chuẩn bị cho việc tu sửa cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện cho hoạt động của phân hiệu sau khi thành lập.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cam kết địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại học Thái Nguyên để hoàn thiện các thủ tục trình Hội đồng thẩm định xem xét báo cáo Bộ GD&ĐT sớm công nhận thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang. Đồng thời, mong muốn ngay trong năm học 2022 - 2023, phân hiệu sẽ mở các lớp đào tạo đầu tiên tại tỉnh, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển nguồn nhân lực, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Viết Lộc nhấn mạnh đây là bước quan trọng, là cơ sở pháp lý để thành lập và cấp phép hoạt động của phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang.
Đồng thời yêu cầu tỉnh Hà Giang và Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục bổ sung các văn bản, thủ tục theo yêu cầu của thành viên Hội đồng thẩm định. Sau đó, Hội đồng thẩm định sẽ tổng hợp ý kiến của các thành viên, ý kiến của tỉnh Hà Giang để yêu cầu Đại học Thái Nguyên hoàn thiện Đề án. Ngoài ra Hội đồng sẽ nỗ lực, công tâm trong công tác thẩm định, đảm bảo hồ sơ, trình Bộ GDĐT xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.