Iraq: Trợ giúp tâm lí cho trẻ trải qua xung đột

GD&TĐ - Trong các giải pháp GD đặc biệt dành cho trẻ em chạy loạn khỏi khu vực xung đột, trợ giúp tâm lí để trẻ tái hòa nhập cuộc sống bình thường được ưu tiên số 1…

Iraq: Trợ giúp tâm lí cho trẻ trải qua xung đột

Mang theo vết sẹo

Sabine cố nói to với các bạn trong lớp. Cô bé 13 tuổi được khuyến khích nói về lí do không đi học trong 2 năm qua. IS đã chiếm ngôi làng Talabta, Iraq, nơi Sabine sống năm 2014. Trường học bị kiểm soát và áp đặt chương trình giáo dục cực đoan. “Họ bắt học những cuốn sách toàn nói về đạo Hồi” – bé Sabine kể - “Không có khoa học, không có toán. Chỉ đạo Hồi và đạo Hồi. Chúng ta cũng là người Hồi giáo nhưng không phải mọi thứ trong trường học đều chỉ là giáo lí Hồi giáo”.

Sabine là một trong hàng nghìn trẻ em đang theo học tại một “không gian học tập tạm thời” do tổ chức Save the Children lập ở Bắc Iraq, các lớp học ở đây được dựng từ lều bạt. Sabine thích các tiết học Anh ngữ bởi đó là một ngôn ngữ mới có thể mở ra một tương lai mới. Khoảng 3 triệu trẻ em Iraq giống như Sabine chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột đang tiếp diễn – theo Save the Children.

Những em nhỏ thoát ra từ giữa cuộc giao tranh, thường mang vết sẹo thể chất và tâm lí. Một chuyên gia về ứng xử trẻ em đã nghiên cứu hậu quả tâm lý của chiến tranh vùng Vịnh đối với trẻ em, cho biết: “Những triệu chứng thường thấy là trẻ hay lo âu, thiếu tập trung, lơ đãng, không học tập được”.

3 giai đoạn hòa nhập

Chăm sóc tâm lí để đưa các em tái hòa nhập cuộc sống bình thường đang được coi là phần quan trọng trong chương trình giáo dục trẻ em ở khu vực có xung đột.

Tại Bắc Iraq, việc giáo dục trẻ khu vực xung đột chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là tại các không gian học tập tạm thời. Thường được dựng bằng lều, các trường này tập trung vào “bình thường hóa” cuộc sống trẻ em thông qua trình bày chia sẻ trước tập thể, chơi, hát, vẽ và ôn lại một số kiến thức văn hóa cơ bản. Trẻ “cần giai đoạn phục hồi và hỗ trợ để giao tiếp lại với nhau, qua đó xóa đi tác động tâm lí do xung đột” – theo Shakaram, nhân viên UNICEF. Phần lớn giáo viên đến từ các trại tị nạn. Nhiều người trước đó đã làm giáo viên và chỉ cần đào tạo bổ sung kĩ năng trợ giúp tâm lí. UNICEF cũng bảo đảm một số nhân viên xã hội trong mỗi lớp để theo dõi những dấu hiệu căng thẳng, lạm dụng hoặc những vấn đề khác.

Giai đoạn 2 của giáo dục khẩn cấp là đưa trẻ quay lại trường học chính thức. Khi trẻ đã ổn định tâm lí, UNICEF sẽ xây trường học tạm thời. Những cơ sở này lớn hơn, có bàn ghế và bảng viết như trường học bình thường. Giai đoạn này sẽ có sự vào cuộc của Bộ Giáo dục. Giáo viên do Bộ Giáo dục điều động và trẻ em chính thức học lại chương trình giáo dục Iraq.

Giai đoạn cuối là đưa trẻ trở về nhà. UNICEF đã mở lại 70 trường tại Đông Mosul, vùng đất chính phủ đã giành lại kiểm soát. Nhiều phụ huynh đi sơ tán cho biết đang đợi trường học mở cửa trước khi trở về nhà.

Để giúp học sinh bắt kịp chương trình sau những năm tháng phải nghỉ học giữa chừng – một số tổ chức phi chính phủ đưa vào dạy những chương trình học “tăng tốc” cho học sinh. Bộ Giáo dục cũng có kế hoạch gộp chương trình 2 năm vào trong 1 năm học dành riêng cho học sinh khu vực xung đột.

UNICEF ước tính có khoảng 2,25 triệu trẻ em Syria hiện đang thất học. Tại Iraq, riêng tại khu vực Mosul đã có hơn 78.000 trẻ trong độ tuổi đến trường phải sơ tán từ tháng 10 năm ngoái. Trên toàn thế giới, có khoảng 75 triệu trẻ em tại 35 quốc gia có xung đột bị thất học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.