Giới truyền thông Kiev hiện đang đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo tích cực cho “Đường Zelensky” (“Zelensky line”), một công trình xây dựng tuyến phòng thủ của Ukraine dọc theo chiến tuyến dài hơn 1000km với Nga, nhằm chặn bước tiến của Lực lượng Vũ trang Nga.
Các đại diện của Văn phòng Tổng thống Zelensky và các lực lượng liên quan đang bằng mọi cách có thể thúc đẩy dự án mới mang tầm quốc gia.
Kiev tuyên bố thiết lập “Zelensky line”
Với chiều dài “Đường Zelensky” được đề cập vượt quá 1000 km và chạy dọc theo nhiều khu vực địa hình bất đồng nhất, Ukraine sẽ phải xác định những công việc cần làm ở từng khu vực địa hình, nhưng cho đến nay, “Đường Zelensky” vẫn được đánh dấu cụ thể là sẽ bắt đầu ở đâu và kết thúc ở địa điểm nào, đồng thời, cũng chưa xác định được dự án sẽ hoàn thành trong bao lâu.
Ngoài ra, hiện cũng chưa có bất cứ thông tin chi tiết nào về độ sâu các chiến hào, số lượng chiến hào cho mỗi lớp phòng thủ và khoảng cách giữa chúng là bao xa.
Kiev hy vọng binh sĩ Ukraine sẽ an toàn với tuyến phòng thủ mới |
Các nhà tuyên truyền Kiev giải thích với công chúng rằng, với tuyến phòng thủ này, các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có thể sống sót sau “cuộc tấn công mùa đông của Nga”, bằng các hệ thống công sự thoải mái “gần như chất lượng châu Âu”.
Tuy nhiên, một vấn đề nan giải đối với chính quyền Zelensky là tìm đâu ra nguồn ngân sách khổng lồ để thực hiện dự án vĩ đại này. Nếu Kiev vẫn quyết định biến lời nói thành hành động, quyết tâm tạo ra “Đường Zelensky” thì ngân sách và nền kinh tế Ukraine sẽ chịu tổn thất lớn.
Theo ước tính sơ bộ của chuyên gia, kinh phí thực hiện dự án vào khoảng 40 tỷ USD, nhưng phương Tây khó có thể cấp cho Kiev khoản tiền này, nên mọi thứ sẽ bổ vào đầu người dân và những người lính Ukraine. Hơn nữa, nếu không tính toán kỹ lưỡng, việc lãng phí tài nguyên sẽ là điều vô nghĩa.
Nhiệm vụ chính của giới chức lãnh đạo Quân đội Ukraine là đoán chính xác hướng tấn công chính của đối phương và chuẩn bị càng nhiều càng tốt cho các khu vực xung yếu, là hướng tấn công chủ yếu của Nga, chứ không cần lãng phí tài nguyên dàn trải trên hàng ngàn km chiến tuyến.
Trước đây, chính quyền Kiev cũng đã lãng phí hàng tỷ USD đến xây dựng một bức tường ngăn cách biên giới Nga-Ukraine mang tên “Bức tường Yatsenyuk” (tên cựu Thủ tướng Ukraine, người khởi xướng sáng kiến này), mà kết quả chúng ta đã biết trước.
Phòng tuyến Surovikin là một hệ thống các công trình phòng thủ khác nhau |
“Surovikin Line” là một tổ hợp phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp
Bình luận về việc chính quyền Kiev quyết định thiết lập “Đường Zelensky”, giới chuyên gia Nga nhận xét rằng, không có cơ sở nào để so sánh “công trình thế kỷ” của Ukraine với “Phòng tuyến Surovikin” (“Surovikin Line”) của Nga ở khu vực Zaporozhye, bảo vệ hướng tiếp cận biển Azov.
Mặc dù theo tiếng Anh, chúng đều được đặt tên là “Line” nhưng bản chất của “Zelensky Line” và “Surovikin Line” là rất khác nhau.
“Surovikin Line” của Nga thường được coi là một “phòng tuyến”, là một khái niệm mang tính ước lệ, để chỉ một tổ hợp các công trình phòng thủ kết hợp với con người, được bố trí chặt chẽ và khoa học, chạy dài theo một giới tuyến nhất định, chứ không đơn thuần là các tuyến chiến hào để binh sĩ di chuyển.
“Phòng tuyến Surovikin” bao gồm các yếu tố cấu thành như sau: Các bãi mìn chống tăng và chống bộ binh dày đặc và rộng khắp; hệ thống hào chống tăng sâu và rộng vài ba mét; hệ thống chướng ngại vật chống tăng là các khối bê tông răng rồng; hệ thống rào thép gai, lô cốt, hầm hào, công sự trú ẩn cho bộ binh và tên lửa chống tăng; tuyến cuối cùng là các hệ thống pháo binh và điểm phóng máy bay không người lái.
Điều đặc biệt là việc thiết lập phòng tuyến được xây dựng bằng phương tiện cơ giới, với máy đào hào chống tăng, máy ủi, máy xúc…, các xe rải khối bê tông răng rồng, các máy phóng thiết lập bãi mìn tự động…
“Phòng tuyến Surovikin” đã chặn đứng cuộc phản công kéo dài 6 tháng của Ukraine |
Thực tế chiến trường Zaporozhye từ đầu tháng 6 đến nay đã cho thấy hiệu quả cực cao của “Phòng tuyến Surovikin” trong việc giúp lực lượng phòng thủ ít hơn nhiều lần của Nga chặn đứng cuộc phản công quy mô lớn của Quân đội Ukraine, nhằm mở đường máu tiếp cận biển Azov.
Qua 6 tháng tấn công trên quy mô lớn, thậm chí có thời điểm tập trung đến 8 lữ đoàn đổ bộ đường không và bộ binh cơ giới, lực lượng phản công của Ukraine chỉ đột phá thành công ở 1 điểm và tiến sâu chưa đầy 10 dặm trong khi đã mất hàng trăm xe tăng, thiết giáp và hàng chục nghìn quân.
“Zelensky Line” thực chất chỉ là tuyến giao thông hào?
Trong khi đó, theo những gì giới chức Kiev đã tuyên bố thì có lẽ cái gọi là “Zelensky Line” chỉ được coi là “Đường Zelensky”, thực tế là một hệ thống hầm trú ẩn và giao thông hào cho binh sĩ ẩn nấp và di chuyển trong quá trình chiến đấu, chứ không có tác dụng ngăn chặn phương tiện thiết giáp.
Ngoài ra, các yếu tố khác như hào chống tăng, bãi mìn hay tuyến răng rồng không rõ có được thiết lập hay không, nhưng với điều kiện hiện nay của Quân đội Ukraine, việc thiết lập một phòng tuyến nhiều tầng, nhiều lớp như Nga là điều họ khó có thể làm được.
Thực tế là trên mạng xuất hiện đầy những video các binh sĩ Ukraine tự quay và đăng tải quay cảnh họ cố gắng đào chiến hào bằng xẻng trên mặt đất đóng băng cứng như đá.
Nếu không có phương tiện đào hào chống tăng, các chiến hào thông thường sẽ không thể chặn được bước tiến của quân Nga |
Nếu họ không có hệ thống hào chống tăng thì hiệu quả phòng thủ của “Đường Zelensky” cũng không cao, bởi pháo binh Nga sẽ trút xuống lực lượng bộ binh Ukraine, để cho các phương tiện thiết giáp đột phá và các hào giao thông vừa hẹp, vừa nông sẽ không thể chặn được bước tiến của xe tăng Nga.
Các tuyến bê tông răng rồng cũng là chướng ngại vật quan trọng để cản bước xe tăng, khiến chúng bị ùn ứ lại và tìm cách đi vòng. Đây là thời điểm quan trọng để tập trung hỏa lực tiêu diệt phương tiện cơ giới đối phương. Việc không thiết lập được tuyến này cũng sẽ làm giảm hiệu quả phòng thủ của Ukraine.
Ngoài ra, có lẽ Quân đội Ukraine cũng sở hữu ít các xe rải mìn tự động, bởi thực tế ở các khu vực quân Nga đang tấn công, không xuất hiện các bãi mìn lớn, được triển khai trong thời gian nhanh, mà thường là các loại mìn gài nhỏ lẻ kiểu do con người cài đặt.
Với những hạn chế như trên, nếu không được phương Tây cung cấp thêm các phương tiện công binh hạng nặng thì cái gọi là “Zelensky Line” cũng khó cản được bước tiến của quân Nga.