Thai nhi biết khóc trong bụng mẹ?

GD&TĐ - Người mẹ sẽ không thể cảm nhận được biểu hiện khuôn mặt của em bé trong bụng.

Khi vừa chào đời, trẻ sẽ không có nước mắt.
Khi vừa chào đời, trẻ sẽ không có nước mắt.

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh dường như đã luyện tập cho việc cất tiếng khóc chào đời bằng cách thay đổi biểu hiện khuôn mặt.

“Bước đệm” cho tiếng khóc chào đời

Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, sản phụ có thể cảm thấy em bé trong bụng đạp, lăn lộn và thậm chí nấc cụt. Tuy nhiên, liệu trẻ sơ sinh có thể khóc dù chưa ra khỏi bụng mẹ hay không là một câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Công nghệ siêu âm đã cho phép các nhà khoa học quan sát bên trong tử cung và các bào thai đang phát triển. Năm 2005, video siêu âm được công bố trên tạp chí Archives of Disease in Childhood - Fetal and Neonatal Edition cho thấy, một thai nhi 33 tuần có biểu hiện khuôn mặt như đang khóc.

Sau khi các nhà nghiên cứu kích thích thai nhi bằng rung và ồn, trẻ có xu hướng mở rộng hàm, thu cằm lại và thở ra liên tiếp ba lần. Trong khi đó, lồng ngực của trẻ nhô lên còn đầu ngửa ra sau. Trẻ kết thúc chuỗi hành động bằng việc lắc cằm. Quá trình chuyển động này được thấy ở 10 thai nhi (khoảng 6% tổng số trẻ được  theo dõi).

Như vậy, có phải là thai nhi này đã khóc trong bụng mẹ? Theo các nhà khoa học, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa về việc khóc. Nadja Reissland - nhà tâm lý học phát triển tại Trường Đại học Durham (Anh) - cho biết: “Nếu bạn sử dụng định nghĩa ‘một tiếng hét lớn thể hiện cảm giác hoặc cảm xúc mạnh mẽ’, thì có thể nói khá chắc chắn rằng, trẻ sơ sinh không khóc trong bụng mẹ”.

Nói cách khác, trong túi ối chứa đầy chất lỏng, thai nhi không thể hít thở mạnh. Trẻ cũng không thể lấp đầy phổi bằng không khí để phát ra tiếng kêu. Để có thể làm những điều đó, trẻ sẽ cần đợi đến ngày ra khỏi bụng mẹ.

Nhóm của nhà tâm lý học Reissland đã phân tích sự phát triển của các biểu hiện trên khuôn mặt trẻ khi ở trong tử cung. Các nhà khoa học đã xem chuyển động của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, thông qua hình ảnh siêu âm 4D.

Năm 2011, chuyên gia Reissland và đồng nghiệp đã xác định những biểu hiện trên khuôn mặt thai nhi, bao gồm “khuôn mặt khi khóc” và “tiếng cười”. Báo cáo được đăng trên tạp chí PLOS One. Những cử chỉ đó được cho là tiền thân của các biểu hiện trên khuôn mặt khi trẻ chào đời.

Những biểu hiện ban đầu trên khuôn mặt phát triển trong khoảng 24 - 35 tuần. Đặc biệt, độ phức tạp của những biểu hiện đó sẽ tăng lên theo tuổi thai. Chuyên gia tâm lý Reissland cho biết, những biểu hiện đó của thai nhi là “quá tinh vi” để sản phụ có thể cảm nhận được. Thực tế, thai nhi dường như thường xuyên có những cử động trên khuôn mặt trước khi chào đời.

Các nhà khoa học nhận định, những biểu hiện đó có thể là bước chuẩn bị trước khi trẻ chào đời và phát ra tiếng khóc đầu tiên. Song, liệu thai nhi có rung dây thanh âm và cố gắng tạo ra âm thanh trong tử cung hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Ngay cả khi thai nhi tạo ra sóng âm thanh khi nằm trong bụng mẹ, nó có thể sẽ không đủ mạnh để truyền qua nước ối và cơ thể của người mẹ. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chưa kết luận được rằng, những cử động khóc này có liên quan đến việc thai nhi bị đau hoặc khó chịu không.

Nhận biết sức khỏe của thai nhi

Trẻ không thể phát ra âm thanh khi ở trong bụng mẹ.

Trẻ không thể phát ra âm thanh khi ở trong bụng mẹ.
Mục tiêu của chuyên gia Reissland khi nghiên cứu những biểu hiện này là giúp các nhà khoa học phát triển một công cụ hữu ích. Nhờ đó, có thể xác định các rối loạn phát triển cũng như những vấn đề sức khỏe khác khi trẻ ở trong bụng mẹ.
Thai nhi có vấn đề sức khỏe hoặc sự phát triển có thể không có những biểu hiện trên khuôn mặt này.

Chuyên gia Reissland cho biết, biểu hiện trên khuôn mặt đóng một vai trò quan trọng trong sự liên kết và giao tiếp sau khi sinh giữa cha mẹ và con. Những cử chỉ trên khuôn mặt này có thể là một bước tiền đề giúp các cơ mặt linh hoạt hơn. Hành động này khi trong bụng mẹ có thể giúp em bé gắn kết với những người khác sau khi chào đời.

Sự phát triển của các biểu cảm trên khuôn mặt được trẻ học sau khi chào đời, đặc biệt là thông qua tương tác với mọi người. Trẻ sơ sinh không mỉm cười “xã giao” trước 8 tuần tuổi.

Trong khi đó, những tiếng cười khúc khích của trẻ thường xuất hiện ở giai đoạn khoảng 4 đến 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế, theo các nhà khoa học, khuôn mặt của trẻ đã phát triển những khả năng này từ vài tuần trước khi chào đời.

Ngoài ra, điều đặc biệt khác là trẻ mới chào đời không có nước mắt. Theo bác sĩ nhi khoa Sage Timberline tại Đại học California, Davis, Bệnh viện Nhi đồng ở Sacramento, California (Mỹ), trẻ sơ sinh có ống dẫn nước mắt. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa phát triển đầy đủ. Trẻ sơ sinh sẽ tiết ra đủ nước mắt để giữ ẩm cho mắt. Tuy nhiên, lượng nước đó không đủ để tạo thành những giọt nhỏ xuống.

Sau 3 - 4 tuần, ống dẫn nước mắt của trẻ sẽ phát triển đủ để hình thành nước mắt. Mắt của trẻ sơ sinh có xu hướng bị khô và làn da cũng vậy. Dù trời nóng, trẻ sơ sinh hầu như không đổ mồ hôi trong vài tuần đầu tiên khi chào đời. Đó là do tuyến mồ hôi chưa hoạt động bình thường.

Con người có hai loại tuyến mồ hôi, được gọi là apocrine và eccrine. Cả hai đều được hình thành ở trẻ sơ sinh ngay cả khi chưa tiết ra mồ hôi. Các tuyến apocrine tiết mồ hôi thông qua các nang lông, nhưng không  được kích hoạt cho đến khi những thay đổi nội tiết tố diễn ra trong tuổi dậy thì. Mồ hôi apocrine chứa nước và chất điện giải cũng như steroid, lipid và protein.

Trong khi đó, các tuyến eccrine bắt đầu hình thành ở tháng thứ tư của thai kỳ. Chúng xuất hiện đầu tiên trên lòng bàn tay và chân của thai nhi. Đến tháng thứ năm, các tuyến eccrine bao phủ gần như toàn bộ cơ thể. Theo bác sĩ Timberline, sau khi trẻ chào đời, các tuyến eccrine hoạt động mạnh nhất là ở trên trán. Sau đó, trẻ sơ sinh bắt đầu đổ mồ hôi ở thân và tay chân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ