Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử
Là một tỉnh thuộc trung tâm an toàn khu cách mạng, cán bộ và nhân dân Thái Nguyên đã có nhiều cống hiến, hi sinh trong lịch sử bảo vệ và xây dựng tổ quốc, quê hương. Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, toàn tỉnh đã có hàng vạn người con của quê hương lên đường nhập ngũ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, nhiều người đã hy sinh, anh dũng hoặc trở thành những thương binh, bệnh binh, người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Tỉnh Thái Nguyên có trên 130.000 người có công với cách mạng được công nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, với 580 bà mẹ đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhiều chứng tích hào hùng của lịch sử đất nước vẫn hiện hữu trên quê hương Thái Nguyên như Di tích đặc biệt cấp Quốc gia An toàn khu Định Hoá, Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm công bố Ngày Thương binh, Liệt sĩ toàn quốc tại huyện Đại Từ… Việc gìn giữ, phát huy giá trị các di tích này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với nhiều thế hệ, trong đó có ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ về truyền thống, lịch sử quê hương cách mạng.
Việc tri ân đền đáp, chăm lo cho người có công với cách mạng chính là một trong những cách làm có ý nghĩa thiết thực để giáo dục lịch sử với thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng hôm nay.
Xác định ý nghĩa đó, những năm qua, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội Thái Nguyên đã tham mưu và triển khai tích cực công tác tổ chức thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Chăm lo để tri ân
Hiện Thái Nguyên quản lý và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho trên 130.000 người có công, gia đình người có công với cách mạng và thân nhân. Trong đó những chính sách mang tính chất thường xuyên như trợ câp ưu đãi hàng tháng trên 20.000 người, hỗ trợ nhà ở cho trên 8.000 hộ, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ hàng năm cho gần 8.000 người, trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 400 đối tượng, ưu đãi giáo dục trên 300 đối tượng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 25.000 người.
Tỉnh cũng thực hiện thí điểm chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi qua hệ thống bưu điện trên địa bàn; thực hiện số hoá toàn bộ 100% hồ sơ người có công với cách mạng để phục vụ công tác tra cứu và lưu trữ lâu dài.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa năm 2021 cũng như nhiều năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương của tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Hằng năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh, huyện, xã vận động đóng góp xây dựng được trên 5 tỷ đồng. Thông qua nguồn quỹ, nhiều công trình ghi công liệt sĩ đã được tu sửa, nâng cấp, nhiều hộ gia đình người có công với cách mạng đã được hỗ trợ về nhà ở, được thăm hỏi khi ốm đau.
Năm 2021, riêng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đã trích hỗ trợ 74 người có công thuộc hộ nghèo, với tổng số tiền là 905 triệu đồng, với mức hỗ trợ từ 1,1 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ hộ người có công để hỗ trợ về các chỉ số bị thiếu hụt và xoá hộ nghèo người có công trên địa bàn toàn tỉnh theo Nghị quyết đảng bộ tỉnh đã đề ra.