Thái Nguyên: Tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2022

GD&TĐ - Ngày 28/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Đại học Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2022.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí Thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đồng Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Đại học Thái Nguyên cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí Thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đã cung cấp một số thông tin về Đại học Thái Nguyên. Theo đó, Đại học Thái Nguyên là một trong 3 Đại học vùng, được thành lập năm 1994 theo nghị định 31/CP của Chính phủ, Đại học Thái Nguyên xác định 03 trụ cột bao gồm: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công; Tư vấn chính sách có hiệu quả.

Các đại biểu thăm quan Trung tâm số Đại học Thái Nguyên

Các đại biểu thăm quan Trung tâm số Đại học Thái Nguyên

Đại học Thái Nguyên hiện có 07 trường đại học thành viên, 01 trường cao đẳng, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế, Nhà xuất bản và 05 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đại học Thái Nguyên có 3.804 viên chức và người lao động, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, với 814 giảng viên có trình độ tiến sĩ, hơn 135 tiến sĩ là giáo sư, phó giáo sư.

Tính đến hiện tại, Đại học Thái Nguyên đang tổ chức đào tạo 156 ngành trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo, 67 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 32 ngành đào tạo tiến sĩ, 20 ngành chuyên khoa y dược, 04 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành trình độ cao đẳng. Trong đó nhiều ngành truyền thống đang tuyển sinh tốt, tiếp tục được đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay đã có 09 chương trình đào tạo được công nhận chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo, 11 chương trình đã được công nhận chuẩn quốc tế AUN-QA.

Về công tác tuyển sinh năm 2022, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh 147 ngành đào tạo trình độ Đại học với 14.017 chỉ tiêu và 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1020 chỉ tiêu. Thực hiện tuyển sinh theo 6 phương thức. Trong đó mở mới 05 ngành phù hợp với nhu cầu xã hội.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị

Điểm mới năm nay, Đại học Thái Nguyên bổ sung thêm phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với mức điểm xét tuyển dao động từ 60-75 điểm theo thang điểm 150; đồng thời một số đơn vị đào tạo bổ sung thêm các điều kiện ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh hoặc tin học. Về công tác chuyển đổi số Đại học Thái Nguyên hiện đang từng bước số hoá tài liệu, bài giảng, văn thư, lưu trữ…

Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2022, Đại học Thái Nguyên mong muốn tiếp tục được chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí TW và địa phương đã có quan hệ hợp tác trong thời gian qua, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí khác để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Không gian Hoa Kỳ Trung tâm số Đại học Thái Nguyên

Không gian Hoa Kỳ Trung tâm số Đại học Thái Nguyên

Qua đó thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí, tính tự giác, gương mẫu của mỗi người làm báo; triển khai và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Thảo luận tại Hội nghị, các cơ quan thông tin, báo chí đánh giá cao tinh thần cầu thị của các đơn vị, địa phương trong việc phản hồi, làm rõ thông tin báo chí nêu. Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất về một số nội dung liên quan như: Có kế hoạch, giải pháp để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các thông tin liên quan đến các sản phẩm nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh; cung cấp các thông tin chính thống của tỉnh, của huyện cho các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông Trung ương và địa phương …

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ