Thái Nguyên thành lập Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu

GD&TĐ - Ngày 21/10, tại UBND xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên), Đại hội thành lập Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên đã được tổ chức.

Ra mắt Ban chấp hành Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên
Ra mắt Ban chấp hành Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên

Hội Bảo vệ và Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tự nguyện, hiện thu hút tập hợp trên 600 thành viên là những người hiểu biết về văn hóa dân tộc, nhiệt tình tham gia hoạt động để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc Sán Dìu.

Mục tiêu của Hội là cùng nhau giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, gồm tiếng nói, chữ viết, trang phục và các phong tục tốt đẹp của dân tộc Sán Dìu.

Một buổi hát Soọng Cô của các nghệ nhân người Sán Dìu tại xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên)
Một buổi hát Soọng Cô của các nghệ nhân người Sán Dìu tại xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên)

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 17 người. Ông Trần Bình Dưỡng - nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa Sán Dìu được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.

Hội đã xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong phương hướng hoạt động, trong đó có một số công việc trọng tâm như: Gìn giữ và truyền dạy tiếng nói, chữ viết; Giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, quan niệm nhân sinh; Quảng bá, phát huy giá trị văn hóa dân tộc qua đặc sắc về trang phục, lễ hội, hát Soọng Cô…

Dân tộc Sán Dìu có nền văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó có Soọng Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thái Nguyên hiện có khoảng 50.000 người dân tộc Sán Dìu, số lượng đứng thứ 4 trong các dân tộc trong địa bàn tỉnh, tập trung đông nhất ở các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình và TP Thái Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ