Theo tác giả Hà Dung (Báo Thái Bình): Xác định công tác tuyên truyền PCTHTL giữ vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của người dân đối với hành vi hút thuốc lá, vì vậy, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh Thái Bình hàng năm xây dựng kế hoạch PCTHTL đều chú trọng tăng cường tuyên truyền tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe con người. Đồng thời chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật về PCTHTL, hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc.
Dẫn lời ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh Thái Bình: Công tác tuyên truyền PCTHTL được các ngành thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đa dạng, phong phú cả về hình thức và nội dung.
Đặc biệt, các sở, ngành, hội, đoàn thể, các đơn vị, trường học đã tổ chức hàng trăm buổi phổ biến, tuyên truyền trực tiếp tới cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, tác hại của thuốc lá, giải đáp việc thực thi các quy định của pháp luật về PCTHTL.
Là một trong những thành viên của Ban Chỉ đạo PCTHTL, ngành Y tế Thái Bình luôn đi đầu và thực hiện có hiệu quả công tác PCTHTL. Hiện tại, 100% cơ sở y tế đều đã xây dựng mô hình cơ sở y tế không khói thuốc và duy trì hiệu quả. Hàng quán, căng tin trong bệnh viện cũng không bày bán thuốc lá và hình ảnh quảng cáo mời mua thuốc lá.
Có được sự chuyển biến tích cực đó bởi Ban Chỉ đạo PCTHTL ngành Y tế nói chung, các cơ sở y tế nói riêng rất coi trọng công tác PCTHTL. Không chỉ tuyên truyền để mỗi cán bộ y tế nắm rõ về tác hại của thuốc lá, từ đó gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về PCTHTL, ngành Y tế còn yêu cầu trong quá trình khám chữa bệnh, mỗi y bác sĩ là một tuyên truyền viên, phối hợp khám bệnh với tuyên truyền tới người bệnh, người dân, giúp họ nâng cao ý thức, không hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chia sẻ thông tin, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trong năm 2016 đã sản xuất trên 33.000 cuốn bản tin “Sức khỏe Thái Bình” có nội dung tuyên truyền giáo dục về tác hại của thuốc lá, phát hành đến tận thôn, xóm trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm cũng sản xuất, cấp phát hàng trăm băng đĩa phổ biến kiến thức và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tới đài truyền thanh các xã, thị trấn, các bệnh viện.
Ngoài ra, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác PCTHTL, kỹ năng kiểm tra, giám sát cho cán bộ làm công tác thanh tra, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các sở ban ngành, địa phương. Tổ chức nói chuyện chuyên đề "Tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc” tại các bệnh viện, cơ quan, trường học.
Ông Phạm Văn Dịu cũng cho biết: Qua kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về PCTHTL cho thấy, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người được nâng lên, tỷ lệ người hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị giảm; số đám cưới, đám tang, lễ hội tại các địa phương có mời thuốc lá giảm mạnh. Đặc biệt, những ngành chú trọng và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền PCTHTL như ngành Y tế, Giáo dục, Giao thông đều đạt hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, vẫn nhiều cơ quan, đơn vị còn tình trạng cán bộ, công chức và người dân hút thuốc lá tại nơi làm việc. Nhiều người dân đã nhận thức được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng nhưng chưa quyết tâm bỏ hoặc giảm hút thuốc lá.
"Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác PCTHTL, Ban Chỉ đạo PCTHTL Thái Bình yêu cầu các ngành thành viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng; tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình cơ quan, đơn vị không khói thuốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm túc việc thực thi pháp luật về PCTHTL; xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với những hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL." - Ông Phạm Văn Dịu nhấn mạnh.