Thuận lợi đã có
Thái Bình là tỉnh "đất chật, người đông", nhưng sau nhiều năm thực hiện thành công chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình theo phương châm ”mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con”, dân số tự nhiên không tăng đang dẫn đến tình trạng số trẻ đến trường ở các cấp học giảm đáng kể.
Số lượng học sinh giảm đang dẫn tới tình trạng một số địa phương phải sáp nhập trường THCS liên xã để tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học, hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, hình thức sáp nhập trường THCS cũng có nhược điểm là học sinh đi học xa hơn, nên không được phụ huynh đồng thuận. Quy mô trường dưới 18 lớp bộc lộ nhiều nhược điểm như lãng phí cơ sở vật chất, thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhất là bộ máy quản lý nhiều, không hiệu quả..
Chủ trương sáp nhập trường theo kế hoạch số 45 của UBND tỉnh Thái Bình có có nhiều ưu điểm hơn, thuận lợi hơn đó là học sinh không phải đến điểm trường xa nhà.
Ông Nguyễn Viết Hiển, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình , cho biết : “Tính đến ngày 30-6- 2019 đã có 90,47% số trường hai cấp được sáp nhập. Có 5 huyện, thành phố hoàn thành 100% là : Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà và Thành phố Thái Bình. Có hai huyện là Thái Thụy còn 5 trường và Quỳnh Phụ còn 11 trường... Những huyện này sẽ kết thúc việc sáp nhập vào cuối năm 2019. Tổng số trường được sáp nhập là 168 trường Tiểu học sáp nhập với 163 trường THCS, thành 151 trường phổ thông hai cấp học, đến cuối năm 2019 , sẽ có 162 trường phổ thông hai cấp”
Được biết, có được kết quả trên, Sở Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ ban hành các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn cán bộ quản lý các nhà trường; tổ chức hội nghị về công tác quản lý, quản trị các trường phổ thông có nhiều cấp học cho 150 cán bộ hiệu trưởng các trường đã sáp nhập để đánh giá chất lượng giáo dục sau một năm sáp nhập, qua đó đề xuất các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục.
Các phòng giáo dục huyện, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc sáp nhập trường trên địa bàn bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả. Hướng dẫn các trường học sáp nhập thực hiện các nội dung sau sáp nhập bảo đảm theo quy định của cấp có thẩm quyền, hướng dẫn công tác tổ chức đọi ngũ, bàn giao tài chính, tài sản sau sáp nhập.
Xây dựng quy chế hoạt động của trường, quy định rõ trách nhiệm của các chức danh quản lý, vị trí làm việc; xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ... Sau khi sáp nhập, Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra các đơn vị sáp nhập, nghe ngành Giáo dục & Đào tạo báo cáo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc . Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này.
Kết quả từ các trường đã sáp nhập cho thấy : Về nhân sự, cơ bản các đơn vị đã bố trí, sử dụng lao động theo vị trí việc làm. Bước đầu đã giải quyết những bất cập về đội ngũ, nhất là bộ phận dôi dư. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục làm thông suốt tư tưởng đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp tiểu học. Dừng việc bổ nhiệm mới cán bộ quản lý, nhất là cấp phó. Những trường hợp hạn chế về sức khỏe, không có nhu cầu làm quản lý, thì điều động, bố trí sang các vị trí công tác khác, ở ngành khác, xét thấy phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực..
Đối với giáo viên, việc điều động, luân chuyển bảo đảm giảm thiểu tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Chỉ đạo các trường liên cấp thực hiện hướng dẫn 1194. Bố trí giáo viên dạy các môn chung phù hợp chuyên môn đào tạo. Các môn học khác thực hiện sắp xếp, bố trí dạy kiêm nhiệm theo chuyên môn hai, bảo đảm với chuyên ngành đào tạo.
Hàng năm cân đối định mức điều động giáo viên đến các trường còn thiếu hoặc khi có giáo viên nghỉ hưu. Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính , những trường hợp đủ điều kiện, có nguyện vọng xin được nghỉ theo Nghị định 108 và Nghị định 113 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì được tạo điều kiện giải quyết.
Bất cập cũng đã thấy
Sau khi sáp nhập một số trường đang gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiếm, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ quản lý, một số hiệu trưởng được điều động, bổ nhiệm làm hiệu phó vẫn bảo lưu hệ số chức vụ trong thời gian 3 năm; tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vẫn được hưởng phụ cấp theo hạng trường. Giáo viên xếp hạng chức danh nghề nghiệp cấp học nào thì hưởng phụ cấp nghề học đó.
Kết quả chất lượng giáo dục sau sáp nhập cho thấy: Đối với cấp tiểu học của trường liên cấp thì mức độ hoàn thành chương trình môn học : toán, tiếng Việt, về cơ bản ổn định so với năm học trước.
Đối với cấp trung học cơ sở của trường liên cấp, tất cả các đơn vị ổn định tỷ lệ học lực khá, giỏi, giảm tỷ lệ học lực yếu, kém; Bảo đảm kết quả giáo dục đạo đức, trong đó Thành phố Thái Bình, các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư, Tiền Hải có sự thay đổi về tỷ lệ hạnh kiểm tốt, khá. Tư tưởng, thái độ, sự ủng hộ của phụ huynh và nhân dân có chiều hướng tốt hơn, yên tâm cho con em theo học tại các trường đã sáp nhập. Các nhà trường đã ổn định về tư tưởng, tổ chức, tin tưởng vào chủ trương sáp nhập.
Tuy nhiên, không phải chủ trương đổi mới nào cũng có được ngay sự đồng thuận. Có nơi khi sắp xếp lại cán bộ quản lý bộc lộ những vấn đề do lịch sử để lại. Một số hiệu trưởng trong hồ sơ cán bộ thiếu những điều kiện cơ bản về chứng chỉ chính trị ( bằng trung cấp chính trị ), nên không tiếp tục giữ vị trí quản lý đã phát sinh tư tưởng. Về khó khăn thì đa số các đơn vị bất cập về cơ sở vật chất và mặt bằng.
Một số nơi sau sáp nhập có điểm trường cách xa nhau, ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành của Ban giám hiệu, tổng phụ trách. Sự hợp tác hòa đồng giữa cán bộ quản lý và giáo viên trường liên cấp thời gian đầu còn hạn chế, nhất là cấp tiểu học.
Một số Hiệu trưởng lúng túng trong bố trí, sử dụng đội ngũ, điều hành hoạt động của đơn vị. Một số cán bộ hiệu phó, trước đây là hiệu trưởng tiểu học và kế toán còn chưa hiểu chuyên môn của cấp học khác.
Việc phân công giáo viên dạy liên cấp học khó khăn do chưa có quy định về phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên dạy liên cấp. Chưa có quy định pháp lý về xếp hạng trường tiểu học và THCS dẫn đến chế độ của cán bộ quản lý trường hai cấp học có tổng số lớp cùng hạng với trường một cấp học, nhưng phụ cấp chức vụ có thể thấp hơn..
Sáp nhập, bản thân nó đã chứa đựng những yếu tố phức tạp . Sáp nhập liên quan đến con người càng không thể không có phức tạp. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những bất hợp lý, không né tránh những vấn đề mới nẩy sinh.... đó là thái độ của toàn ngành giáo dục tỉnh Thái Bình, để chủ trương sáp nhập thật sự đem lại hiệu quả tốt nhất.