Giáo dục tiểu học: Dồn lực cho Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, đội ngũ, cơ chế chính sách trước thềm năm học mới là nội dung quan trọng được các đại biểu đặt ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục tiểu học tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 14/8. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự và chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Ghi nhận từ năm học bản lề

Kết thúc năm học 2018 - 2019, toàn quốc có 13.995 trường tiểu học; tỉ lệ trung bình trường tiểu học/xã là 1,25; tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học (TH) là 1,26; nhiều trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường.

Với 8.479.977 HS/278.385 lớp học; tỉ lệ trung bình học sinh/lớp là 30 cho thấy các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình. Vì thế, số HS tăng nhưng các địa phương đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và GV để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng HS/lớp theo đúng Điều lệ quy định…

Trong năm học, các địa phương đã tích cực thực hiện sáp nhập các trường TH có quy mô nhỏ; trường TH với trường THCS có quy mô nhỏ; hoặc sáp nhập các điểm trường lại với nhau. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường lớp; thiếu đất xây dựng trường học; một số địa phương dồn dịch các điểm trường, sáp nhập trường “cơ học”, hiệu quả không cao...

Báo cáo các địa phương cho thấy, tỉ lệ trung bình GV/lớp ở cấp tiểu học là 1,38, cơ bản đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, một số địa phương có tỉ lệ GV còn thấp. Số GV thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều, tạo tâm lý không yên tâm công tác…

Các đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Xuân Phú
Các đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Xuân Phú 

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu 5 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận và tìm cách tháo gỡ. Đó là: Việc thực hiện CTGDPT hiện hành và Chuẩn bị CTGDPT mới; Vấn đề về chất lượng, số lượng đội ngũ GV; Cơ sở vật chất trường lớp; Vấn đề giáo dục văn hóa đạo đức cho HS từ bậc tiểu học; Xây dựng môi trường an toàn lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tuế - PGĐ Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho rằng: Phòng GD&ĐT tham mưu đúng, trúng, quyết liệt cho cấp ủy, chính quyền địa phương thì việc chuẩn bị các điều kiện cho triển khai CTGDPT mới sẽ thuận lợi. Tại Quảng Ninh có sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương nên đã sẵn sàng cho việc triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh lại đặt ra những khó khăn trong tuyển dụng GV Tiếng Anh để cùng tìm giải pháp khắc phục khi cho biết: Dù TP đã có chế độ thu nhập khá hấp dẫn cho GV ngoại ngữ song việc tuyển dụng vẫn rất khó khăn, số GV dự tuyển chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Nguyên nhân bởi khối lượng công việc nhiều, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, nhiều GV được tuyển dụng một thời gian bỏ trường lớp làm công việc khác.

Bàn về chuẩn bị đội ngũ GV triển khai CTGDPT mới, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Toàn tỉnh hiện có 80% GV tiểu học có trình độ đại học trở lên, về cơ bản số lượng, chất lượng GV đáp ứng được yêu cầu triển khai CTGDPT mới bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, điều mà ngành GD&ĐT Đồng Tháp trông chờ hơn cả là việc triển khai tập huấn đại trà sớm để GV được tiếp cận, chuẩn bị chu đáo thực hiện CTGDPT mới.

Trước những băn khoăn của địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Điều đáng lo không không phải là thừa - thiếu GV mà là phẩm chất năng lực của thầy cô, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, mối quan hệ với phụ huynh học sinh. “Bộ đã xây dựng và ban hành chuẩn GV mới trong đó nhấn mạnh chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy. Tới đây, GV tiểu học sẽ tiếp tục được bồi dưỡng nâng chuẩn. Trình độ đào tạo là quan trọng nhưng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giảng dạy của giáo viên còn quan trọng hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để đổi mới CTGDPT, trước hết là với lớp 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Sở GD&ĐT chủ động định hướng chuẩn bị tâm thế cho những người tham gia vào quá trình đổi mới. Bởi GV tiểu học sẽ phải dạy học 2 buổi/ngày, vất vả hơn hiện nay nhưng lương, thu nhập không tăng, đây là việc phải được định hướng để GV sẵn sàng tâm thế. Đổi mới là quá trình, nếu đòi hỏi chu toàn hết ngay khó có thể làm được nhưng quan trọng là có lộ trình, bước đi và phải đúng hướng và kiên định.

Về vấn đề chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai CTGDPT mới, Bộ trưởng đề nghị, cần nâng cao hơn nữa vai trò của địa phương để giải quyết những vấn đề còn tồn tại hiện nay như sĩ số học sinh/lớp đông, thiếu trường lớp dạy và học 2 buổi/ngày, thiếu công trình nước sạch, nhà vệ sinh, sắp xếp, dồn ghép trường lớp...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nêu ra 5 vấn đề các địa phương cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị triển khai CTGDPT mới đó là: Năm học 2019 - 2020 là có nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục tiểu học cần được triển khai, tuyên truyền... có hiệu quả, chất lượng; Cần nâng cao chất lượng chương trình giáo dục hiện hành trong đó tập trung triển khai hiệu quả chương trình theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Các địa phương cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng đảm bảo về chất lượng thông qua nhiều giải pháp; Cần tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất khi triển khai CTGDPT mới. Lưu ý các nhà trường tránh tình trạng thiết bị dạy học vào đến trường nhưng không ra đến lớp; Một vấn đề quan trọng trong chuẩn bị, triển khai thực hiện CTGDPT mới đó là cơ chế quản lý chỉ đạo trong các nhà trường. CBQL giáo dục cần chuyển tư duy quản lý từ mệnh lệnh sang cộng tác. Bởi động lực về mặt tinh thần sẽ giảm áp lực cho GV và mang đến hiệu quả cao...

Trong năm học 2019 - 2020, giáo dục tiểu học sẽ tập trung hoàn thành các điều kiện để triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới từ năm học 2020 - 2021 với một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ GV và CBQL giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo CTGDPT mới;

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý; tăng cường nền nếp, kỷ cương nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học...

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Thái Văn Tài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.