Cụ thể, trong văn bản này, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ trong các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức nuôi ăn bán trú và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn trong cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên biết về dịch tả lợn Châu Phi.
Cập nhật kịp thời thông tin về thực trạng và biện pháp phòng, chống các dịch bệnh ở người và động vật trên các kênh thông tin đại chúng; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú. Yêu cầu nhà cung cấp thực phẩm thực hiện ký cam kết không cung cấp thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.
Các cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non có thể điều chỉnh thực đơn, sử dụng các loại thực phẩm đa dạng, phong phú, đảm bảo bảo lượng và dưỡng chất bữa ăn cho trẻ; thực hiện nghiêm túc quy định về lưu mẫu thức ăn.
Nếu có bất thường về sức khỏe của học sinh từ nguyên nhân thức ăn bán trú phải phối hợp tích cực với y tế địa phương để khắc phục kịp thời.
Thời gian qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp, song tình trạng mất an toàn thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hằng ngày của nhân dân đang diễn biến phức tạp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã và đang xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Tính đến ngày 19/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh tại 117 xã, 6 huyện trên địa bàn tỉnh.