Thông tin này được Trưởng ban Tuyên giáo Bắc Ninh thông tin sáng 19/3 khi phản hồi về vụ việc nghi thịt lợn nhiễm sán gạo tại Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Cùng với đó, mẫu thịt gà, xương gà được trường học này dùng làm thực phẩm ngày 5/3 khi đưa đi xét nghiệm đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các hình ảnh xuất hiện trên Facebook với các đoạn clip cho học sinh ăn thịt lợn nghi mắc bệnh sán gạo và thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn. |
Liên quan đến vụ việc, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng với bà Cao Thị Hòe để làm rõ trách nhiệm quản lý. Đồng thời yêu cầu 16 trường mầm non của huyện Thuận Thành tạm dừng việc nhập thực phẩm của công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành, phường Đại Phúc.
Ban Tuyên giáo Bắc Ninh dẫn lời của GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tỷ lệ 11,9% dương tính ELISA của các cháu học sinh mầm non tại Thuận Thành chỉ xấp xỉ bằng mức nhiễm bình quân chung là 12% của 55 tỉnh, thành đã tiến hành xét nghiệm kháng thể.
Còn trong báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh gửi công an tỉnh có nêu hiện tại chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ nhiễm sán trên địa bàn huyện Thuận Thành cũng như tỉnh Bắc Ninh. Sở này dẫn tài liệu Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng năm 2009 cho hay: Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả vùng miền, các tỉnh thành, với tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%.
Tại buổi họp báo chiều 19/3 ở Bắc Ninh, nhiều phóng viên cho rằng không thể vì không lưu lại mẫu thực phẩm mà rồi cho rằng không tìm ra nguyên nhân hay không có căn cứ để nguy cơ nhiễm sán từ bữa ăn trường học và rồi không có
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay quy định là phải lưu mẫu và không lưu lại được mẫu tức là đã vi phạm pháp luật.
“Không thể nói là không lưu lại mẫu thì giờ căn cứ vào đâu để xác định và không có cở sở để xử lý đâu. Chưa cần biết mẫu thực phẩm đó có nhiễm sán, có chất độc hay không, thì không lưu lại là đã phải bị xử lý. Không thể không lấy mẫu và không lưu lại được mẫu. Nếu có mẫu, kể cả ban đầu có sán nhưng nếu được nấu chín thì cũng không còn nguy cơ lây bệnh. Nhưng khi không lưu được mà kể cả có kết luận mẫu đó không nhiễm sán, vẫn là vi phạm quy trình.
Do đó, ông Phong nhấn mạnh các cơ sở nào vi phạm các quy định không chỉ riêng về lấy mẫu, mà về nguồn gốc cung cấp thực phẩm, về vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị, người chế biến thực phẩm đều phải bị xử lý.
Trước đó, ngày 15/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cũng đã có báo cáo gửi lãnh đạo UBND tỉnh và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), về kết quả kiểm nghiệm thực phẩm tại Trường Mầm non Thanh Khương.
Theo kết quả kiểm tra, truy suất nguồn gốc thịt lợn tại Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành ngày 14/2 và 20/2 cho thấy, thịt lợn được lấy từ hai cơ sở: hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (Khu Đồng Tháp Vàng, thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội). Cả hai cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Kết quả truy suất nguồn gốc tại hộ kinh doanh bà Hoàng Thị Hải trong hai ngày 14/2 và 20/2, số thịt lợn được mua từ hộ kinh doanh Phạm Thị Hạnh (thôn Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thịt lợn tươi.
Đối với hộ kinh doanh Trần Văn Đát, Ban quản lí An toàn thực phẩm tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội tiếp tục điều tra, truy suất nguồn gốc theo quy định.
Cũng theo Ban quản lí An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, ngày 6/3, đơn vị này đã tiến hành lấy mẫu thịt gà ngày 5/3 của Trường Mầm non Thanh Khương đã được Công an huyện Thuận Thành niêm phong. Các mẫu thực phẩm được đưa tới Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định.
Căn cứ kết quả kiểm nghiệm mẫu "thịt gà thái miếng" và mẫu "xương gà" của Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia ngày 15/3, cho thấy kết quả của hai mẫu thực phẩm này đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Ngày 22/2, trên Facebook xuất hiện clip được cho là Trường Mầm non Thanh Khương cho học sinh ăn thịt lợn có nghi mắc bệnh sán gạo. Ngày 5/3, một số phụ huynh tiếp tục ra trường, kiểm tra thức ăn của trẻ và phát trực tiếp trên Facebook nội dung trường sử dụng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn để chế biến cho trẻ. Phòng GD-ĐT huyện Thuận Thành đã mời công an vào kiểm tra, thu giữ hơn 10 kg thịt gà cấp đông của công ty Hương Thành và làm thủ tục gửi giám định.
Cho đến ngày 6/3, nhiều phụ huynh cho con nghỉ học, toàn trường chỉ có 111/568 trẻ đến lớp.
Từ ngày 15/3 đến 17/3, có 1.756 trẻ tại Trường Mầm non Thanh Khương và một số xã khác trên địa bàn huyện được gia đình đưa đi xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. Tính đến 7h ngày 18/3, có 186 trẻ trong số 1.557 cháu có kết quả xét nghiệm dương tính. Tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ hỗ trợ kinh phí xét nghiệm sán lợn cho trẻ ở 16 trường mầm non.