Hội thảo do Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất - mỏ phối hợp với Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và các trường ĐH, viện nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học trái đất - mỏ tổ chức.
Còn tư duy manh mún
GS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất - Mỏ trong phát biểu khai mạc hội thảo cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường vẫn còn theo tư duy manh mún và chậm tiến.
Nguyên nhân chủ yếu từ chính sách chuyên ngành, từ cơ sở đào tạo, nghiên cứu chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu; không dựa trên tầm nhìn và chiến lược vĩ mô, dài hạn và nhất quán; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nguồn nhân lực với thực hiện các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ.
Cùng với đó, thiếu sự kết nối, hợp tác và hỗ trợ hoạt động giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và xã hội với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trái đất, mỏ, môi trường trong đánh giá, dự báo, đặt hàng số lượng, chất lượng, yêu cầu sử dụng đối với nguồn nhân lực, sản phẩm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức cũng như tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ.
Chính sách, đầu tư, hỗ trợ cho phát triển nguồn nhân lực , khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường chưa phù hợp do nhu cầu sử dụng lao động và thu nhập còn thấp; thiếu điều kiện và cơ hội phát triển và thực hiện khát vọng nghề nghiệp; đánh giá của xã hội không tương xứng với những đóng góp và khó khăn nghề nghiệp; thiếu đầu tư và chính sách nhất quán trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Đây là những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm khát vọng học tập và cống hiến cho khoa học công nghệ và gây khó khăn trong tuyển sinh đào tạo và xây dựng đội ngũ các nhà chuyên môn có chất lượng cao trong các ngành và chuyên ngành Trái đất, Mỏ, Môi trường.
GS Mai Trọng Nhuận phát biểu tại hội thảo |
Tạo môi trường làm việc, học tập thúc đẩy sáng tạo, cống hiến
Trước các tồn tại và thách thức nói trên, GS Mai Trọng Nhuận cho rằng, cần phải xác định các định hướng, chiến lược, giải pháp và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ Trái đất, Mỏ, Môi trường một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, đảm bảo cho tương lai, hạnh phúc và an toàn, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Các giải pháp khắc phục hạn chế nói trên đã được tập trung thảo luận, đề xuất tại hội thảo. Trong đó, đối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cần đánh giá, dự báo nhu cầu, yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng cách mạng 4.0 để xây dựng, cập nhật,thực hiện các chương trình đào tạo và khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức về trái đất, mỏ, môi trường; xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, CBQL và hệ thống tổ chức, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.
Đẩy mạnh kết nối, hợp tác với xã hội, các bên liên quan (các đơn vị, cá nhân sử dụng sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ quan, đơn vị quản lý, lãnh đạo, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…) trong xác định, đánh giá, dự báo, chia sẻ thông tin về nhu cầu, yêu cầu của xã hội… Lấy ý kiến phản hồi về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động của nhà trường, nhất là xây dựng, cập nhật chiến lược, kế hoạch phát triển, chương trình và phương pháp đào tạo, nghiên cứu;
Các cơ sở đào tạo cũng cần xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo thêm giá trị, tạo thêm gia trị gia tăng để phát triển đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức;
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, khả năng có việc làm của người học. Cần có đầu mối đặc trách công việc hợp tác này một cách chuyên nghiệp, hệ thống, nhất quán và bền vững. Tạo môi trường làm việc, học tập, thúc đẩy sáng tạo, cống hiến, khát vọng nghề nghiệp. Phát triển hợp tác quốc tế; ưuu tiên phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có năng lực và trình độ chuyên môn cao…
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các ý kiến thảo luận cho rằng, cần đánh giá, dự báo nhu cầu, yêu cầu để bổ sung các nội dung có tính chiến lược phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường trong các chiến lược, kế hoạch tương ứng; đặt hàng đào tạo nguồn lực, các sản phẩm, định hình các hướng, nội dung ưu tiên nhiên cứu khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường.
Ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách cụ thể và khả thi để phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường. Đầu tư cần thiết, có chính sách thu hút nguồn lực từ xã hội đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường mang lại lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư.
Cải cách cơ bản về các chế độ chính sách tài trợ, đãi ngộ và tiền lương thích đáng cho các hoạt động khoa học công nghệ và đội ngũ làm khoa học công nghệ và giảng viên đại học thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ trái đất, mỏ theo chất lượng và số lượng sản phẩm và theo đặc thù ngành nghề thường xuyên phải làm việc, đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, khó khăn.
Áp dụng chính sách tuyển dụng và sử dụng công bằng, công khai, minh bạch theo năng lực, phẩm chất thực sự vào các vị trí công tác thích hợp để khuyến khích sự học tập của sinh viên.
Đối với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường, nên có đề xuất/đặt hàng yêu cầu, nhu cầu số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học công nghệ trái đất, mỏ, môi trường cho các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và tham gia đầu tư để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Đồng thời, tăng cường sự liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo các nội dung nói trên; tài trợ, hỗ trợ tài chính (thông qua các giải thưởng khoa học công nghệ, cung cấp học bổng, tài trợ nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo…); hỗ trợ cán bộ tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị…