Thách thức lớn trong nâng chuẩn giáo viên mầm non

GD&TĐ - Thực hiện Luật GD năm 2019, lộ trình nâng chuẩn GV đang được các địa phương tập trung triển khai. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn khi có hàng nghìn GV phải đào tạo nâng chuẩn trong khoảng 10 năm tới…

Đang thiếu GV mầm non, nhiều địa phương lại gặp khó khi tuyển viên chức giáo dục theo chuẩn mới.
Đang thiếu GV mầm non, nhiều địa phương lại gặp khó khi tuyển viên chức giáo dục theo chuẩn mới.

Khó tuyển giáo viên mầm non 

Đây là thực tế được bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Bà Quyên Thanh nêu thực tế: “Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 - 2020 cả nước thiếu hơn 42 nghìn GV mầm non và trên 20 nghìn GV tiểu học. Chính phủ đã có Nghị quyết số 102 ngày 3/7/2020 về Giải pháp đối với biên chế sự nghiệp Giáo dục và Y tế. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là không có nguồn tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc, do áp dụng quy định điều kiện về trình độ chuẩn của GV các cấp học theo Luật Giáo dục 2019 trong tuyển dụng. Điều này rất khó để thực hiện tốt chủ trương “có HS thì phải có GV đứng lớp”.

Tại Cà Mau, dù được quan tâm đầu tư nhưng giáo dục mầm non vẫn còn không ít khó khăn. Khó nhất là thiếu trường lớp và thiếu GV mầm non ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện đội ngũ GV mầm non còn thiếu, đặc biệt ở các huyện vùng sâu, vùng xa là 167 GV. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của cấp học. Từ trước đến nay chưa có chương trình, đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Chưa có chính sách thu hút GV về dạy ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ GV mầm non của tỉnh trong biên chế Nhà nước chỉ đạt 85,8%; tỷ lệ GV hợp đồng lao động là 14,2%. Lương GV hợp đồng lao động chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng... 

Tỉnh Tiền Giang cũng gặp khó khi nhiều năm qua không tuyển đủ GV mầm non. Toàn tỉnh hiện có 186 trường mầm non với 4.991 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, GV trực tiếp giảng dạy 3.074 người; bình quân GV dạy nhà trẻ: 1,84 GV/nhóm; Mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (theo chuẩn là 2,2 GV/lớp). Với quy mô trẻ ở mỗi nhóm, lớp và nhu cầu 2 GV/nhóm, lớp, các trường mầm non ở Tiền Giang vẫn còn thiếu khoảng 900 GV. Trong 7 tháng đầu năm 2020, chỉ có 8/11 huyện tuyển được 148 GV mầm non; còn thiếu 162 GV; vẫn còn 3 huyện chưa tuyển được. Tỉnh Tiền Giang còn khoảng 10 trường khó khăn chưa tuyển được GV nhiều năm. Khó nhất là huyện Gò Công Đông chỉ có 50% trẻ mầm non được học bán trú, còn lại phụ huynh phải đưa rước trẻ 4 lần/ngày.

Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, nguồn đào tạo thì không thiếu, vì Trường ĐH Tiền Giang hàng năm đào tạo được khoảng 200 giáo sinh ra trường nhưng địa phương vẫn không có nguồn tuyển dụng. Một số SV tốt nghiệp đến các địa phương có chế độ thu hút, ưu đãi như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Các khu công nghiệp trên địa bàn tuyển dụng công nhân rất nhiều, lương bình quân cho công nhân từ 6 - 8 triệu/tháng nên đã thu hút rất đông SV sư phạm bỏ nghề sang làm công nhân.

Linh động tuyển dụng, nâng chuẩn

GV mầm non tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn chuyên môn. Ảnh: X. Uyên
GV mầm non tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn chuyên môn.     Ảnh: X. Uyên

Trước những khó khăn trong việc tuyển dụng GV theo quy định về lộ trình đào tạo của Luật Giáo dục 2019. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ có thể tuyển dụng SV có bằng Trung cấp Sư phạm mầm non và Cao đẳng Sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này. SV được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo đến năm 2025. Thời điểm này cũng trùng với lộ trình nâng chuẩn GV theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS).

“Nếu quá thời gian cam kết, những GV này không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng theo như Luật Giáo dục 2019. Giải pháp này vừa giải quyết tình trạng thiếu GV dạy 2 buổi/ngày, vừa tạo điều kiện cho SV sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa đáp ứng về quy định trình độ đào tạo có được cơ hội tham gia tuyển dụng, có việc làm, có điều kiện lo cho việc học trong quá trình nâng chuẩn…”, bà Quyên Thanh cho biết.

Để giải quyết tình trạng thiếu GV mầm non, Sở GD&ĐT Cà Mau phối hợp với Trường ĐH Đồng Tháp mở lớp đào tạo CĐ Sư phạm mầm non và ĐH Sư phạm mầm non cho GV tiểu học dôi dư có nguyện vọng sang giảng dạy mầm non. Phối hợp với Trường CĐ Cộng đồng và Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và GV mầm non cốt cán…

Tỉnh cũng đang triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, bồi dưỡng GV đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019; Triển khai thực hiện chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp GV mầm non. Qua đó xác định năng lực, nhu cầu bồi dưỡng của GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu của các chuẩn đã được Bộ GD&ĐT ban hành.

Lộ trình nâng chuẩn GV thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. Lộ trình thực hiện trong 10 năm, mỗi địa phương sẽ có hàng nghìn GV thuộc diện nâng chuẩn. Đây cũng là thách thức lớn cho mỗi nhà trường và địa phương. Theo lãnh đạo các trường, từ bây giờ nhà trường phải tính toán số lượng GV đi học theo từng năm, cử ai đi học trước, ai đi học sau để phù hợp với thực tiễn của từng trường và hoàn cảnh của GV. Bảo đảm cho các GV tham gia đào tạo nâng chuẩn theo hình thức vừa làm vừa học. Thời gian, hình thức học tập cũng phải thực hiện linh hoạt... Vì Nghị định 71 quy định rõ, ngoài thời gian tham gia đào tạo, GV vẫn phải làm nhiệm vụ giảng dạy.  

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, đặt ra yêu cầu cao hơn trong nâng hạng, nâng chuẩn GV. Cụ thể, GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ Sư phạm; GV tiểu học và THCS có bằng Cử nhân ngành đào tạo GV trở lên (trước đây cấp mầm non và tiểu học chỉ yêu cầu trình độ Trung cấp Sư phạm). Với lộ trình thực hiện trong 10 năm, sẽ có hơn 200.000 GV trong cả nước thuộc diện nâng chuẩn.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ