Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Các quy định về chế độ làm việc của GVMN được Bộ GD&ĐT xây dựng, tính toán trên cơ sở Chương trình giáo dục mầm non hiện hành.
Theo đó, Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD&ĐT quy định: Mỗi GVMN thực hiện giáo dục, chăm sóc trẻ trên lớp đủ 6 giờ/ngày (với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày), 4 giờ/ngày (với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày) và thực hiện công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi bảo đảm làm việc 40 giờ/tuần.
Mặt khác, để bảo đảm GV thực hiện các nhiệm vụ: nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đón, trả trẻ và trực trưa… các cơ sở giáo dục MN được bố trí tối đa 2,5 GV/nhóm trẻ; bố trí tối đa 2,2 GV/lớp mẫu giáo (lớp học 2 buổi/ngày); 1,2 GV/lớp mẫu giáo (đối với lớp học 1 buổi/ngày) để thực hiện các nhiệm vụ trên.
Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương do thiếu GV nên GVMN ở nhiều trường phải làm thêm giờ, tổng số thời gian làm việc/ngày vượt quá thời gian quy định.
Với những trường hợp này, đề nghị các địa phương căn cứ vào thực tế của từng trường, thực hiện việc chi trả chế độ làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Để bảo đảm ổn định lâu dài cho cơ sở giáo dục MN và quyền lợi cho GVMN, đề nghị các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng đủ số lượng GVMN theo định mức quy định; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ ở những nơi có điều kiện.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hiện nay trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới, ngành Giáo dục theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ GD&ĐT đã đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề với viên chức ngành giáo dục, trong đó đặc biệt chú ý cải thiện mức thu nhập qua lương cho GVMN.