Già hóa với tốc độ phi mã
Kết quả các cuộc điều tra dân số cho thấy từ năm 2011 cho đến nay, tỷ trọng dân số trẻ em (0 - 14 tuổi) giảm mạnh. Năm 2012, tỷ trọng trên còn 23,9% và được dự báo tiếp tục giảm trong những năm tới.
Ngược lại với tỷ trọng dân số trẻ em, tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao. Theo đó, dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% vào năm 2011.
Từ năm 2012 trở đi, tốc độ già hóa dân số diễn ra ngày một nhanh, ước tính cứ 11 người dân thì có 1 người cao tuổi. Đến năm 2029, tỷ lệ trên giảm xuống còn 6 người dân có 1 người cao tuổi.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) - cho biết: So với các nước phát triển, cơ cấu dân số đang già chuyển sang cơ cấu dân số già ở nước ta diễn ra với tốc độ nhanh hơn là 20 năm. Điều này khiến chúng ta chưa tận dụng hết nguồn nhân lực “cơ cấu dân số vàng” thì đã chuyển sang “cơ cấu dân số già”.
Để người già sống vui, sống khỏe, sống có ích
Theo số liệu của Điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011, 39% người cao tuổi vẫn đang làm việc. Tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi.
Tuy nhiên, hầu hết người cao tuổi đang tự tạo công ăn việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. 17% người cao tuổi thuộc diện nghèo.
Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dễ rơi vào nghèo đói hơn so với nam giới cao tuổi, so với người cao tuổi sinh sống ở thành thị và những người cao tuổi là người Kinh và tuổi càng cao thì họ càng dễ rơi vào cảnh nghèo đói.
Còn theo ông Tân, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi còn thấp với 62,3% người cao tuổi được điều tra cho biết sống khó khăn thiếu thốn; Chỉ 25,5% người cao tuổi có lương hưu còn lại sống lệ thuộc vào số tiền tích lũy hoặc con cái, có nhiều người già vẫn phải lao động kiếm sống.
Già hóa dân số rõ ràng là thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội khi mà lương hưu tăng lên, chi phí chăm sóc người cao tuổi tăng (chi phí người cao tuổi cao gấp 5 - 6 lần khi còn trẻ).
Trước đây, chế độ hưu trí được thiết kế cho một người lao động sau khi hết tuổi lao động sống trung bình là 8 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian sống sau lao động hiện tại dài hơn (bình quân hơn 13 năm), trong khi hàng năm phải chi các khoản tiền không nhỏ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội để giải quyết nhiều trường hợp nghỉ trước tuổi hưu hưởng trợ cấp một lần.
Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc người cao tuổi chưa được đầy đủ khi mà hệ thống lão khoa trang thiết bị còn thiếu, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi.
Giải quyết thách thức trên, cần tập trung xây dựng chính sách về an sinh xã hội vào bảo hiểm cho người già, ông Tân nhận định. Muốn vậy, phải có chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (viện lão khoa, nhà dưỡng lão, việc làm…).
Xa hơn, bản thân mỗi công dân nên có kế hoạch “bảo đảm tuổi già” ngay từ khi còn trẻ, bởi lo cho mình cũng chính là lo cho gia đình, cho cộng đồng và các thế hệ tương lai.
Hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính - bệnh đặc trưng của người cao tuổi.
Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Hiện tại, người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận được dịch vụ chăm sóc cần thiết. Đây là thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến