Thách thức của giáo dục vùng khó Ấn Độ

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình ở vùng nông thôn nghèo khó Ấn Độ, con cái được học hành là một giấc mơ xa vời.

Một lớp học tình nguyện của Quỹ Musubi-Te tại bang Bihar, Ấn Độ.
Một lớp học tình nguyện của Quỹ Musubi-Te tại bang Bihar, Ấn Độ.

Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tới do thiếu ngân sách cho ngành Giáo dục Ấn Độ.

Vào 6 giờ sáng, Jyoti Kumari, 10 tuổi, đi chân trần đến Trường THCS Shaheed Arakshi, bang Bihar, một trong những vùng nghèo nhất Ấn Độ. Nữ sinh đến lớp đúng giờ nhưng không có giáo viên vì trường thiếu nhân sự.

Bà Pushapa Sharma, Hiệu trưởng Trường THCS Shaheed Arakshi, cho biết trường có 204 học sinh nhưng chỉ có 5 giáo viên. Trong đó, cứ 5 học sinh thì một em không biết đọc, biết viết. Nếu có nhiều giáo viên hơn, trình độ học tập của các em có thể được cải thiện đáng kể.

Chị Nisha Devi, mẹ của Jyoti, bày tỏ chị muốn con gái học tập chăm chỉ để thoát khỏi cảnh nghèo khó.

“Gia đình tôi nghèo nên trường công là lựa chọn duy nhất nhưng giáo viên không đến lớp, dạy không chú tâm. Tiếng Hindi của Jyoti rất kém. Tôi không biết làm thế nào. Chúng tôi không giàu có nên không thể cho con học trường tư”, bà mẹ lo lắng nói.

Các trường tiểu học công lập Ấn Độ hiện đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên. Điều kiện làm việc tồi tệ và áp lực được cho là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ nghề. Các chuyên gia cảnh báo thiếu giáo viên sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những năm tới do thiếu nguồn ngân sách cho ngành Giáo dục.

Trước tình trạng trên, nhiều tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ đã tăng cường hỗ trợ giáo dục trẻ em ở những vùng khó khăn nhất tại Ấn Độ. Một trong số đó là Quỹ Musubi-Te, được thành lập bởi ông Fukuoka Kotaro, quốc tịch Nhật Bản, vào năm 2021.

Quỹ tổ chức lớp học miễn phí sau giờ học để giúp đỡ những người không được tiếp cận giáo dục. Thời gian học là 6 buổi mỗi tuần. Tình nguyện viên đứng lớp là sinh viên đại học, giáo viên các trường tư thục.

Jyoti là một trong khoảng 1,2 nghìn trẻ em tham gia vào lớp học này. Em đang học đọc và viết bằng tiếng Hindi. Giống như Jyoti, hàng triệu học sinh nông thôn, vùng khó Ấn Độ đang dựa vào các nhóm phi lợi nhuận để học đọc viết và toán học cơ bản.

Một dự án khác có tên là Super 30, là sáng kiến giáo dục tham vọng và sáng tạo nhưng đã tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Coivd-19. Super 30 được bắt đầu từ năm 2002 bởi giáo viên toán Anand Kumar.

Bản thân anh từng là sinh viên giỏi được nhận vào Đại học Cambridge, Anh, nhưng không thể theo học vì hoàn cảnh gia đình. Kumar khẳng định “giáo dục là cách duy nhất để thoát nghèo”.

Mỗi năm, dự án chọn ra 30 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để trao học bổng gồm học phí, chi phí sinh hoạt, thực phẩm... Nhờ đó, dự án đã bồi dưỡng học sinh từ các hộ gia đình nghèo, những tài năng có thể bị chôn vùi nếu không được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.

Báo cáo Tình trạng Giáo dục Thường niên năm 2023 cho thấy 1/4 thanh, thiếu niên nông thôn Ấn Độ, trong độ tuổi từ 14 đến 18, không thể thành thạo kỹ năng đọc ở cấp tiểu học. Trong đó, chất lượng trường công ở nông thôn thấp hơn nhiều so với trường tư, nơi học sinh được học tiếng Anh. Một số trẻ em nông thôn còn không thể đọc được tiếng mẹ đẻ.

Theo NHK

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ